30/06/2010 05:30 GMT+7

Thừa phát lại "sống chưa khỏe"

CHI MAI
CHI MAI

TT - Năm văn phòng thừa phát lại (TPL) tại TP.HCM đi vào hoạt động gần một tháng qua. TPL là mô hình mới, duy nhất được thí điểm tại TP.HCM theo đề án được Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên những ngày qua, hoạt động của TPL vẫn còn khá dè dặt, ế khách.

px7Y8eXT.jpgPhóng to
Khách hàng đến văn phòng thừa phát lại quận 8 đề nghị lập vi bằng - Ảnh: Chi Mai

Theo nghị định 61/2009/NĐ-CP, TPL được xem là cơ quan thi hành án tư nhân (cũng có chức năng thi hành các bản án dân sự như cơ quan thi hành án dân sự nhà nước).

Tuy nhiên, TPL còn có thêm một số chức năng khác mà cơ quan thi hành án không có. Đó là: lập vi bằng (lập biên bản ghi nhận sự kiện, hành vi, vụ việc để làm bằng chứng), xác minh điều kiện thi hành án của đương sự và làm công việc tống đạt giấy tờ (các loại giấy triệu tập, thư mời, thông báo của tòa án, cơ quan thi hành án).

Nhiều nhu cầu về lập vi bằng

Bà Nguyễn Thúy Hằng, TPL thuộc văn phòng TPL quận Tân Bình, cho biết: “Văn phòng mới hoạt động chính thức từ ngày 19-6-2010 nhưng đã có khá nhiều khách hàng đến đề nghị lập vi bằng. Chúng tôi từng lập vi bằng xác nhận sự kiện về việc vi phạm hợp đồng thuê nhà. Hợp đồng thuê nhà đã ký, được cơ quan công chứng xác nhận nhưng trong quá trình thi hành, một bên vi phạm nghĩa vụ giao tiền để nhận nhà nên bên cho thuê nhà đã mời TPL đến ghi nhận việc này. Vi bằng được đăng ký tại Sở Tư pháp nên được coi là một chứng cứ hợp pháp để tòa án công nhận”.

Thù lao chưa thống nhất

Mức phí, thù lao cho công việc lập vi bằng hiện chưa thống nhất. Có văn phòng đưa ra mức giá “sàn” cho một vụ lập vi bằng đơn giản phải 2 triệu đồng nhưng cũng có văn phòng cho biết sẵn sàng làm với giá mềm hơn, có khi chỉ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng/vụ. Tùy tính chất vụ việc phức tạp, địa điểm lập vi bằng xa hay phải huy động thêm nhiều người đi mà mức thù lao cho công việc này được tính cao hơn, có khi 5-7 triệu đồng/vụ. Theo các văn phòng TPL, sở dĩ có chuyện khác nhau về giá cả dịch vụ là do chưa có văn bản hướng dẫn về mức thù lao.

Có mặt tại văn phòng TPL quận 8 chiều 24-6, chúng tôi chứng kiến một nhóm khách hàng đến yêu cầu làm vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán nhà.

Theo bà Vũ Thị Trường Hạnh - trưởng văn phòng TPL quận 8, lập vi bằng về việc giao nhận tiền được khá nhiều khách hàng yêu cầu. Có khi hai bên mua bán đề nghị TPL đến nhà để ghi nhận việc giao nhận tiền nhưng cũng có trường hợp các bên muốn giao nhận tiền ngay tại văn phòng TPL.

Theo bà Hạnh, kể từ khi bắt đầu hoạt động đến nay, văn phòng TPL quận 8 đã hoàn tất khoảng mười hồ sơ lập vi bằng cho khách hàng.

Theo TPL Nguyễn Căn - văn phòng TPL quận 8, nhiều người có nhà bị công trình xây dựng kế bên làm ảnh hưởng, nứt tường đã đề nghị ghi nhận lại tình trạng nhà. Ngoài việc ghi nhận bằng mắt thường, TPL cũng có thể nhờ thêm nhân chứng, cơ quan giám định đến hiện trường để xác nhận tình trạng thực tế của công trình nhà ở bị tác động.

Còn chờ hướng dẫn

Một công việc khác của TPL là xác minh việc người phải thi hành án có tài sản để thi hành án hay không nhưng theo các văn phòng TPL, số lượng người đến yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án không nhiều. Các văn phòng hiện gặp lúng túng khi nhận giải quyết vụ việc do còn vướng quy định về thù lao, mức phí cần thu.

Bà Nguyễn Thúy Hằng cho biết: “Có trường hợp trước khi khởi kiện vụ việc, khách hàng muốn nhờ TPL xác minh bị đơn có tài sản hay không để cân nhắc việc kiện cáo hoặc để đề nghị tòa kê biên, tránh việc tẩu tán tài sản trong quá trình tố tụng nhưng chúng tôi không thể nhận làm”.

Theo bà Hằng, nghị định 61 chỉ quy định TPL xác minh tài sản khi vụ việc đã có bản án có hiệu lực pháp luật, còn khi chưa khởi kiện lại không có quy định. Bà Hằng cho rằng việc xác minh tài sản trong quá trình tố tụng dân sự là rất cần thiết, kiến nghị cho phép TPL làm công việc này.

Mảng việc mà các văn phòng TPL nhắm đến là tống đạt giấy tờ hiện cũng chưa thực hiện được. Theo các văn phòng TPL, nếu có được những hợp đồng tống đạt giấy tờ thì văn phòng sẽ “sống khỏe”. Tuy nhiên, đến nay việc này vẫn còn đang phải... chờ vì chưa có thông tư liên tịch giữa các cơ quan tư pháp để hướng dẫn về mức phí.

Thi hành án: chưa dám làm!

Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, chưa có văn phòng TPL nào nhận thi hành bản án dù nhiều đương sự đã tìm đến yêu cầu. Theo quy định của nghị định 61, TPL tại địa bàn quận huyện nào có thẩm quyền thi hành bản án có hiệu lực pháp luật theo thẩm quyền địa hạt của tòa án quận huyện đó. Giải thích lý do chưa nhận thi hành bản án, có văn phòng TPL cho rằng còn phải chờ hướng dẫn nhưng cũng có một số người nói thật: việc thi hành án phức tạp quá nên chưa dám làm!

Theo quy định, khi thi hành bản án, TPL có thẩm quyền tương tự như chấp hành viên của cơ quan thi hành án nhà nước, kể cả việc đề nghị cưỡng chế thi hành án. Khi thấy cần phải cưỡng chế, TPL làm kế hoạch, gửi cục trưởng Cục Thi hành án TP phê duyệt và ra quyết định cưỡng chế. Theo Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, cơ quan này cũng đã chuẩn bị để tiếp nhận hồ sơ, hỗ trợ các văn phòng TPL nhưng đến nay chưa nhận được hồ sơ nào gửi tới.

CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên