Viết Nhớ con sông quê hương, Tế Hanh viết về sông Trà Bồng, đoạn chảy qua làng Thuận Yên của mình, chứ không lẫn một con sông nào khác, nhưng tình cảm trong bài thơ ấy lại dành cho tất cả những dòng sông Việt Nam... Thơ Tế Hanh không lẫn với thơ của bất cứ nhà thơ Việt nào khác, nhưng đó lại là thơ Việt thuần chất. Đó là thơ mộc mạc sau khi đi qua sự tinh chế của tâm hồn, là thơ hồn nhiên khi chưa nếm trải và khi đã qua bao nhiêu nếm trải.
![]() |
"Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè/ Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng" - Cuộc sống thanh bình bên sông Trà Bồng - quê hương của Tế Hanh - Ảnh: MINH THU |
Tôi yêu thơ Tế Hanh như yêu những dòng sông quê hương tôi, như yêu cái mát lành êm ả cũng như những khoảnh xanh không còn tìm thấy lại của tuổi thơ mình. Hiếm có nhà thơ Việt nào lại có những bài thơ hay, đi vào lòng bạn đọc bất kể họ là người có học hay không có học, người trí thức hay người dân quê như thơ Tế Hanh. Có thể kể Nguyễn Bính, nhưng thơ Tế Hanh lại là một dòng "thơ đồng quê" khác với thơ Nguyễn Bính, nó không trau chuốt như thơ Nguyễn Bính nhưng lại đằm thắm và bất chợt hơn thơ Nguyễn Bính, như cách mà dòng sông chảy qua nhiều vùng đất nhiều thung thổ khác nhau.
Tôi được quen và chơi với Tế Hanh từ sau giải phóng, kể cũng vài chục năm. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy Tế Hanh tự "quảng cáo" về thơ mình. Ông bình thản, dung dị như vùng đất "nước bao vây cách biển nửa ngày sông" của quê hương ông, như chính thơ ông mà ông luôn tự biết và không tự biết. Nhà thơ đích thực là vậy, luôn biết và luôn không tự biết về thơ mình.
Trong cuộc đời làm thơ không hề ngắn của mình, với hàng nghìn bài thơ đã viết, không phải bài thơ nào cũng hay, cũng "đi vào bất tử", nhưng Tế Hanh, theo tôi biết, không bao giờ lấy đó làm điều. Ông vẫn bình thản viết, bình thản không viết, và luôn trân trọng đọc bất cứ tác phẩm của nhà thơ nào khác, ngoài mình. Đó cũng lại là một phẩm chất của nhà thơ lớn, khi biết đọc, biết cảm, biết quí trọng sáng tác của những nhà thơ khác, và không biết hoặc không cần "PR" cho thơ mình.
![]() |
"Bạn bè tôi tụm năm, tụm bảy/ Bầy chim non bơi lội trên sông/ Tôi giơ tay ôm nước vào lòng/ Sông mở nước ôm tôi vào dạ..." - Ảnh: MINH THU |
Thơ Tế Hanh cứ tự nhiên mà sống, cứ tự nhiên mà đi vào lòng bạn đọc, cứ tự nhiên mà cư ngụ ở nơi cao đẹp nhất là trí nhớ con người. Tôi đã về quê Tế Hanh, đã nghe những người dân chài lưới ở đó đọc thuộc lòng những bài Quê hương, Nhớ con sông quê hương. Tôi cũng đã gặp và thân với nhiều nhà "khoa bảng", những trí thức thứ thiệt, và cũng đã nghe họ đọc những bài thơ Tế Hanh sáng tác trước và sau Cách mạng tháng tám.
Chiều nay (16-7), một nhà báo đã gọi điện phỏng vấn tôi về thơ Tế Hanh, và anh nói "hình như người ta cho rằng thơ Tế Hanh sau Cách mạng không hay như thơ Tế Hanh thời Thơ Mới". Tôi đã cười, và đề nghị ai nói đó nên đọc lại thơ Tế Hanh cả trước và sau Cách mạng. Thơ là thơ, không phải lúc nào nhà thơ cũng làm được những bài thơ hay, nhưng thơ xuất phát từ trong tim, trong hồn nhà thơ chứ không phải từ bên ngoài.
Tế Hanh sau năm 1975 vẫn có những bài thơ rất hay, những bài thơ vừa mộc mạc vừa hồn nhiên "lơ ngơ" đúng chất Tế Hanh, và đã khiến bao người đọc phải xiêu lòng. Mười năm nay, Tế Hanh đã trò chuyện với thơ mình, với dòng sông quê hương mình, dòng sông đời mình trong im lặng. Đó là số phận của nhà thơ, nhưng không phải số phận của thơ ông.
Thơ Tế Hanh vẫn không ngừng chảy trôi, ca hát, lặng lẽ và róc rách như dòng sông Trà Bồng quê hương ông, vẫn tưới tắm mát đẫm bao tâm hồn người dân Việt yêu làng quê mình, đất nước mình, và yêu thơ. Có thể nói, Tế Hanh đã có tới 10 năm để, trong im lặng, nhìn thấy thơ mình sống. Đó chẳng phải là một niềm hạnh phúc kỳ lạ cho người làm thơ sao?
Những ngày nghỉ học Những ngày nghỉ học tôi hay tới Đón chuyến tàu đi, đến những ga Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt Lòng buồn đau xót nỗi chia xa Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu Ngàn đời không đủ sức đi mau Có chi vướng víu trong hơi máy Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề Khói phì như nghẹn nỗi đau tê Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ Lòng của người đi kéo kẻ về Kẻ về không nói bước vương vương Thương nhớ lan xa mấy dặm đường Lẽo đẽo tôi về theo bước họ Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương. (Trích từ tập thơ Nghẹn ngào (1939) ) Vườn xưa Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc Hai ta ở hai đầu công tácCó bao giờ cùng trở lại vườn xưa ? Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa Như mặt trăng, mặt trời cách trở Như sao hôm, sao mai không cùng ở Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa ? Hai ta như sen mùa hạ, cúc mùa thu Như tháng mười hồng, tháng năm nhãn Em theo chim đi về tháng tám Anh theo chim cùng với tháng ba qua Một ngày xuân em trở lại nhà Nghe mẹ nói anh có về hái ổi Em nhìn lên vòm cây gió thổi Lá như môi thầm thĩ gọi anh về Lần sau anh trở lại một ngày hè Nghe mẹ nói em có về bên giếng giặt Anh nhìn giếng, giếng sâu trong vắt Nước như gương soi lẻ bóng hình anh Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc Hai ta ở hai đầu công tác Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa ? (Trích từ tập Vườn xưa (1992) - bài thơ này đã được nhạc sĩ Thế Bảo phổ nhạc) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận