03/01/2010 20:57 GMT+7

Thoái hóa khớp gối có thể chơi thể thao?

ThS.BS TĂNG HÀ NAM ANH(giảng viên CTCH BV ĐH Y dược TP.HCM)
ThS.BS TĂNG HÀ NAM ANH(giảng viên CTCH BV ĐH Y dược TP.HCM)

TTO - Năm nay tôi 50 tuổi, hồi còn trẻ tôi chơi bóng chuyền nhiều. 30 năm nay bây giờ tôi mới chơi lại, sau 2 tháng tôi bị thoái hóa 2 khớp gối và các khớp ngón tay, đã điều trị tại bệnh viện nhưng không khỏi.

Hiện tại tôi đang dùng cao ngựa và phong tê thấp nhưng chỉ đỡ thôi, khớp gối vẫn đau khi lên xuống cầu thang. Tôi có chơi được bóng chuyền hơi dành cho người cao tuổi không (vì môn này tôi rất thích) không bỏ được. Xin phòng mạch tư vấn giúp phương pháp điều trị và phương thức luyện tập.

Pham Thi Ngoc Lan

- Trả lời của phòng mạch online:

Như chúng tôi đã trình bày trên các bài viết, thể dục giúp tăng cường sức khỏe để cơ thể chống lại bệnh tật. Nhưng thể dục không thể ngăn chặn tình trạng lão hóa cũng như bệnh tật. Vì thoái hóa khớp là quá trình lão hóa của cơ thể nên khi lớn tuổi sẽ có người bị thoái hóa khớp.

Bạn đọc năm nay 50 tuổi tức là đã bước vào tuổi mà các cơ quan sẽ lão hóa dần đi trong đó có các khớp. Điều trị thoái hóa khớp bao gồm thuốc và chế độ luyện tập thích hợp. Ở đây chúng tôi không bàn về thuốc vì cần phải khám toàn diện thì mới có thể cho thuốc được. Chúng tôi xin đưa ra gợi ý về vấn đề tập luyện trong bệnh lý thoái hóa.

Khớp gối là khớp hay bị thoái hóa vì bản thân khớp gối phải chịu sức nặng của cơ thể khi đi lại, chạy nhảy. Ở những người hay ngồi xổm hay khiêng vác nặng sẽ có nguy cơ thoái hóa khớp cao hơn vì mặt sụn khớp phải chịu áp lực lớn liên tục. Có nhiều người than phiền bị thoái hóa khớp gối nên khi đi lại nhiều, lên xuống cầu thang sẽ bị đau, nếu đi trên đất bằng phẳng sẽ ít hay không đau. Nguyên nhân là vì khi chúng ta lên cầu thang khớp gối phải chịu sức nặng gấp 5 lần trọng lượng cơ thể của chúng ta.

Vậy thì các phương pháp luyện tập như thế nào cho phù hợp? Chúng ta biết rằng cuộc sống là vận động, bản thân các khớp nếu không chịu sức nặng thì sụn khớp sẽ không được dinh dưỡng và bị hư đi, các chất nhờn không được lưu thông tốt là ma sát trong khớp tăng dễ gây hư sụn khớp. nhưng nếu vận động nhiều quá sẽ làm đau và hư sụn khớp. Vậy tùy theo mức độ thoái hóa của khớp gối mà chúng ta sẽ chọn lựa phương pháp thích hợp.

Những biện pháp phòng ngừa đầu tiên là tránh các tư thế gây hư khớp gối như ngồi xổm, khiêng nặng, chạy nhảy quá sức trong các môn chơi như tennis, cầu lông, bóng chuyền, đá banh... Những môn thích hợp sẽ là những môn mà khớp gối ít bị sức nặng đè lên nhất như bơi lội, đạp xe đạp, đi bộ (đi bộ đúng nghĩa nghĩa là đi nhanh chứ không phải đi tản bộ), tập thể hình. Tập đi bộ dưới nước cũng như các động tác thể dục dưới nước là biện pháp được các nhà thấp khớp học khuyên cho bệnh nhân bị thoái hóa gối.

Nếu chọn môn đi bộ cho đơn giản thì lời khuyên là không đi quá 30 phút cho một lần đi. Trước khi đi cần làm nóng khớp gối bằng cách gập duỗi gối, tập căng cơ cẳng chân 5-10 phút. Sau khi đi về cũng không nên ngồi nghỉ ngay mà nên vận động gối nhẹ nhàng cho nguội trong 5-10 phút.

Chúng tôi thật sự không biết mức độ chơi môn bóng chuyền hơi của bạn như thế nào? Chuyên nghiệp? Nghiệp dư ở trình độ cao? Hay chỉ chơi cho khỏe? Do vậy tự bạn có thể đưa ra quyết định mình có nên tiếp tục chơi hay không tùy thuộc các yếu tố sau: khi chơi gối có bị đau? Một lần chơi bao nhiêu phút, mức độ thoái hóa khớp gối nặng hay nhẹ? Sau khi chơi có thấy khỏe khoắn hay hay mệt mỏi và đau hơn? Trọng lượng cơ thể nặng hay nhẹ? Ví dụ gối bạn bị thoái hóa nhiều, đau ngay cả khi đi, chơi xong gối bị đau hơn thì có lẽ nên chuyển môn chơi khác.

Để kết luận, không có một chương trình luyện tập chung cho thoái hóa gối mà chỉ có những nguyên tắc cơ bản để từ đó bác sĩ của bạn sẽ thiết kế khung luyện tập cho bạn. Bạn có thể tham khảo ý kiến của các bác sĩ chấn thương chỉnh hình để thiết kế chương trình luyện tập cho mình. Chúc bạn luôn vui khỏe.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

B.CHÂU thực hiện

ThS.BS TĂNG HÀ NAM ANH(giảng viên CTCH BV ĐH Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên