Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng dịch vụ thám tử tư cũng có tác dụng tích cực như đáp ứng một phần nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, do đó cần được pháp luật thừa nhận.
Cỡ nào cũng “moi” ra
Người bị theo dõi có thể kiện ra tòa Theo các chuyên gia pháp lý, người bị xâm phạm đời tư qua hoạt động thám tử có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng bảo vệ. Người bị theo dõi có thể thu thập thông tin liên quan việc mình bị theo dõi, bị xâm phạm bí mật đời tư và kiện ra tòa theo quy định pháp luật. |
Khi liên hệ với công ty thám tử tư BM (Tân Bình), nhân viên công ty cho biết “đây là công ty thám tử uy tín nhất VN”, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của khách hàng. Sau khi nghe ý định theo dõi chồng do nghi ngờ ngoại tình, nhân viên đề nghị khách hàng kể rõ sự việc.
Từ thông tin này, nhân viên này hứa trong vòng một tuần sẽ cung cấp hình ảnh, clip liên quan đến mối quan hệ thực sự của chồng với mức giá 8 triệu đồng.
Ở công ty thám tử tư TB (Gò Vấp), khách hàng cho biết muốn tìm hiểu nhân thân vị hôn phu của con mình. Nghe xong, nhân viên yêu cầu cung cấp họ tên, số điện thoại, chỗ ở của người này, hứa sau một tuần sẽ tìm ra quê quán, hộ khẩu, công việc đang làm, đã từng có vợ chưa...
Khi khách cần theo dõi điện thoại của con mình, nhân viên cho biết chỉ cần cung cấp số thuê bao, sau 2-3 ngày sẽ tìm ra mật khẩu điện thoại với giá 4 triệu đồng.
Hầu hết các “công ty” thám tử yêu cầu khách đưa trước 50% giá trị hợp đồng. Các “thám tử tư” tự xưng từng là sĩ quan hoặc học nghề thám tử “theo tiêu chuẩn quốc tế” nên “bí mật cỡ nào cũng moi ra được”. Thực tế nhiều “công ty” trưng dụng cả... “thám tử xe ôm” vào việc làm ăn của mình.
Bên nào cũng phạm luật
Theo luật sư Vũ Mạnh Quỳnh, pháp luật chưa có khung pháp lý điều chỉnh cụ thể các hoạt động thám tử tư. Các quy định pháp luật hiện tại về hoạt động này nằm rải rác trong các văn bản dưới luật.
Cụ thể, hệ thống mã ngành kinh tế quốc gia có đề cập đến nhóm dịch vụ điều tra và giám sát. Tuy nhiên, Luật thương mại 2005 và nghị định 59/2006 lại xác định dịch vụ điều tra bí mật thuộc lĩnh vực cấm kinh doanh.
“Trong khi nhu cầu thực tế cuộc sống là có, nhưng việc xác định các hoạt động của các dịch vụ thám tử tư nhân, điều tra thông tin cá nhân có thực sự hợp pháp hay không, hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ” - luật sư Quỳnh nói.
Tiến sĩ Phan Anh Tuấn - trưởng bộ môn Luật hình sự ĐH Luật TP.HCM, cho rằng hoạt động thám tử tư chưa được phép hoạt động ở VN. Theo Luật đầu tư năm 2014, ngành nghề này chưa được quy định trong danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh nhưng do nó xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân nên trái với quy định pháp luật.
Ông Tuấn nói: hoạt động của các thám tử bí mật thu thập thông tin cá nhân là xâm phạm đến quyền bí mật đời tư được quy định tại điều 21 Hiến pháp 2013 và điều 38 Bộ luật dân sự.
Theo đó, hành vi này có thể bị xử lý hình sự về các tội liên quan như tội xâm phạm chỗ ở của công dân, xâm phạm bí mật an toàn thư tín... Cả người cung cấp thông tin liên quan bí mật cá nhân của người khác và thám tử khi sử dụng thông tin đó để theo dõi đều có thể vi phạm pháp luật.
Nhiều rắc rối nảy sinh
Hầu hết các công ty thám tử tư cam kết về tính bí mật của hợp đồng và giữ kín dữ liệu, hình ảnh về người bị theo dõi. Thế nhưng đã có không ít trường hợp người bị theo dõi phát hiện sự việc, hoặc công ty thám tử “hai mang”, vừa nhận tiền bên này vừa cung cấp thông tin cho bên kia...
Theo luật sư Quỳnh, các hợp đồng ký kết giữa khách hàng và thám tử để theo dõi người khác thường có nội dung chung chung, nhằm tạo niềm tin cho hai bên.
“Hợp đồng dạng này khó thỏa mãn các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo điều 117 Bộ luật dân sự. Do đó, các bên liên quan không nên xem hợp đồng này là căn cứ duy nhất khi có tranh chấp xảy ra” - luật sư Quỳnh nói.
Mặt khác, việc thuê thám tử theo dõi nhau chưa được pháp luật quy định rõ ràng, chưa có các tiêu chí pháp lý hay quy chế đạo đức nghề nghiệp nên khó có căn cứ để đánh giá về sự chuyên nghiệp, hiệu quả hoặc sự an toàn.
Còn theo ông Tuấn, nếu bị lộ thì người thuê không chỉ chịu trách nhiệm pháp lý mà còn đối mặt với những hậu quả như bị kỷ luật ở cơ quan, tổ chức...
Ngay cả với những trường hợp thuê thám tử tìm người gây tai nạn rồi bỏ trốn, đối tượng bắt cóc, quấy rối điện thoại... các luật sư cho biết pháp luật cũng không cho phép. Dựa vào các nguyên tắc thu thập chứng cứ trong tố tụng, những thông tin dạng này khó được công nhận.
Có nên cho phép hoạt động?
Một cán bộ của Phòng tham mưu Công an TP.HCM khuyến cáo người dân phải hiểu việc sử dụng dịch vụ thám tử có thể vi phạm pháp luật để không yêu cầu thuê mướn. Các công ty thám tử tư phải nhận thức việc theo dõi bí mật đời tư của người khác là vi phạm pháp luật, khi các cơ quan chức năng phát hiện sẽ xử lý nghiêm.
Theo luật sư Quỳnh, nếu như tổ chức hoặc cá nhân hoạt động thám tử tư theo kiểu tự phát hoặc dưới danh nghĩa một công ty kinh doanh loại hình dịch vụ khác thì rất khó để cơ quan nhà nước quản lý.
Hoạt động này có thể đem lại lợi nhuận cho nhà kinh doanh dịch vụ nhưng sẽ dẫn đến khó giám sát việc kê khai thuế. Đây là một bất cập, vì chưa được cấp phép hoạt động đồng nghĩa với việc chưa có sự kiểm tra, quản lý, dẫn đến thất thu thuế.
Nhu cầu có thật, cần được công nhận Theo luật sư Vũ Mạnh Quỳnh, bên cạnh những “mảng tối”, dịch vụ thám tử tư cũng có tác dụng tích cực như đáp ứng một phần nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Chính phủ cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các dịch vụ này với các tiêu chí pháp lý và tiêu chuẩn hành nghề chặt chẽ, giới hạn phạm vi hoạt động và có cơ chế giám sát của cơ quan quản lý. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận