![]() |
Đêm trao giải thơ Bút mới lần 6 - Ảnh: T.Đạm |
Năm nay, mừng đất nước 30 năm sống trong hòa bình, Bút mới lần 6 mời gọi những nhà thơ trẻ ở độ tuổi 17-25 hướng đến chủ đề “Thành phố trong tôi”: đó là TP.HCM, mà cũng có thể là một thành phố yêu thương nào đó ở những miền đất khác của Tổ quốc đã đi vào tâm tưởng và kỷ niệm của người làm thơ.
Nhiều cây bút trẻ đã tìm đến thể thơ tự do như một hình thức linh hoạt để diễn tả những cung bậc tâm hồn đang mở ra đón lấy những chuyển động, biến thái và nhịp điệu của cuộc sống phóng khoáng nơi những thành phố trẻ. Nhưng cuộc sống dù bề bộn đến đâu cũng không thể làm choáng ngợp người làm thơ trẻ muốn đem cái nhìn và nỗi niềm riêng tư phả lên trang giấy.
Có cái nhìn đậm chất suy nghĩ của Song May, Nguyễn Phong Việt và cái nhìn thiên về cảm xúc, có phần cảm tính nữa, của Đỗ Thanh Vân, Y Mai. Có cái nhìn gần với truyền thống của Thanh Huyền, Văn Thị Hạnh Thủy và cái nhìn có phần hiện đại của Thanh Xuân, Tú Trinh, Nguyệt Phạm...
Trên tất cả, thơ trẻ viết về thành phố đã ướp chất liệu của đời sống trong hương vị của tình yêu. Nhiều khi ta có cảm giác họ không chỉ nói về “thành phố trong tôi” mà còn nói về “tình yêu tôi trong thành phố” hay “tôi đang yêu trong thành phố”. Nhờ tình yêu của họ mà thành phố này trở nên đẹp hơn, đáng yêu hơn thì càng quí chứ sao!
Em là cơn gió biểnVề xao động thị thànhĐôi lần anh ái ngại:Em Sài Gòn hơn anh!
(Đỗ Thanh Vân)
Sống hết mình với thành phố này, các cây bút trẻ tìm cảm hứng qua những hiện tượng của cuộc đời bình dị. Họ khéo đưa những chi tiết của cái thường ngày hòa mạng vào mạch trữ tình của bài thơ: Sáng sáng lúc tám giờ lại cùng Sơn Nam ngồi nơi quán cóc trên vỉa hè châm thuốc hút (Song May); Gặp em bé ngồi húp chén tàu hũ nóng mà sững sờ/ngon như mình được ăn (Nguyễn Phong Việt)... Nhưng mật độ quá dày những câu thơ trĩu nặng yếu tố tự sự sẽ làm bài thơ thiên về chất văn xuôi và có phần thiếu đi sự thanh thoát.
Những bài thơ hay thường vẫn thể hiện một tứ thơ độc đáo. Mạch thơ Song May đi về giữa quá khứ và hiện tại: đây là một người trẻ muốn hiểu và cảm hết các chiều kích của thành phố trong những khía cạnh của ngày hôm qua và ngày hôm nay, của những mùa đã phai và những mùa đang tới...
Bài Ru phố của chị cho ta một tứ thơ lạ: người đi giữa phố khuya mới hiểu thành phố thức trắng đêm vì lam lũ, tất tả ngược xuôi; mới biết Có nhiều giấc mơ chưa từng biết ngủ. Và người thơ tìm cách hát ru cho phố, dù vẫn không sao ru nổi chính bản thân mình:
Phố ơi ngủ chưa? Thức mấy cho vừaPhố ơi ngủ đi, nhà ai vừa khép cửa...Tôi đưa nôi ru phốMà không ru nổi mình cho hết nửa giấc mơ.
Trong thơ Tạ Thanh Lan, thành phố không chỉ là đối tượng để khám phá mà còn là một người bạn để sẻ chia, tâm sự và đối thoại; thành phố là một phần của bản thân tôi như tôi là một phần không thể cắt chia của thành phố (Cơn mưa vẽ nhập nhòe thành phố trên cửa kính xe/ Tôi lại thấy tôi trong muôn ngàn giọt nước).
Bài Trở về diễn tả tâm trạng của một người từng gặp “sự cố” với thành phố, từng bỏ cuộc ra đi trong hờn tủi và bây giờ trở về làm hòa với nó, cũng là làm hòa với chính bản thân mình:
Tôi trở về phố vẫn đón bằng vòng tay cuồng nắngVà lá me trên các ngả đường như đàn chim khua cánhChênh chao vài giọt hồn tôi.Thế là hào phóng với nhau lắm rồi, tôi biếtĐã có lúc tôi ra đi và đauNơi đây thiên đường của cà phê đắngTôi đã uống cạn mà đi...
Thơ Tạ Thanh Lan không nhiều lời mà dành khoảng trống cho người đọc cảm tiếp, nghĩ thêm đằng sau các dòng thơ. Và “thành phố trong tôi”, như vậy, vẫn là một chủ đề “mở” như nhà thơ Đoàn Vị Thượng đã viết.
Mỗi cuộc thi thơ Bút mới là một mùa bóng ngắn. Dõi theo các trận cầu này, bạn đọc sẽ tự tìm cho mình những cầu thủ mới để gửi gắm niềm hi vọng. Họ có đi xa không, những mùa bóng ở đẳng cấp cao hơn sẽ cho ta câu trả lời. Phải có thời gian. Chỉ biết thời gian bao giờ cũng ủng hộ tuổi trẻ. Thời gian bao giờ cũng đứng về phía những cây bút mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận