![]() |
Chồng mất, chị Sinh vừa lo mưu sinh vừa phải chăm con trai bị bại liệt mấy chục năm nay - Ảnh: Lâm Hoài |
Họ chỉ là hai trong số 60 hộ gia đình được báo Tuổi Trẻ và Công ty GreenFeed tìm đến sát cánh, hỗ trợ vượt qua khó khăn...
Côi cút mẹ con
Ngôi nhà bé xíu của mẹ con chị Chu Thị Sinh (thôn Gia Cốc, xã Quang Vinh, huyện Ân Thi) nằm nép mình ở rìa làng. Căn nhà trống hoác giáp mặt với cánh đồng, vốn xập xệ từ mấy năm nay càng trở nên hoang lạnh khi chồng chị ra đi trong một vụ tai nạn giao thông bỏ lại năm mẹ con chị bơ vơ. Mới đây hai con gái lớn bỏ học giữa chừng đi lấy chồng, mình chị tiếp tục chèo chống nuôi đứa út đang học lớp 6 và cậu con trai duy nhất hơn 20 tuổi - cũng chừng đó năm nằm một chỗ trên xe lăn vì chứng bại liệt.
Hàng xóm của chị nói rằng ròng rã cả mấy năm trời có lẽ chị Sinh chỉ được nghỉ ngơi khi đi ngủ, bởi từ tinh mơ đến tối mịt chị phải quần quật không ngơi tay: hết chăm đứa con bại liệt, lo đàn gà, ao cá, vườn rau, lại tối mặt với 8 sào ruộng trũng... Chị nói rằng dù nhiều lúc mệt đứt hơi nhưng cứ nghĩ đến con là thấy nhẹ nhõm hơn. Cô con gái út Bùi Thị Quỳnh dù thiếu thốn cả vật chất lẫn tình thương, nhưng vừa là đứa con ngoan vừa là học sinh giỏi nhiều năm liền. Ngoài thời gian lên lớp, đi làm cứ rảnh rỗi hai mẹ con lại nhận hàng đan thủ công về làm thêm kiếm chút đỉnh trang trải cuộc sống.
Hôm hội nông dân xã báo tin được hỗ trợ vay vốn làm ăn chị Sinh mừng đến mất ngủ. Căn nhà vốn lạnh lẽo im lìm mấy hôm nay ấm áp hẳn lên vì bà con chòm xóm hay tin đến chia vui. Chị Sinh dự định sẽ dựng lại chuồng gà, sắm thêm đàn gà nuôi lấy trứng, mua thêm đàn cá giống thả ao trước nhà; nếu được xây tạm vài mét vuông chuồng, mua vài con heo thịt để chăm. “Mừng lắm vì vừa có được ít vốn, lại nghe nói được hỗ trợ thức ăn chăn nuôi và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi”, chị nói trong khấp khởi. Còn Quỳnh khiến chúng tôi nghẹn ngào khi rủ rỉ rằng sẽ cố học giỏi, vì ngoài thương mẹ em còn có một lý do vô cùng đặc biệt đó là khỏi phụ lòng ba - bởi cái buổi mà ba gò lưng trên con đường làng gập ghềnh chở em tới trường cũng là lần ba ra đi mãi mãi.
Cái khổ đeo đuổi
Trước đây, dù không giàu có nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Hoành (thôn Phả Lê, xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm) được dân làng khâm phục vì vợ chồng trẻ mà tự lập gầy dựng được cuộc sống, nuôi con ăn học đàng hoàng. Thế nhưng cách đây ba năm, tai ương đổ xuống nhà anh đột ngột khi con trai lớn đang khỏe mạnh bỗng chốc đổ bệnh rồi liệt hẳn đôi chân.
Thương con, hai vợ chồng trẻ phải gác lại công việc đồng áng đưa con đi khắp nơi chữa trị, nghe đâu có người mách có thầy chữa giỏi, loại thuốc hay, hai vợ chồng lại tay bồng tay bế đưa con đi. Thế nhưng năm này qua năm khác, bệnh tình con không có dấu hiệu thuyên giảm, trong khi vật nuôi, của nả, tiền bạc trong nhà lần lượt “đội nón” ra đi theo những chuyến chữa bệnh cho con...
Đã hơn hai năm nay buổi sáng anh Hoành chở con đi chữa bệnh, buổi còn lại tranh thủ đi phụ vôi vữa trong làng, trong xã, còn chị Nguyễn Thị Mến - vợ anh - một tay vừa lo công việc đồng áng vừa tranh thủ nhận thêm đồ da về may gia công để kiếm thêm thu nhập. Bé gái út Nguyễn Thị Miền vừa lo học hành, chăm sóc anh trai vừa tranh thủ dán hàng mã. “Mỗi tháng cháu kiếm được hơn 100.000 đồng, cũng đủ để mua sách vở đấy”, Miền khoe. Dù cuộc sống thiếu thốn nhưng nhiều năm liền Miền là học sinh giỏi của trường.
Hôm hay tin được hỗ trợ tiền làm ăn, hai vợ chồng quên cả bữa cơm trưa tất tả xắn tay dọn đống rác trong khu chuồng heo vốn bỏ hoang ba năm nay. “Có vốn rồi tôi sẽ đầu tư lại đàn lợn, gầy dựng lại việc chăn nuôi của gia đình” - anh Hoành nói với ánh mắt đầy hi vọng.
Trên 800 triệu đồng vốn vay đến với nông dân nghèo Hưng Yên Tại Hưng Yên, chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường năm 2013” do báo Tuổi Trẻ, Công ty GreenFeed phối hợp với Hội Nông dân và Tỉnh đoàn Hưng Yên tổ chức được triển khai tại hai huyện Văn Lâm và Ân Thi. Theo đó, chương trình sẽ hỗ trợ vốn vay không lãi suất cho 60 hộ nông dân hoàn cảnh khó khăn, chí thú làm ăn có con em vượt khó học giỏi trong thời gian hai năm (2013-2015) với tổng kinh phí 840 triệu đồng. Trong suốt thời gian đồng hành với chương trình, các hộ nhận vốn được công ty hỗ trợ tư vấn kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, phòng chống dịch bệnh, tư vấn sử dụng thức ăn cho gia súc gia cầm. Ngoài ra chương trình còn trao tặng các suất học bổng cho học sinh, sinh viên là con em các hộ nông dân sau mỗi năm tham gia chương trình có thành tích học tập giỏi, xuất sắc (trị giá 500.000-3 triệu đồng/suất). Các gia đình có con em học giỏi cũng được trích tặng 20% tổng số vốn vay. Tính trên cả nước, từ 2010-2013 chương trình đã tài trợ số tiền 13 tỉ đồng, hỗ trợ 720 hộ nông dân tại 12 tỉnh: Long An, Bình Định, Hưng Yên, Đồng Nai, Bình Thuận, Bến Tre, Trà Vinh, Hải Dương, Hà Nam, Đắk Nông, Lâm Đồng và Quảng Nam. Giai đoạn tiếp theo (2013 - 2015), chương trình tiếp tục tài trợ thêm 7 tỉ đồng hỗ trợ 240 hộ nông dân tại bốn tỉnh: Bình Định, Hưng Yên, Đồng Nai và Long An. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận