Nếu phòng tư pháp không giải quyết (cho là lý do đổi tên không chính đáng) thì tôi có thể đến sở tư pháp hay cơ quan khác để xin đổi không? Nếu chúng tôi có lý do “trùng tên với bậc trưởng thượng, họ hàng gần trong gia tộc” thì cơ quan tư pháp có buộc phải chứng minh mối quan hệ trùng tên này bằng giấy tờ hộ tịch, gia phả không?
Tôi thấy thỉnh thoảng trên báo có đăng tin về một người nào đó có hai tên: Nguyễn Văn A, tự Nguyễn Văn B. Có phải sau khi đổi tên mới, một người vẫn được giữ lại tên cũ song song tên mới trong một số giấy tờ cá nhân?
- Trả lời: Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp được quy định tại điều 27 Bộ luật dân sự. Chẳng hạn như: theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó; thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình...
Theo suy nghĩ của tôi và theo thực tế mà tôi được biết thì tên của con bạn không xấu. Nói cách khác, với tên đó, con bạn khó thể bị nhiều người khác chọc ghẹo, chê cười, châm biếm, nói lái thành nghĩa xấu... Do vậy, theo tôi, gần như không có khả năng cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng ý đổi tên cho con bạn vì lý do tên đó xấu, làm ảnh hưởng danh dự của con bạn.
Nếu làm thủ tục thay đổi tên cho con bạn với lý do “trùng tên với bậc trưởng thượng, họ hàng gần trong gia tộc” thì không những bạn cần chứng minh mối quan hệ trùng tên này bằng giấy tờ hộ tịch hoặc những giấy tờ có liên quan khác, mà còn cần chứng minh việc con bạn sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của con bạn.
Vì con bạn chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) nên việc thay đổi họ, tên được thực hiện theo yêu cầu của cha mẹ. Do đó, nếu có giấy tờ chứng minh con mình thuộc trường hợp được thay đổi tên như đã nêu trên thì theo khoản 2 điều 37 nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27-12-2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch (gọi tắt là nghị định 158), bạn làm thủ tục tại UBND quận huyện hoặc thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi tắt là UBND cấp huyện), nơi bạn đã đăng ký khai sinh cho con mình trước đây.
Cụ thể là bạn sẽ liên hệ với phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện, thủ tục gồm: tờ khai (theo mẫu quy định), xuất trình bản chính giấy khai sinh của con bạn, các giấy tờ, tài liệu liên quan để làm căn cứ cho việc đổi tên, giấy tờ thể hiện sự đồng ý của con bạn (vì con bạn đã đủ 9 tuổi trở lên nên cần phải có giấy tờ này).
Trong thời hạn năm ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ hoặc không quá 10 ngày (khi cần phải xác minh thêm), nếu việc thay đổi tên con bạn có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì chủ tịch UBND cấp huyện ký và cấp cho bạn một bản chính quyết định cho phép thay đổi tên con bạn.
Trong trường hợp chủ tịch UBND cấp huyện không cho phép thay đổi tên con bạn thì bạn có quyền khiếu nại đến chủ tịch UBND cấp huyện, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại đó thì có quyền khiếu nại tiếp đến chủ tịch UBND cấp tỉnh để được xem xét giải quyết theo điều 86, điều 87 nghị định 158.
Còn việc bạn hỏi sau khi được đổi tên mới thì tên cũ có được giữ lại song song với tên mới trong một số giấy tờ cá nhân hay không thì xin trả lời như sau:
Theo pháp luật hiện hành, không có quy định nào cấm không được ghi tên cũ bên cạnh tên mới, cũng như không có quy định nào bắt buộc phải ghi tên cũ và tên mới bên cạnh nhau. Do vậy, nếu đã được cho phép đổi sang tên mới thì để thuận lợi, rõ ràng hơn trong giao dịch, con bạn có thể ghi tên cũ bên cạnh tên mới trong các giấy tờ cá nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận