27/02/2005 11:53 GMT+7

Thư viện làng của ông lùn

HOÀNG DIỆP
HOÀNG DIỆP

TTCN - Ông là Nguyễn Xuân Tạo, 68 tuổi. Ông chỉ cao... 1,2m, vóc hình như một đứa trẻ lên 10, gương mặt đầy nếp nhăn. Mặc dù nhỏ bé, xấu xí nhưng ông đã dựng nên một thư viện sách đồ sộ ở xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) - một làng quê nghèo hằng năm có rất nhiều học sinh thi đỗ đại học, nằm cách sông Hồng 10km.

lPkHWPr4.jpgPhóng to
Thư viện mới của ông Tạo trị giá 600 triệu đồng tiền đầu tư xây dựng
TTCN - Ông là Nguyễn Xuân Tạo, 68 tuổi. Ông chỉ cao... 1,2m, vóc hình như một đứa trẻ lên 10, gương mặt đầy nếp nhăn. Mặc dù nhỏ bé, xấu xí nhưng ông đã dựng nên một thư viện sách đồ sộ ở xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) - một làng quê nghèo hằng năm có rất nhiều học sinh thi đỗ đại học, nằm cách sông Hồng 10km.

Thư viện mới của ông Tạo còn thơm mùi vôi vữa, vừa được khánh thành giữa năm 2004 với tổng diện tích trên 500m2, cao hai tầng. Từ đường làng nhìn vào cứ ngỡ một tòa biệt thự kiểu Pháp. Bên trong ngăn thành hai gian. Một gian chứa tám giá gỗ chạy dài, trong đó có sáu giá sách và hai giá báo các loại. Gian còn lại là phòng đọc sách. Trong phòng đọc, một dãy bàn sạch sẽ đang có hơn chục đứa trẻ ngồi say sưa bên những trang sách cũ. Nhìn cách ngồi và đôi mắt bọn trẻ đủ biết sách đối với chúng quí hiếm ra sao! Ở khoảng giữa phòng đọc và phòng chứa sách có một cái bàn cũ kỹ, ở đó ông Tạo đang tận tụy phân sách cho từng độc giả đứng mượn.

Phía bên kia thư viện là một ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ, được xây từ năm 1994 mà ông mượn của hợp tác xã để mở thư viện cũ, nay mới chuyển sang thư viện mới này. Ông bảo: “Nếu xét qui mô thư viện cấp thôn, cấp xã, thư viện của tôi là thư viện lớn nhất cả nước”. Niềm vui của ông lộ rõ trên gương mặt nhăn nhúm. Sau bao năm kiên trì giữ kho sách cho làng xã, ông đâu ngờ tên tuổi mình nay được vang xa đến thế! Không chỉ trong tỉnh, trong huyện biết tiếng mà cả nước biết ở một ngôi làng ven sông Hồng có một ông già lùn sau mấy chục năm cần mẫn đã dựng nên cả kho sách cho làng. Nhiều đoàn cán bộ thư viện từ trung ương đến địa phương, của Bộ Văn hóa - thông tin, Quốc hội, nhiều học giả ở Hà Nội, TP.HCM đã về tận đây gặp ông lùn!

Ông mắc “bệnh” lùn do năm lên 6 tuổi chơi đùa bị ngã đập đầu vào cột, bị thoái hóa hocmon sinh trưởng.

Ông bảo: “Thấp bé chiều cao thì không đáng sợ, thứ đáng sợ đối với tôi là thấp bé trình độ văn hóa”. Ông lao vào đọc sách rồi tự học để trở thành một thầy giáo. Năm 1969, ông xung phong đi học trường cao đẳng văn hóa - nghệ thuật của tỉnh với giấc mơ trở thành nhà biên kịch. Cả làng rất lạ, thấy một anh lùn mà khát vọng chẳng hề lùn! Ông cho ra lò vở Khóm tre gây xôn xao dư luận, tác phẩm đầu tay mà ông trân trọng giữ đến tận bây giờ trong tủ kính thư viện.

Năm 1971, học xong lớp biên kịch ông lại trở về làng. Chẳng hiểu sao hợp tác xã lại giao cho ông cái chân thủ thư. Đối với ông, được nhận chân thủ thư hồi đó là một vinh hạnh bởi cả miền Bắc đang có phong trào xây thư viện làng, đây không phải tủ sách bình thường mà là “tủ sách kháng chiến”- phong trào đã có từ năm 1946 do Bác Hồ khởi xướng, đến năm 2006 sẽ kỷ niệm 60 năm tồn tại. Tuy nhiên, ông “nhận tủ sách về mà run bởi vốn sách cả làng chỉ vỏn vẹn 104 cuốn các loại”.

5TIb8eUj.jpgPhóng to
Những giá sách cả đời kỳ công sưu tầm và gìn giữ của ông Tạo, nay đã được đặt trong một thư viện được coi là lớn và đẹp nhất miền Bắc
Năm 1976, cái tủ sách sơ sài của ông đã có thêm 1.117 cuốn, bước đầu mang diện mạo một thư viện xã. Năm 1980, thư viện của ông lại được bổ sung một phòng đọc dành cho các em với 2.500 cuốn sách cùng 20 đầu báo. Tuy nhiên, đến năm 1982, trong khi hàng loạt thư viện nông thôn trong tỉnh thay nhau đóng cửa, bỏ mặc sách cho mối mọt thì thư viện xã Tam Hồng của “ông lùn” vẫn tồn tại nhờ ông tìm ra một phương thức hoạt động rất kỳ cục: 10 năm trời liền ông gánh toàn bộ sách về nhà riêng, sau đó ngày ngày lóc cóc đạp xe đi khắp làng, xã giao sách cho từng gia đình mượn.

Đến bây giờ hình ảnh một ông lùn ngồi chênh vênh trên chiêc xe đạp cũ kỹ (khi đạp cứ phải xoay mông từ bên này sang bên nọ, mà chỉ đạp được một chân bởi chân kia đã bị liệt), đi khắp làng trên xóm dưới giao sách báo đến từng nhà vẫn chưa phai mờ trong ký ức nhiều người. Đã hơn 30 năm nay chiếc xe đạp cà tàng ấy bây giờ vẫn còn là phương tiện của ông, ngày ngày đưa ông từ nhà đến thư viện rồi lại trở về.

Lúc nào ông Tạo cũng sợ phải giã từ kho sách, sợ phải đánh mất hàng ngàn cuốn sách do mình dày công sưu tầm, gìn giữ trong đó có nhiều cuốn quí giá. Nhưng đời sách đâu có khác đời người. Qua cơn bĩ cực sẽ lại thái lai. Năm 1994, thư viện xã Tam Hồng lại được khôi phục bởi người dân nhận thấy vai trò không thể thiếu của “ông lùn”, khi sách không chỉ là một món ăn tinh thần mà còn là bí quyết để làm giàu. Một chái nhà cấp bốn được dựng lên ngay trung tâm xã để ông Tạo gánh sách trở lại. Và ông lại bắt đầu nuôi tiếp giấc mơ mở mang qui mô thư viện của làng lên 10.000 đầu sách. Ngày ngày ông xách xe đạp đi “xin” sách ở khắp nơi, từ Việt Trì về Vĩnh Yên, Hà Nội...

Ông cứ như con kiến nhỏ, mỗi ngày tha về thư viện một ít sách để làm giàu tri thức cho dân làng! Bây giờ thư viện của ông không chỉ có 10.000 đầu sách mà đã có tới 13.200 đầu sách, chưa kể một giá báo 20 tờ các loại để cập nhật cho dân làng đọc từng ngày. Đó là một kỳ tích của ông già lùn. Ông bảo: “Nếu cứ ngồi đợi kinh phí của xã thì còn lâu, bởi để mua được mỗi năm 2.000 cuốn sách phải bỏ ra hàng chục triệu đồng, trong khi mua một vài tờ báo xã đã phải đắn đo”.

Bao năm qua, thư viện của ông Tạo mọc lên không phải để tô điểm hình thức cho hệ thống thiết chế văn hóa xã mà đã đóng góp thật sự cho sự phát triển dân trí. Giờ đây thư viện ấy là ngôi trường thứ hai của tất cả lũ học trò trong xã. Không chỉ người dân trong xã mà rất nhiều nông dân từ các xã khác, huyện khác ngày ngày đạp xe tới thư viện ông Tạo để đọc sách, mượn sách đem về. Thư viện của ông đã làm sáng lên cả một vùng nông thôn Vĩnh Phúc, nơi có những nông dân sôi sục khát vọng làm giàu.

Những đóng góp của ông lùn đã được Nhà nước ghi nhận. Bộ Văn hóa - thông tin, UBND tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ 400 triệu đồng và địa phương đầu tư thêm 200 triệu đồng để xây cho ông lùn một thư viện mới được coi là thư viện cấp xã lớn và đẹp nhất miền Bắc.

Hơn 30 năm làm thủ thư vì niềm say mê mãnh liệt, đến nay ông vẫn thỏa mãn với những gì mình được hưởng, mỗi năm (hai vụ lúa) UBND xã Tam Hồng trả cho ông 8 tạ thóc (khoảng 1,4 triệu đồng), tính ra mỗi tháng ông chỉ được 100.000 đồng có lẻ.

HOÀNG DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên