21/02/2019 20:28 GMT+7

Thủ tướng: 'Văn phòng Chính phủ được gọi là siêu bộ, có ngâm hồ sơ lâu không?'

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Tại cuộc họp Ban chỉ đạo cải cách hành chính chiều 21-2, Thủ tướng nhắc các bộ, ngành cần tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ.

Thủ tướng: Văn phòng Chính phủ được gọi là siêu bộ, có ngâm hồ sơ lâu không? - Ảnh 1.

Thủ tướng: Năm 2018 đã giảm đáng kể tình trạng nợ đọng văn bản - Ảnh: VGP

Thủ tướng cũng lưu ý ngay hệ thống một cửa giải quyết thủ tục hành chính tại bộ, ngành địa phương cũng đang có tồn tại, bố trí cán bộ để giải quyết tại chỗ nhưng nhiều khi cán bộ lại nghĩ cách này nọ.

Cải cách mấy mà cán bộ hách dịch cũng vô nghĩa

"Trên trải thảm dưới đinh còn tồn tại nên cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn. Văn phòng Chính phủ được gọi là siêu bộ, có ngâm hồ sơ lâu không? Các vụ, các cục cần giải quyết công việc nhưng không tiếp xúc với đối tượng mới chống tiêu cực tham nhũng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng nói ưu điểm năm 2018 là cải cách thể chế, tình trạng nợ đọng văn bản giảm dần, giảm đáng kể. Thể chế quản lý công chức, viên chức được hoàn thiện, tiền lương được nâng cao.

Nhưng theo Thủ tướng, có cải cách mấy mà cán bộ hách dịch, không tốt, tiêu cực thì cũng không thay đổi được chất lượng dịch vụ công.

Trả lời câu hỏi của các bộ, ngành vì sao nhiều nghị định bị trả lại, Thủ tướng nhấn mạnh là do bị gói ghém quyền lợi cục bộ khi soạn thảo, "cái gì cũng qua bộ tôi".

Thủ tướng: Văn phòng Chính phủ được gọi là siêu bộ, có ngâm hồ sơ lâu không? - Ảnh 2.

Việc liên thông thủ tục giữa các bộ, ngành vẫn còn nhiều hạn chế, khiến doanh nghiệp, người dân gặp khó - Ảnh: Tư liệu

Dịch vụ công trực tuyến còn hình thức

Báo cáo của Ban chỉ đạo cải cách hành chính tại cuộc họp chiều 22-1 cho thấy, mặc dù có nhiều thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và 4, việc thực hiện nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích còn thấp.

Theo đó, tỉ lệ dịch vụ công có phát sinh hồ sơ trực tuyến ở bộ, ngành trung ương đạt khoảng 33,4%, ở địa phương bình quân đạt 10,78%. 

Ví dụ, một số nơi có nhiều hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4 như bảo hiểm xã hội (200 triệu hồ sơ), Bộ Tài chính trên 20 triệu, Hà Nội 520.000 hồ sơ, TP.HCM 240.000 hồ sơ.

Ban chỉ đạo đánh giá tỷ lệ ứng dụng dịch vụ công trực tuyến còn mang tính hình thức, còn tồn tại tình trạng người dân, doanh nghiệp đến bộ phận 1 cửa để thực hiện dịch vụ công trực tuyến. 

Còn tình trạng doanh nghiệp phản ánh nộp trực tuyến nhưng sau đó không thực hiện được phải quay lại nộp trực tiếp, hay nộp trực tuyến nhưng không được hẹn thời gian giải quyết, không được cấp mã số để tra cứu.

Chậm sửa văn bản về kiểm tra chuyên ngành

Đánh giá kết quả cải cách trong năm 2018, thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhận định năm 2018 bước đầu cải cách hành chính đã đi vào thực chất, chủ trương tinh giản biên chế có kết quả, giảm được hơn 10.000 tỉ đồng nhờ giảm số người hưởng lương ngân sách.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn tồn tại lớn, Thủ tướng quyết định sửa 29 văn bản nhưng mới sửa được 7, và đang sửa 6 văn bản, hiện còn 16 thông tư chưa sửa. Từ đó khiến chi phí kiểm tra chuyên ngành cao.

Theo thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, dù danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành đã giảm từ 10.000 xuống còn 1.768 mặt hàng, tuy nhiên dư địa giảm điều kiện, thủ tục không còn nhiều.

Cho ý kiến về kết quả cải cách hành chính năm qua, ông Nguyễn Thành Hưng, thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, cho biết nộp hồ sơ online đã khá phổ biến nhưng vì liên quan nhiều ngành nên các cơ quan công quyền yêu cầu rất nhiều.

Theo ông Hưng, nên quy định không cần chứng minh những gì mà cơ quan Nhà nước đã cấp cho người ta. Tránh tình trạng yêu cầu bản gốc vì các cơ quan Nhà nước phải liên thông với nhau.

"Liên thông, dùng chung cơ sở dữ liệu, chậm xây dựng cơ sỡ dữ liệu, liên thông hạn chế", ông Hưng nhấn mạnh.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên