19/08/2017 10:03 GMT+7

Các nước thu phí đường bộ để chống ùn tắc ra sao?

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Tại nhiều nước, kể cả ở châu Âu hay châu Á, thu phí giao thông nói chung và phí sử dụng cầu đường nói riêng, được xem như một cách để quản lý giao thông hiệu quả, giảm ùn tắc và ô nhiễm.

Phương tiện chuẩn bị vào khu vực đường Eu Tong Sen (khu phố Tàu) ở Singapore có ERP (tạm hiểu là hệ thống thu phí điện tử) với mức giá hiển thị trên bảng điện tử: bên trái là mức 1,5 SGD cho xe buýt, xe tải, bìa phải là giá ô tô con, taxi: 1 SGD trong khung giờ từ 12h05 cho đến 14h. Ảnh: LÊ NAM
Phương tiện chuẩn bị vào khu vực đường Eu Tong Sen (khu phố Tàu) ở Singapore có ERP (tạm hiểu là hệ thống thu phí điện tử) với mức giá hiển thị trên bảng điện tử: bên trái là mức 1,5 SGD cho xe buýt, xe tải, bìa phải là giá ô tô con, taxi: 1 SGD trong khung giờ từ 12h05 cho đến 14h - Ảnh: LÊ NAM

Một cuộc tranh luận nảy lửa từng nổ ra tại Singapore, quốc gia đầu tiên áp dụng phí chống ùn tắc. Người ta cho rằng chính phủ đang tận thu người dân bằng loại phí vô lý.

Mọi chuyện chỉ chấm dứt khi chính phủ thuyết phục được người dân rằng đó là một biện pháp để quản lý giao thông chứ không phải trút gánh nặng lên người dân.

Chống ùn tắc, giảm ô nhiễm

Mục tiêu cơ bản của việc áp dụng phí chống ùn tắc không phải là số tiền thu được từ người dân. Mục tiêu của nó là nhằm kiểm soát tình hình giao thông tại các khu vực đông đúc vào giờ cao điểm.

Hiểu nôm na, sẽ có một số tuyến đường trung tâm mà người dân sẽ phải trả phí để sử dụng vào giờ cao điểm.

Trong trường hợp của Singapore, kể từ khi áp dụng loại phí này, số xe cộ cá nhân vào trung tâm đã giảm đáng kể. Ngược lại, số người sử dụng các loại xe công cộng lại tăng lên, mức độ ô nhiễm không khí được giữ ở mức an toàn.

Tất nhiên, đây chỉ là một phần trong chính sách bảo vệ môi trường của chính quyền Singapore. Tiền phí thu được sẽ được sử dụng để tu bố đường sá, cải tạo cảnh quan môi trường và chống ô nhiễm.

Tại châu Âu, thủ đô London của nước Anh đi tiên phong trong triển khai thu phí ùn tắc nhằm quản lý giao thông hiệu quả.

Việc thu phí đã góp phần giảm ùn tắc thông qua việc giảm số lượng phương tiện vào khu trung tâm thành phố vốn rất đông đúc và ô nhiễm.

Từ tháng 2-2003, tài xế ra vào London phải trả phí. Mục đích của chính quyền rất rõ ràng: đó là hạn chế những người sử dụng xe cá nhân vào thành phố, giảm lưu lượng giao thông.

Việc thu phí rõ ràng có ảnh hưởng rất lớn đến thói quen sử dụng phương tiện di chuyển của người dân. Đường phố trở nên thông thoáng, không khí bớt ô nhiễm là điều nhận thấy rõ nhất.

Ngay cả cách kiểm soát xe cá nhân ra vào trung tâm bằng biển số xe chẵn-lẽ như cách một số nước Đông Nam Á đang áp dụng cũng là một cách để giảm ùn tắc. Nhưng về lâu dài, biện pháp này sẽ không thể phát huy tác dụng đúng như cách người ta mong muốn.

Một cuộc biểu tình ở Pháp chống phí đường bộ quá cao ở một trạm - Ảnh: AFP
Một cuộc biểu tình ở Pháp chống phí đường bộ quá cao ở một trạm thu phí. Không phải mọi quyết định của chính quyền đều đúng đắn, kể cả ở nước phát triển - Ảnh: AFP

Trưng cầu ý dân

Để áp dụng phí chống ùn tắc, chính quyền thủ đô Stockholm (Thụy Điển) đã tổ chức lấy ý kiến người dân. Kết quả là 55% người được hỏi ủng hộ áp dụng thu phí chống ùn tắc.

Ngày 1-8-2008, việc thu phí chính thức bắt đầu sau hơn 1 năm thử nghiệm. Các loại xe buýt, xe hơi chạy điện, xe biển số nước ngoài và xe "lai" được miễn loại phí trên.

Miễn, giảm nếu đóng quá nhiều phí

Theo một báo cáo của Viện các vấn đề kinh tế (Anh), chính quyền Singapore vẫn duy trì thuế khí thải trên đầu xe rất cao, nhưng việc thu thêm phí chống ùn tắc vẫn được áp dụng tại khu trung tâm kể từ năm 1975.

Kết quả là số xe vào trung tâm trong những giờ cao điểm đã giảm 70%, số người sử dụng xe buýt tăng tới 30%.

Tại Mỹ, việc thu phí chống ùn tắc đã được đề xuất áp dụng tại nhiều thành phố nhưng vấp phải sự phản đối của một số thành viên trong hội đồng thành phố, nghị viện bang.

Đơn cử như tại thành phố New York, một số người cho rằng việc thu phí chống ùn tắc ở một số khu vực sẽ khiến áp lực giao thông và tình trạng ô nhiễm tăng cao tại các khu vực lân cận không bị thu phí.

Để tránh bị thu phí, cánh tài xế sẽ không đi vào trong mà đậu xe ở vòng ngoài. Kết quả là kế hoạch này bị bãi bỏ.

Nhưng thay vào đó, để hạn chế số lượng xe cá nhân, chính quyền thành phố áp dụng việc thu phí sử dụng cầu đường tại nhiều tuyến hơn trước.

Chính quyền bang New York cũng phối hợp với bang New Jersey để có biện pháp giảm hoặc miễn cho cánh tài xế thường xuyên di chuyển tuyến đường nối hai bang.

Những người đã đóng quá nhiều phí sử dụng cầu, đường nối New Jersey-New York là đối tượng của việc miễn giảm.

Gần đây nhất, tại Thái Lan, để tạo ra sự công bằng, giới chức nước này đã đề xuất kế hoạch thu phí sử dụng đường bộ và đường cao tốc đối với các phương tiện từ nước khác sang Thái Lan.

Hình thức xây dựng kiểu BOT rất phổ biến tại một số nước châu Á, bao gồm cả những nước phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia quốc tế, hình thức này tồn tại một số rủi ro nhất định, tạo ra sự manh mún trong mạng lưới giao thông của một vùng, khu vực.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên