Phóng to |
Các món gỏi Việt Nam - Ảnh: Th.Đạm |
Liệu VN đã bỏ lỡ các cơ hội tiếp thị đất nước khi chiêu đãi các vị khách nước ngoài toàn món Tây hoặc nửa Tây nửa ta? Đây cũng là tâm điểm của buổi tọa đàm “Thực đơn Việt” do báo Tuổi Trẻ tổ chức hôm qua (11-5) trong khuôn khổ chương trình “Hành trình tiếp thị hình ảnh VN”.
Theo kế hoạch, chủ tịch UBND TP.HCM sẽ mở tiệc chiêu đãi các quan chức tham dự Hội nghị quan chức cấp cao APEC (SOM2) tại khách sạn Caravelle vào ngày 31-5 và Bộ Thương mại sẽ tổ chức chiêu đãi các bộ trưởng thương mại APEC vào ngày 1-6 tại khách sạn Windsor Plaza. Thực đơn chiêu đãi các vị khách nên như thế nào?
Thực đơn nào cho các vị khách APEC?
Trong buổi tiếp tân tại khách sạn Caravelle, dự kiến các vị khách APEC sẽ được chủ nhà đãi các món như cá hồi xông khói với táo, cần tây và salad kem thì là dùng với bánh mì trắng; sườn cừu nướng dùng với khoai tây nghiền, nấm, gan ngỗng và rau củ...
Món được xem là “sứ giả” của VN trong buổi chiêu đãi này chính là... cà phê pha phin. Tương tự, thực đơn chiêu đãi các vị bộ trưởng tại khách sạn Windsor Plaza bao gồm các món như hạt kê Blinis với cá hồi, trứng kiểu Devil, ức vịt xông khói xốt dâu...
Vì sao không thể là một thực đơn thuần Việt được đưa ra để đãi khách quí là câu hỏi được thảo luận sôi nổi tại buổi tọa đàm. Theo ông Đỗ Kiều Lân, bếp trưởng Công ty liên doanh suất ăn hàng không (VN Air Caterers) kiêm chủ nhiệm CLB Đầu bếp TP.HCM, điều này rất khó thực hiện vì đảm bảo an toàn là điều kiện tiên quyết của các buổi chiêu đãi cao cấp.
Thức ăn ngoài việc bổ dưỡng phải đạt được độ quen thuộc cần thiết để không gây ra “sự cố” cho thực khách. “Đó là chưa kể đến các khó khăn liên quan đến việc phải tìm các nguồn cung cấp nguyên liệu đạt được các yêu cầu về chất lượng, tính đồng nhất, an toàn... khi muốn chế biến món ăn Việt số lượng lớn” - ông Lân phân tích.
Chuyên gia nấu ăn Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân hé lộ bà vừa bị “rớt thầu” khi đề xuất chọn một thực đơn thuần Việt để đãi khách APEC. Lúc này, bà vẫn chưa hết “tấm tức”: “Ngoài những món buộc phải có để đảm bảo dinh dưỡng cho khách, có gì không đúng khi tôi muốn đưa phở bò, chả giò, gỏi cuốn... vào thực đơn. Tôi đã đi đến nhiều nơi trên thế giới, gặp gỡ trao đổi với nhiều người quan tâm về ẩm thực VN, ai cũng công nhận đó là những món “quốc hồn, quốc túy” của VN đã và đang làm người ta mê mẩn...”.
Bà Bùi Thị Sương, chủ nhiệm bộ môn nấu ăn Trường Nghiệp vụ du lịch và khách sạn TP.HCM, kể trong buổi dạ tiệc cuối năm 2004 trong chuỗi sự kiện “Ngày VN tại Thụy Điển” tổ chức tại Stockholm, phía VN đã đãi khách 35 món thuần Việt.Vừa bất ngờ vừa hạnh phúc là cảm xúc của bà khi có vị khách đã ăn đến ba tô phở, nhiều người sau khi thưởng thức đã đưa ngón tay cái lên, nói: “số 1”.
Phóng to |
Bà Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân đang chăm chút cho các món ăn trước khi đưa ra bàn tiệc - Ảnh: T.T.D. |
Ông Đỗ Kiều Lân cho biết đa số các hãng hàng không đều khai thác triệt để cơ hội giới thiệu ẩm thực của nước mình trên các chuyến bay quốc tế. “Tôi cảm thấy Vietnam Airlines chưa mặn mà với chuyện này mặc dù có nhiều cuộc hội thảo được tổ chức và đi đến kết luận rằng việc giới thiệu món ăn Việt trên các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia là cần thiết” - ông Lân nói.
Ông cũng cho biết Singapore Airlines tháng sau sẽ tung ra một chương trình “book the cook” có thể hấp dẫn được nhiều du khách Việt. Theo đó, nếu khách mua vé hạng C sẽ được đặt trước món ăn cho mình trên chuyến bay trong danh sách 10 món thuần Việt có sẵn như phở, chả cá, bò kho, bò lá lốt...
Theo nhà thơ Nguyễn Duy, tiềm năng để khai thác các món ăn dân gian VN để đãi khách quí là vô tận. Ông cùng một nhóm bạn bè vừa trải qua một chuyến du khảo suốt chiều dài đất nước để thưởng thức những món ngon ba miền.
“Chúng tôi đi để tìm hiểu về văn hóa ẩm thực, không dám nói là đã đi đến tận cùng, nhưng những gì chúng tôi đã nếm qua suốt cuộc hành trình làm cho chúng tôi tự tin rằng một số món ăn, thức uống của VN nếu được nâng lên thành công nghệ hoàn chỉnh từ các khâu như lập menu, công thức chế biến, phong cách phục vụ... thì chắc chắn sẽ trở thành là một điểm nhấn quan trọng trên các bàn tiệc ngoại giao” - ông Duy nói.
Tuy nhiên, theo các đại biểu, cho đến nay VN vẫn chưa có một cơ quan cụ thể được phân công phụ trách về việc bảo tồn và phát triển văn hóa ẩm thực VN, thành ra có những món ăn đã bị mai một, rơi vào quên lãng và không chống đỡ được với sự xâm lăng của văn hóa ẩm thực các nước khác đang tràn vào.
Bữa cơm Việt trên bàn tiệc ngoại giao nên có những món gì? Chúng ta nên làm gì để quảng bá văn hóa ẩm thực Việt trên trường quốc tế? Làm thế nào để khôi phục và giữ gìn nét đẹp ẩm thực dân gian Việt? Những câu chuyện, những ghi nhận của riêng bạn về ẩm thực VN. Và hiến kế của bạn để đưa thức ăn Việt ra với bạn bè thế giới? Xin hãy gửi những ý kiến của bạn về cho Tuổi Trẻ theo địa chỉ vanhoavannghe @tuoitre.com.vn |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận