![]() |
Sinh viên Nhật Bản (phong trào Peace Boat) đến giao lưu ở TP.HCM đang được đãi món ăn Việt với món lẩu cá và bia Sài Gòn - năm 1990 - Ảnh: MASAHIRO DOI |
Hai câu chuyện trong ký ức
Chuyện thứ nhất, vào khoảng năm 1990, tôi dự tiệc chiêu đãi tổng thống Ấn Độ sang thăm VN. Tiệc diễn ra ở dinh Thống Nhất.
Là một thành viên của ngoại giao đoàn VN, đại diện cho thanh niên VN, tôi được xếp - bảng tên - chỗ ngồi cạnh ông bộ trưởng giáo dục và thanh niên (hoặc thể thao và thanh niên). Sau phần lễ nghi, đang ăn, đột nhiên ông bộ trưởng Ấn Độ quay sang hỏi tôi:
- Tôi muốn uống một chai bia VN, ông có vui lòng?
Thì ra trên bàn người ta bày toàn bia Heineken. Tôi đáp lễ: “Vâng, có thể”. Rồi tức tốc tiến đến các cô lễ tân đang đứng xa xa quan sát khách, tìm gặp cô gái phụ trách tiệc để nói yêu cầu này. May mắn là lát sau các cô mang đến cho riêng ông bộ trưởng hai lon bia Sài Gòn.
Tôi thở phào nhẹ nhõm, nhưng thầm nghĩ không biết có phải ông bộ trưởng giáo dục này muốn “giáo dục” mình về chuyện VN chiêu đãi quốc khách Ấn mà dùng toàn món Tây?
May mà các cô lễ tân đã linh hoạt giải quyết yêu cầu của vị khách Ấn Độ, chứ nếu người ta viện lý do “bảo vệ an toàn thực phẩm” cho khách VIP để từ chối thì tôi không biết phải xin lỗi thế nào với thượng khách.
Chuyện thứ hai là chuyện chiêu đãi anh Ostones, chủ tịch Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới, khi anh đến TP.HCM vào năm 1986. Ông Trần Quốc Hương, đại diện Thành ủy, tiếp đãi anh Ostones trong một biệt thự.
Ostones là thủ lĩnh của Đoàn Thanh niên Chile (một nước ở châu Mỹ Latin). Sau cuộc đảo chính đẫm máu của tướng Pinochet lật đổ tổng thống Allende, anh phải sống lưu vong ở một số nước XHCN Đông Âu và được các tổ chức thanh niên dân chủ thế giới cử làm chủ tịch.
Tôi quen biết anh qua những chuyến đi “ngoại giao thanh niên” ở các nước nên được mời dự tiệc và tháp tùng anh suốt chuyến đi VN của anh.
Không khí tiệc thân mật như gia đình và thức ăn chỉ ba, bốn món Việt. Vừa xong món khai vị, đèn điện trong phòng vụt tắt. Rồi từ xa xa ở hướng cửa vào bỗng hiện lên những ánh đèn le lói.
Mười cô gái trong trang phục đen tuyền của người dân tộc thiểu số tiến về bàn tiệc, trên tay mỗi cô là một ngọn lửa nhỏ. Các cô đặt trước mặt mỗi thực khách một chiếc đĩa có con tôm càng đỏ au đang chìm trong lửa. Lửa trong đĩa tôm vừa tắt thì đèn chùm bật sáng.
Khách, ai cũng trầm trồ khen ngợi, không chỉ món ăn, mà cả phong cách phục vụ độc đáo này. Khi tiễn Ostones ra sân bay, tôi hỏi anh ấn tượng sâu đậm nhất trong chuyến thăm VN lần này? Anh trả lời vui vẻ: bữa dạ tiệc “đầy lửa” tối hôm đó!
Vai trò của ẩm thực trong bàn tiệc ngoại giao
Trong tám năm liên tục làm công việc đón tiếp, tổ chức giao lưu với hàng nghìn thanh niên - sinh viên Nhật Bản thuộc phong trào Peace Boat (Con tàu Hòa bình) ở VN, tôi thấy các bạn trẻ Nhật rất chuộng món ăn Việt như phở, chả giò, thủy hải sản nguyên chất và nhất là hoa quả tươi phong phú của ta. |
Ví như: trên bàn tiệc chiêu đãi mà thấy bày trước mặt bàn mình nhiều lớp muỗng - nĩa - dao... thì khi ăn mỗi món, phải lấy muỗng - nĩa theo thứ tự: từ ngoài vô trong, từ phải sang trái, từ trên xuống dưới, vì mỗi món ăn được dùng bằng một loại muỗng, nĩa, đĩa riêng và được dọn đi ngay sau khi ăn xong mỗi món.
Qua thực tế làm ngoại giao ít ỏi đó cũng đủ cho tôi nhận thức: đi cùng với nhân tố quyết định là con người - nhà ngoại giao, thì thức ăn và phong cách ăn uống đã trở thành vấn đề thể diện quốc gia. Vì vậy, cho phép tôi lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cho một “thực đơn Việt trên bàn tiệc ngoại giao” và đề cao ẩm thực Việt lên hàng “sứ giả ngoại giao”.
Tất nhiên, đó chỉ là mong muốn, góp ý của một công dân quan tâm đến thực đơn Việt và thể diện quốc gia, còn việc quyết định có đưa thực đơn Việt thành sứ giả trên bàn tiệc ngoại giao hay không chính là do các nhà lãnh đạo ngoại giao, và các cơ quan Chính phủ, với tư cách là người chủ tiệc chiêu đãi khách.
(*) Diễn đàn mở ra từ 12-5-2006 và nay tạm khép lại với bài viết này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận