Học sinh tiểu học làm kem chống nắng
Phóng to |
Lê Nguyễn Yến Linh (trái) và Bùi Ngọc Tường Vy (lớp 3 Trường tiểu học Chính Nghĩa) ngạc nhiên với kết quả thí nghiệm chất siêu thấm - Ảnh: T.T.D. |
Đây là lần thứ ba BASF Kid’s Lab được đưa vào hoạt động ngoại khóa cho học sinh tiểu học ở các trường tại TP.HCM: Chính Nghĩa (Q.5), Lương Thế Vinh (Q.7), Thiên Hộ Dương (Q.10), Chu Văn An (Q.Bình Thạnh), Cổ Loa (Q.Phú Nhuận), Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình) và các bạn nhỏ khó khăn ở mái ấm Thiên Phúc (huyện Củ Chi). |
Đây là chương trình mang tên BASF Kid’s Lab (Thí nghiệm cho bé) do Công ty BASF Việt Nam và Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) tổ chức lần thứ ba.
Buổi thí nghiệm đầu tiên diễn ra vào sáng 30-10 dành cho các bạn nhỏ Trường tiểu học Chính Nghĩa (Q.5). Các bạn được phân thành hai nhóm. Mỗi nhóm thực hiện một thí nghiệm: khả năng trữ nước của chất siêu thấm hoặc bột giặt có thể giúp vải tránh lem màu. Sau khi thực hiện xong thí nghiệm đầu, hai nhóm hoán đổi vị trí để thực hiện thí nghiệm thứ hai.
Được phân theo nhóm thực hiện thí nghiệm đầu tiên về chất siêu thấm, Hương Giang (lớp 4/8 Trường tiểu học Chính Nghĩa, Q.5) cùng bạn Bảo Trâm (lớp 4/9) xem từng thông tin được ghi trong tập sách hướng dẫn. Hương Giang bơm nước vào ống hút, nhỏ từ từ vào chiếc phễu chứa cát. Nước trên phễu nhanh chóng chảy vào ly bên dưới. Sau đó Hương Giang rắc một lượng chất siêu thấm lên bề mặt cát, tốc độ nước nhỏ xuống đáy ly giảm hẳn. Chị Quách Thủy Tiên (SV năm 3 khoa dược ĐH Y dược TP.HCM) lý giải ngay về hiện tượng này, rằng lượng nước trên đã được chất siêu thấm hấp thụ một phần.
“Lúc nãy chất siêu thấm đã hút gần hết 60ml các em đổ vào. Vậy các em có muốn biết chất siêu thấm có thể hút tối đa bao nhiêu nước không?”, chị Thủy Tiên nháy mắt. “Dạ muốn!”, Lê Bảo Nhi (lớp 4/4) la to nhất. Những đôi vai xích lại gần nhau hơn quan sát thật kỹ hiện tượng nước biến mất hoàn toàn sau khi rót vào ly chỉ chứa chất siêu thấm.
Ở một góc khác, Hương Giang huơ huơ chiếc cốc “sản phẩm” trước mặt người hướng dẫn: “Cô coi nè. Con úp ly xuống, nước cũng không đổ ra ngoài luôn”. Các cộng tác viên BASF kết luận chất siêu thấm là giải pháp được nhiều quốc gia trên thế giới ứng dụng để tiết kiệm nước và cải thiện tình trạng khô hạn của đất trồng.
Thí nghiệm đầu tiên kết thúc, các bạn nhỏ bắt tay vào thí nghiệm thứ hai. Các bạn lần lượt cho một muỗng bột giặt và thuốc nhuộm vào một trong hai ly chứa 250 ml nước. Ly còn lại các bạn lần lượt cho hai muỗng chất sokalan và thuốc nhuộm. Hiện tượng kỳ lạ bắt đầu diễn ra. Chiếc khăn sau khi nhúng qua dung dịch gồm nước, thuốc nhuộm và hóa chất sokalan được giặt sạch màu khá dễ dàng. Ngược lại, chiếc khăn nhúng qua dung dịch gồm nước, thuốc nhuộm và bột giặt vẫn lem luốc dù đã được vò kỹ. Veammani (lớp 4/4) gật gù với lời giải thích của chị hướng dẫn về công dụng ngăn vải lem màu của sokalan. Cô bạn nhỏ này được đánh giá là một trong những “nhà khoa học nhí” rất cẩn thận, tỉ mỉ trong từng thí nghiệm...
Các bạn nhỏ đôi khi thực hiện không chính xác liều lượng các chất theo hướng dẫn. Có bạn nhỏ đến khi ra về vẫn gọi chất sokalan là “sôcôla”... Nhưng có hề chi. Vì qua buổi thực hành rất vui này, các bạn bỗng phát hiện môn hóa học sao thú vị thế, ngoài hai thí nghiệm mình vừa làm hẳn còn nhiều điều hay ho hơn nữa...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận