![]() |
Nhà thơ Vương Trọng |
* Thưa nhà thơ Vương Trọng, hơn ba mươi năm xuất hiện trên văn đàn và đã đạt được những thành tựu đáng kể, lớp độc giả thuộc thế hệ trẻ chúng tôi đã và đang nhìn ông với tấm lòng ngưỡng mộ và kính trọng, ông có thể cho biết quan niệm riêng của mình về thơ?
- Nói như thế là quá khen đấy. Sự thật thì một số bạn viết trẻ thích thơ tôi, nhưng cũng không hiếm bạn lại coi nhà thơ như tôi là “ông Khốt, không cần chấp!”. Nếu thơ tôi có khác thì chỉ khác với những người coi thơ là trò chơi chữ hoặc coi đời có cái gì thì thơ cũng có cái ấy, kể cả sự dung tục…
Quan niệm của tôi về thơ đã đăng trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại (hình như đầu đề thế), ở phần tự bạch rằng: “Tôi yêu Đỗ Phủ hơn Lý Bạch, yêu Nguyễn Du hơn Hồ Xuân Hương; bởi Đỗ Phủ, Nguyễn Du ngoài tài thơ ra còn có trái tim lớn, đau nỗi đau những cuộc đời bất hạnh. Thơ sinh ra không phải cho người đời chơi chữ, mà cốt để chuyển tải nỗi lòng.
Bài thơ hay nhiều khi không còn thấy thơ đâu mà chỉ thấy cuộc đời, tâm trạng và số phận... Thơ hay là thơ được nhiều người yêu thích. Nói thơ mình chỉ cần ít bạn đọc hoặc viết cho người đời sau... thì chẳng qua thú nhận sự bất lực, bất tài”.
* Có người bảo “thiên tài chỉ có 1% là bẩm sinh và 99% là công sức lao động”, trong lĩnh vực thi ca, theo ông, điều này có đúng không?
- Cái tỷ lệ bạn nêu hình như không đúng với nhà thơ, vì đánh giá quá thấp phần bẩm sinh. Theo tôi phần bẩm sinh là rất quan trọng, nếu không có nó thì không thể trở thành nhà thơ trên trung bình, chứ đừng nói nhà thơ lớn.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào phần bẩm sinh thì mau hết vốn và dễ lặp lại chính mình. Theo tôi, tác giả truyện thơ Thạch Sanh là một nhà thơ bẩm sinh, dựa vào quá nhiều phần bẩm sinh của mình, còn Nguyễn Du là một nhà thơ đã kết hợp phần bẩm sinh với sự học hỏi cuộc đời qua “thiên kinh vạn quyển”.
Tôi thích đọc các nhà thơ cổ điển của ta và của Trung Quốc, đọc để học cái hay của họ nhưng chưa học được bao nhiêu, dù sao, qua thành tựu của họ mình hiểu thế nào là cốt lõi của thơ nên không hoang mang khi có những người tuyên ngôn rất lạ về thơ.
* Thơ của ông thâm trầm, hóm hỉnh, và sâu sắc, mang đậm nét của một “ông đồ xứ Nghệ”. Thơ ông và thơ trẻ chúng tôi dường như có khoảng cách khá lớn, ông có thường xuyên theo dõi thơ trẻ không, và ông có nhận xét gì về thơ trẻ ngày nay?
- Lại quá khen rồi. Tôi thường xuyên đọc thơ của các bạn trẻ thông qua công việc biên tập hay chấm thi... và có khi chỉ với tư cách là một độc giả bình thường. Tôi thấy trong lớp trẻ, số người đưa ra các tuyên ngôn xa lạ về thơ, phủ nhận thơ truyền thống... chỉ chiếm một phần nhỏ, phần lớn các bạn trẻ vẫn cùng “kênh” với tôi, tức là họ đi theo lối chính thống của thơ.
Có một thực tế đáng buồn là những bạn trẻ đi theo lối chính thống thường khó nổi tiếng hơn những người xỉ vả thơ truyền thống và có những tuyên ngôn lạ lùng.
Tôi nghĩ, có nhiều cách khác nhau để trở nên nổi tiếng, có người nổi tiếng vì “xây đền” nhưng cũng có người nổi tiếng vì… “đốt đền”! Làm kiểu người thứ hai thì dễ, tuy nhiên sự nổi tiếng ấy chẳng mang lại điều gì tốt đẹp, thậm chí còn nguy hại cho cuộc sống.
* Một số các nhà thơ trẻ bây giờ đang cố tìm tòi, cách tân, đổi mới theo mọi cách để thơ mình được hiện đại. Theo ông, thơ hiện đại là gì?
- Tôi quan niệm rằng tính hiện đại trong thơ bao gồm hai nội hàm: 1. Mới, trước đấy chưa có, 2. Hiệu quả hơn cái đã có. Với quan niệm này thì đi xe đạp hiện đại hơn đi bộ, đi xe máy hiện đại hơn xe đạp... nhưng một người bò trên phố thì không thể coi hiện đại hơn người đi bộ được, vì không thoả mãn nội hàm thứ hai là tính hiệu quả.
Chỉ tiếc rằng gần đây có một số người ngộ nhận về tính hiện đại của thơ, cố làm cho khác người, tức là chỉ thoả mãn nội hàm thứ nhất chứ không chú ý nội hàm thứ hai. Nghĩa là họ “bò lê” trên đường, hơn thế nữa lại “bôi bẩn” vào mặt mũi, vừa bò vừa ngửa mặt nhìn người đi bộ rồi chê những người đó là không hiện đại được như mình!
* Dường như khi sự “đổi mới thơ” đi đến chỗ thái quá thì có người cho rằng chữ không nói hết được ý, và người ta viết thơ ở ngoài lời, thơ trong tranh, thơ bằng những hình vẽ kì quái…Bên cạnh đó, xu hướng đời thường hóa thơ đang được sử dụng với việc đưa thực đơn, phương pháp chế biến món ăn, ngồi quán cà phê, thoa kem bôi chân..., và nhất là sex vào thơ. Mà hình như về sex trong thơ thì các cụ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... nhà ta cách đây mấy trăm năm đã tài tình lắm lắm. Nghĩa là sự đổi mới ấy chỉ tiến hành được ở mặt hình thức mà thôi. Theo ông, đổi mới về nội dung hay hình thức “bền” hơn?
- Tôi không phủ nhận sự đổi mới trong thơ với suy nghĩ như thế này. Qua hàng ngàn năm phát triển, cái cốt lõi của thơ đã ổn định lắm rồi, tuy nhiên, qua mỗi thời đại, thơ cần được bổ sung thêm để cái cốt lõi đó càng thêm dầy dặn.
Bởi vậy, cái đổi mới nào làm được điều đó là đáng khuyến khích, còn loại đổi mới nào với mục đích phủ nhận cái nền thơ đã có thì tôi không chấp nhận và coi đó là kẻ thù của thơ. Đổi mới hình thức thì dễ, và dễ học theo, đổi mới về nội dung mới khó.
* Thơ trẻ ngày nay khá xa rời lục bát, có người cho rằng vì đó là thể thơ phụ thuộc vào vần điệu nên khó chuyển tải hết ý, hơn nữa, nhịp điệu câu thơ lặp đi lặp lại sẽ khiến hơi thơ trở nên cũ kỹ. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Với những người không có tài về thơ thì niêm luật của Đường thi và vần điệu của lục bát luôn hành hạ họ, nhưng với những nhà thơ có tài, những ràng buộc trên không có gì đáng kể.
Bạn trẻ ngày nay có thể không làm thơ lục bát, điều ấy cũng chẳng sao, nhưng bài trừ thơ lục bát, không thèm đọc thơ lục bát là có tội với thành tựu thi ca của dân tộc. Cũ kỹ hay không cũng đều nằm trong “hồn” của tác giả chứ không phải ở trong thể thơ lục bát.
Nguyễn Du viết được rất nhiều câu thơ lục bát rất hiện đại mà không hề “cũ kỹ”, trong khi đó trên thi đàn ngày nay không ít những tác giả làm thơ theo thể tự do mà ý tứ thì cũ kỹ vô cùng .
* Theo ông liệu có thể nói rằng dường như một số nhà thơ trẻ hiện nay mải đuổi theo các trường phái thơ phương Tây mà lãng quên các thành tựu của thơ phương Đông - nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn của họ cũng như của độc giả, bởi vậy, thơ của họ chỉ bó hẹp trong cái tôi cá nhân, ít nhận được sự chia sẻ của người đọc, và ông nghĩ sao về điều này?
- Nói như thế là đánh giá thấp thành tựu của thơ phương Tây, tôi không đồng ý. Thơ phương Tây cũng có nhiều điều hay và đặc biệt là họ cũng có rất nhiều nhà thơ lớn, được cả nhân loại khâm phục.
Học tập thơ phương Tây hay học tập phương Đông là tuỳ theo “tạng thơ” của từng người. “Tạng” của thơ tôi gần với phương Đông hơn, nhưng tôi tin trong thực tế lại có nhiều bạn lại gần với thơ phương Tây hơn, sự lựa chọn thế nào thì trước sau cũng là việc của từng người.
Học gì cũng được, học ai cũng được, nhưng khi viết thì đừng quên mình viết cho người Việt Nam, làm sao để nhiều người đồng cảm với mình. Thế thôi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận