![]() |
![]() |
Nguyễn Mạnh Trung (ảnh phải) và Đặng Hải Tương - hai đối tượng đã làm sai lệch vai trò của Thọ “đại úy” trong vụ án giết anh Phan Lê Sơn và Hồ Phước Hưng - Ảnh tư liệu |
Theo thượng tá Phan Anh Minh, đến nay ba vấn đề chính của vụ án đã được làm rõ, đó là hành vi che giấu tội phạm của một số đối tượng giúp Thọ lẩn trốn pháp luật trong một thời gian dài. Nhưng cái lớn hơn là hành vi giết chết cảnh sát hình sự Phan Lê Sơn và anh Hồ Phước Hưng mà Thọ là người chủ mưu, kích động đám đàn em của Năm Cam giết chết Sơn và Hưng. Thế nhưng khi điều tra vụ án, Nguyễn Mạnh Trung và Đặng Hải Tương (cả hai đã bị xét xử trong vụ án Năm Cam), là cán bộ điều tra lúc đó, đã bị “tác động, nên đánh giá vai trò của Thọ không đúng, lúng túng, thậm chí vi phạm tố tụng”.
Chính Năm Cam và Thọ đã “tác động” với Trung và Tương để tiết lộ các bí mật điều tra vụ án, từ đó sắp xếp cho ai trốn ra nước ngoài hoặc khai báo như thế nào nhằm làm nhẹ tội cho Thọ và Nguyễn Hữu Thịnh (con của Thọ). Năm Cam và Thọ đã thông qua Nguyễn Văn Thành (nguyên viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận 4, đã bị bắt) làm môi giới đưa hối lộ 4.000 USD để tác động với Nguyễn Mạnh Trung, cùng một số người khác. Kết quả, Thọ không bị bắt và có điều kiện lẩn trốn một thời gian dài.
“Một số tờ báo đưa tin việc nhận hối lộ có liên quan đến ông Đặng Thế Hồng, nguyên viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, đúng không?”. Trả lời câu hỏi này của phóng viên Tuổi Trẻ, ông Phan Anh Minh khẳng định: “Không có một tài liệu nào thể hiện việc ông Hồng có dính líu lợi ích vật chất hoặc có quan hệ nào với Thọ “đại úy”. Ông Minh cho biết cơ quan điều tra đang khẩn trương làm rõ còn những ai đã nhận khoản tiền đưa hối lộ trên. Riêng Đặng Hải Tương, cơ quan điều tra đã kiến nghị xử lý thêm hành vi tiết lộ bí mật công tác.
Đối với khoản tiền chi hối lộ để bảo kê cho sòng bạc của Năm Cam tại quận 4 và quận 8, thượng tá Phan Anh Minh cho biết đã khởi tố thêm ba người nguyên là lãnh đạo đội cảnh sát hình sự quận 4 và đã thống nhất khởi tố thêm hai nguyên cán bộ khác. Ngoài ra, lời khai của Thọ cùng một số đối tượng khác cho thấy năm 1995 - thời điểm Năm Cam bị đưa đi tập trung cải tạo - “có một số người đã có quan hệ với Năm Cam lúc đó, nhưng lại được ngồi xử lý vụ án Năm Cam sau này”, theo ông Minh là sẽ được kiến nghị làm rõ.
Từ 15-2, giải quyết hồ sơ đăng ký hộ khẩu chỉ còn 15 ngày
Tại cuộc gặp gỡ với báo chí nói trên, trung tá Võ Văn Nhuận - trưởng Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TP.HCM) - cũng đã công bố những thông tin mới về mở rộng điều kiện, thủ tục được đăng ký hộ khẩu tại TP.HCM.
Theo đó, để rút ngắn thời gian giải quyết đăng ký hộ khẩu theo chỉ thị 27 của UBND TP, việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ khẩu từ ngày 15-2-2005 tại một đầu mối là Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội. Trường hợp công dân xin đăng ký hộ khẩu tại huyện có thể nộp hồ sơ tại công an huyện. Sau đó, công an huyện có trách nhiệm chuyển về Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (công an huyện không thẩm định).
Bổ sung về điều kiện để được đăng ký hộ khẩu, ngoài những diện có nhà theo qui định, Công an TP đã đề xuất mở rộng giải quyết đăng ký hộ khẩu đối với công dân từ tỉnh, thành phố khác đến TP.HCM cư trú, không làm việc trong các doanh nghiệp, không phải là chủ hộ kinh doanh cá thể mà làm các công việc như sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi...) hoặc các công việc lao động khác ở thành thị.
Riêng công dân đang làm việc theo chế độ hợp đồng tại các cơ quan, tổ chức của Nhà nước, trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thì chỉ cần xuất trình hợp đồng lao động còn thời hạn, bản sao sổ bảo hiểm xã hội hoặc giấy xác nhận đóng bảo hiểm xã hội đã trích nộp ba tháng gần nhất (trước đây bắt buộc phải có xác nhận việc làm của cơ quan, doanh nghiệp nơi công dân làm việc kèm danh sách đăng ký sử dụng lao động hoặc sổ lao động).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận