12/02/2005 14:55 GMT+7

Thú chơi cổ ngoạn: Gìn vàng giữ ngọc

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Theo Sài Gòn Giải Phóng

Có trong tay 181 bằng sắc phong của các triều vua Việt Nam, TS Sử học Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Bàng, được xem là nhà nghiên cứu duy nhất tại Việt Nam có được kho tư liệu quý giá về lịch sử tín ngưỡng Thành hoàng làng xã Việt Nam xưa.

5Hha21fu.jpgPhóng to

TS Nguyễn Mạnh Hùng và bằng sắc phong thời vua Tự Đức

Có trong tay 181 bằng sắc phong của các triều vua Việt Nam, TS Sử học Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Bàng, được xem là nhà nghiên cứu duy nhất tại Việt Nam có được kho tư liệu quý giá về lịch sử tín ngưỡng Thành hoàng làng xã Việt Nam xưa.

Từ một thú chơi tao nhã

Việc ông trở thành TS nghiên cứu sử học cũng như chuyện ông sở hữu một kho báu quý giá với 181 bằng sắc phong của các triều vua Việt Nam giống như duyên tiền định. Ông kể: Ngày đó, tôi có niềm đam mê là sưu tầm sách báo cũ. Bận học thì thôi, những lúc rảnh, tôi lại tìm đến những tiệm sách báo cũ để tìm đọc.

Một hôm, trong một quán sách cũ trên đường Công Lý (nay là đường Nguyễn Văn Trỗi), ông được người chủ quán cho xem một tấm lụa hình chữ nhật có thếp vàng đã cũ kỹ với những dòng chữ Nho rất đẹp. Ông đọc và xác định đây là sắc phong – hay còn gọi là sắc thần - thời vua Thành Thái, nên xin mua lại sắc phong đó. Từ bằng sắc phong đầu tiên này, ông bắt đầu nghĩ đến việc đi tìm các bằng sắc phong khác như một thú tiêu khiển của những kẻ sĩ.

Có một điều lạ là, các sắc thần vua ban thường được xem là những báu vật của làng xã và thường được cất giấu rất kỹ nhưng việc sưu tầm trong suốt thời sinh viên của ông khá thuận lợi dù lúc đó ông chỉ là chàng sinh viên rất nghèo. Một số sắc phong ông phải đổi bằng những quyển sách quý, hoặc nhiều khi phải nhịn ăn nhiều ngày để dành tiền mua nhưng cũng có không ít bằng sắc phong ông được những người bạn tri âm tặng lại.

Nhờ thế, trong suốt thời sinh viên ông đã sưu tầm được gần 50 sắc phong quý giá của các đời vua Thành Thái, Tự Đức… Đọc càng nhiều bản sắc phong, những nét văn hóa Việt ngày càng hiện ra rõ nét trong ông và vì thế, cuộc sưu tầm sắc phong ngày càng có sức hút lớn hơn với ông như lần mua được 30 sắc phong thời Tự Đức cách đây hai năm.

Ông Hùng còn nhớ rất rõ “cơ may” này: “Lúc đó khoảng 10 giờ đêm, tôi được đánh thức bởi một cú điện thoại đường dài từ ngoài Bắc gọi vào. Một người bạn cho biết, có một người đang chuẩn bị bán 30 sắc phong qua Singapore và cho tôi số điện thoại của người trung gian. Tôi lật đật gọi ngay cho người trung gian đó xin mua lại nhưng khi nghe giá bán là 500 – 1.000 USD/bản thì tôi thật sự lúng túng vì thực sự ngay lúc ấy tôi không thể gom đủ số tiền đó. Suy nghĩ vài giây, tôi quyết định đàm phán, thuyết phục họ bằng chân tâm của mình và đề nghị họ nhượng lại cho tôi bằng nửa giá đó. Cứ thế, suốt từ 10 giờ đêm đến 3 giờ sáng, cuộc đàm phán mới thành công”.

Đến việc đi tìm nét văn hóa Việt

Cuộc sưu tầm các bản sắc phong còn đem đến cho ông Hùng nhiều người bạn tri âm. Năm 1990, một vị lãnh đạo ở Xuhabasa cũ, dù chưa từng gặp mặt nhưng khi biết tiếng ông là người quý trọng sắc phong đã mời ông ra Hà Nội để tặng lại hai bản sắc phong hiện được xem là sắc phong cổ nhất, đó là hai bản sắc phong của vua Quang Trung.

Đây cũng là hai sắc phong quý nhất trong bộ sưu tập của ông Hùng, cả hai còn mới nguyên, để trong hai ống tre chạm khắc rất đẹp. Theo ông Hùng, hai bản này không chỉ quý vì giá trị cổ của nó mà còn vì vua Quang Trung rất ít ban sắc phong mà bản này vua lại phong tặng cho một nhân vật huyền thoại rất nổi tiếng trong lịch sử nước nhà: Lý Ông Trọng.

Cuộc chơi trong thế giới sách cũ không chỉ đem lại cho ông Hùng kho tư liệu quý giá với những tấm bằng sắc phong mà còn mang lại cho ông bộ sưu tập có ý nghĩa rất lớn với lịch sử ngành mỹ thuật Việt Nam: 4.577 bức ký họa về văn hóa dân gian Việt Nam những năm 1908- 1909 của tác giả người Pháp Henri Oger – cựu sinh viên trường Sorbonne (Paris).

Bộ ký họa này có đủ các loại hình lễ hội văn hóa dân gian, có chân dung Lý toét, Xã xệ… được ghi chú toàn bộ bằng chữ nôm. Đây là pho tư liệu lịch sử vô cùng quý giá, chẳng vậy mà năm 1992 khi ông trình bày đề tài này để bảo vệ luận án tiến sĩ Ngôn ngữ, khoa Sử, ĐH Tổng hợp Hà Nội đã đề nghị ông chuyển từ chuyên ngành Pháp văn qua sử học và đề nghị bảo vệ đề tài này bên ngành sử học. Sau 3 năm nghiên cứu và “nạp” thêm những kiến thức về sử học, ông đã bảo vệ thành công đề tài này với đánh giá khá cao của Hội đồng khoa học.

Với những đóng góp này, ông Hùng không còn là “kẻ rong chơi nhởn nhơ” như ông tự nhận mà đã trở thành người lưu giữ hồn dân tộc đáng trân trọng.

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên