12/12/2016 14:48 GMT+7

​Thoái hóa khớp gối không đơn giản như chúng ta nghĩ

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Thoái hóa khớp gối vẫn thường được giải thích là do sự hư hại sụn khớp, khô chất nhờn trong khớp nên việc điều trị thường được nghĩ đơn giản là tiêm chất nhờn và thay thế sụn khớp.

Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy tổn thương trong thoái hóa khớp phức tạp hơn nhiều.

Khớp gối bao gồm hai phần xương nối với nhau, bao gồm đầu dưới xương đùi và mâm chày. Hai đầu xương được bọc bởi lớp sụn khớp trơn láng có nhiệm vụ làm giảm bớt lực tác dụng từ đầu dưới xương đùi truyền lên mâm chày khi đi, giúp khớp vận động nhẹ nhàng. Phần dịch khớp có chứa dung dịch acid hyaluronic tạo sự trơn láng trong cử động và giúp bảo vệ tế bào sụn khớp. Màng bao khớp giúp tiết ra dịch khớp nuôi dưỡng sụn khớp, tạo chất nhờn, bảo vệ khớp khỏi sự nhiễm trùng. Hệ thống dây chằng giúp khớp gối vững vàng khi đi lại, hạn chế sự hư hại của sụn khớp. Hệ thống cơ bao xung quanh khớp gối tạo sức mạnh giúp di chuyển nhẹ nhàng, có thể thực hiện các môn chơi thể thao hay lao động mạnh.

Khớp gối tạo với khớp háng và khớp cổ chân tạo thành chi dưới. Khi trục của 3 khớp này thẳng hàng sẽ giúp bệnh nhân hạn chế được tình trạng hư hại của sụn khớp và có dáng đi đẹp.

Trong bệnh lý thoái hóa khớp gối, cái dễ nhìn thấy nhất là tình trạng hư hại dần dần của lớp sụn khớp khiến cho việc cử động khớp không còn dễ dàng. Những tiếng kêu rào rạo từ việc sụn khớp bị hư hại là điều chúng ta có thể cảm thấy được khi cử động khớp gối.

Ở giai đoạn trễ hơn, thỉnh thoảng bệnh nhân hay có những đợt tràn dịch khớp gối làm gối sưng to, khiến bệnh nhân cử động gập duỗi gối khó khăn, nhất là gập gối hay có cảm giác bị căng tức. Màng bao khớp gối bị sưng dày lên làm tiết dịch trong gối, gây đau nhức về ban đêm do hiện tượng viêm. Bệnh nhân sẽ chuyển từ trạng thái chỉ đau khi đi nay chuyển sang đau vào ban đêm và sưng khớp gối.

Gối bắt đầu bị vẹo dần dần vào trong (chiếm đa số) hay vẹo ra ngoài. Bệnh nhân sẽ thấy mình lùn đi, chân bị cong. Mặt khác, vì bị đau gối nên bệnh nhân sẽ có xu hướng nằm cong gối hay lót một vật gì đó sau khớp gối để ngủ cho dễ chịu. Điều này khiến cho gối bệnh nhân bị mất duỗi thẳng nên khi bệnh nhân đi gối sẽ hơi bị gập. 

Đi tư thế gối gập làm tăng áp lực lên cơ tứ đầu đùi ở trước gối và bệnh nhân cảm thấy mỏi hơn khi đi. Bên cạnh đó, cơ tứ đầu đùi cũng bị teo đi trong khi gối bị thoái hóa nên làm cho việc đi lại của bệnh nhân càng khó khăn hơn, nhất là ở tư thế chuyển từ ngồi thấp sang đứng dậy hoặc leo cầu thang hay đi trên mặt đất không bằng phẳng.

Gối vẹo, hệ thống dây chằng bị rối loạn chức năng, bị giãn ra ở một bên và bị co rút bên còn lại khiến cho gối đau khi đi. Gối vẹo làm lực tác dụng lên gối không đồng đều. Nếu gối vẹo vào trong sẽ làm lực tác dụng lên khoang khớp gối bên trong nặng hơn và làm lớp sụn hư hại nhanh hơn, dây chằng bên ngoài bị căng hơn.

Sụn chêm trong gối giúp phân tán lực khi đi lại cũng bị thoái hóa, đôi khi nó có thể bị rách tạo thành mảng sụn rời gây kẹt khớp và đau khi đi lại, mặc dù triệu chứng này không thường xuyên xảy ra.

Khuyến cáo phòng ngừa bệnh:

- Trong sinh hoạt hàng ngày, cần tránh tư thế ngồi xổm hay ngồi xếp bằng, vì sẽ làm tăng áp lực lên sụn khớp và làm khớp gối mau bị hư hơn.

- Các vi chấn thương lặp đi lặp lại như chơi thể thao, chạy nhảy quá mức… sẽ làm sụn khớp mau hư. Cần tránh trường hợp chơi thể thao quá sức vào hai ngày cuối tuần.

- Các bệnh lý nội khoa đi kèm như đái tháo đường cũng sẽ dễ làm hư khớp gối hơn, nên cần tuân thủ điều trị những bệnh lý nội khoa triệt để.

- Một khi khớp gối đã bị đau do thoái hóa, cần nên tránh các môn chơi chạy nhảy quá mức như đá banh, tennis…; nên chơi những môn thể thao thích hợp như bơi lội, đạp xe, đi bộ chậm…

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên