![]() |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) Trần Đình Khiển - Ảnh: TTXVN |
Sau gần một giờ trình bày về “Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội qua 20 năm đổi mới và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2006-2010” (chủ đề cuộc họp báo), Thứ trưởng Trần Đình Khiển đã trả lời câu hỏi của các nhà báo trong và ngoài nước.
* Thực tế nhiều nơi còn có sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân. Biện pháp nào để xóa bỏ sự bất bình đẳng này?
- Thứ trưởng Trần Đình Khiển: Trong văn bản đã kiên quyết việc xóa bỏ sự phân biệt đối xử, nhưng trên thực tế các cấp, các ngành, các địa phương không thực hiện thì tôi cho rằng chủ yếu là do công tác điều hành. Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư đã được Quốc hội ban hành nhằm giảm dần và tiến tới bãi bỏ những qui định phân biệt đối xử. Hiện nay, chúng tôi đang cùng các bộ, ngành hoàn thiện việc cụ thể hóa hai luật trên (có hiệu lực thi hành từ 1-7-2006).
* Vụ án PMU18 đã thể hiện lỗ hổng trong quản lý kinh tế. Trách nhiệm này của ai?
- Lỗ hổng trực tiếp là khâu quản lý thực hiện, khâu giám sát. Bên cạnh đó, nguyên nhân cơ bản trực tiếp là vấn đề sử dụng con người. Hiện nay trong qui trình quản lý vốn ODA, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm như thế nào, trách nhiệm đã phân công rõ ràng nhưng vấn đề là làm sao để sắp tới tránh chồng chéo hoặc tránh được chuyện chưa có đầu mối. Sắp tới chúng tôi sẽ hoàn thiện qui trình này.
* Biện pháp nào để quản lý vốn ODA?
- Vấn đề là ta phải làm sao sử dụng tốt hơn tài trợ này. Về vốn vay có hai phần: phần doanh nghiệp vay (ví dụ ngành điện là dứt khoát phải trả; còn với giao thông, công trình không thu hồi vốn thì thực hiện theo cơ chế Nhà nước cấp phát) phải bảo đảm sử dụng có hiệu quả. Các nhà tài trợ đều kiểm soát các dự án vay vốn ODA.
Chính phủ cũng xác định vấn đề này là nợ, nên trước khi trình các dự án của ODA chúng tôi cũng trình khả năng trả nợ. Việc nợ ấy là trong phạm vi cho phép của nền kinh tế mà các tổ chức, ngân hàng quốc tế cũng xem xét.
* Có người nói vụ PMU18 không ảnh hưởng đến đầu tư, nhưng có ý kiến nói rất ảnh hưởng đến đầu tư. Theo ông có ảnh hưởng không, biểu hiện cụ thể như thế nào?
- Vụ PMU18 đã khiến cơ quan nhà nước đau đầu, dư luận phẫn nộ, các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Quan điểm của chúng ta là thái độ chống tham nhũng như thế nào, xử lý có triệt để hay không để tạo môi trường đầu tư tốt. Tôi cho rằng trong Hội nghị nhóm các nhà tài trợ vào tháng 6-2006, các nhà tài trợ sẽ trao đổi với Chính phủ về vấn đề này. Qua hành động thực tế, nếu chúng ta kiên quyết chống tham nhũng thì sẽ bảo đảm môi trường đầu tư tốt. Nếu chúng ta không làm gì mới ảnh hưởng môi trường đầu tư.
* Lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản luôn là “điểm nóng” về tình trạng đầu tư dàn trải, gây thất thoát. Chính phủ có biện pháp gì để cải thiện tình trạng này?
- Chính phủ đã chỉ đạo kiên quyết cắt giảm công trình có nguy cơ không có hiệu quả, bố trí phân tán. Nghị định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trước đây chủ yếu quan tâm nhiều về phân bổ đúng mục tiêu, còn vấn đề quản lý, giám sát thì chưa quan tâm đúng mức. Từ năm 2002 bộ có chuyên đề giám sát đầu tư, từ năm 2003 có thanh tra về đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, vì thời gian còn mới nên kết quả chưa được nhiều.
Chính vì vậy Bộ KH-ĐT đã trình Thủ tướng ban hành qui chế giám sát và quản lý con người để thực hiện các dự án có hiệu quả. Gần đây, Chính phủ yêu cầu thanh tra, kiểm tra các dự án lớn và những dự án có dấu hiệu tiêu cực, trong đó có các dự án của PMU18. Tôi cho rằng qua kiểm tra, thanh tra sẽ làm rõ hơn.
* Chính phủ VN cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào cuối năm 2005 nhưng điều đó không đạt được. Theo ông, thời điểm VN gia nhập WTO là lúc nào, và nếu chậm hơn thì nền kinh tế VN có bị thiệt hại?
- Việc gia nhập WTO, kết quả phải phụ thuộc vào việc đàm phán với các nước. Vấn đề là các nước phải thỏa mãn các điều kiện của VN và VN phải thỏa mãn điều kiện các nước. Tôi hi vọng VN sẽ gia nhập WTO trong năm nay. Gia nhập WTO là vấn đề rất quan trọng, nhưng có thiệt hại hay không còn tùy thuộc vào việc VN hội nhập, thực hiện cam kết, tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng hợp tác đầu tư, tăng cường mối quan hệ kinh tế với các nước...
* Tỉ phú Bill Gates sẽ sang thăm VN và dự kiến đầu tư vào VN. Ngành công nghệ thông tin tại VN sẽ phát triển ra sao trong những năm tới?
- Công nghệ thông tin là một trong những lĩnh vực mũi nhọn của VN. VN đứng thứ 6 trong 10 nước ASEAN về lĩnh vực này. Tôi tin về tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn vì nguồn nhân lực VN có điều kiện tiếp thu công nghệ thông tin. Chính vì vậy một số công ty nước ngoài như Intel đã được cấp giấy phép đầu tư tại TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận