
Trước tiêu điểm một đất nước Trung Hoa rên xiết dưới gót giày quân Nhật những năm 30 đầu thế kỷ 20, cái nhìn phương Tây hội tụ lại trong cảm quan sắc bén về lịch sử dân tộc, qua "kính hiển vi" của nhà văn nữ Sơn Táp (Shansa), đã phản chiếu từng xăngtimét biến động trong mỗi tâm hồn nhân vật.
Những nét chấm phá của câu chuyện như từng nước cờ khoáng đạt, phóng túng, kỳ ảo trên ván cờ, qua đó người ta dần gỡ những thắt nút dẫn đến mối tình của hai con người bị ngăn trở bởi thế giới xung đột đẫm máu. Nhưng chính họ đã gặp nhau ở lối thoát êm dịu ấy. Đó cũng chính là lối thoát duy nhất đưa họ ra khỏi mọi hủy hoại đau đớn và vô nghĩa của ván cờ số phận.
Thiếu nữ đánh cờ vây đã trở thành một trong những cuốn tiểu thuyết ăn khách nhất tại Pháp, đã được dịch hơn 10 thứ tiếng (Anh, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Hungary, Nhật...). Chính nhà văn Sơn Táp nhìn nhận: "Tôi nghĩ, cuốn sách này sở dĩ đoạt giải thưởng văn học, được đông đảo bạn đọc yêu thích là do nó đã chạm đến đáy sâu về tình cảm, về sự sinh tồn của con người hiện đại. Sau sự kiện "11.9" ở Mỹ, xã hội phương Tây đang đớn đau trong việc kiếm tìm các định nghĩa mới, chẳng hạn thế nào là đen, thế nào là trắng, thế nào là phạm tội, thế nào là trừng phạt, thế nào là trung thành, thế nào là phản bội... Thế nhưng, Thiếu nữ đánh cờ vây lại chứng tỏ, trong bối cảnh hai nền văn hoá đối địch, đàn ông và đàn bà vẫn có thể yêu trong sự đối lập, vẫn có được giây phút thăng hoa của tình yêu".
Nhà văn Sơn Táp sinh tại Bắc Kinh năm 1972, năm 1990 sang Pháp du học. Tác phẩm đầu tay của cô - Thiên An Môn viết bằng tiếng Pháp đã giành tặng thưởng của giải Goncourt dành cho tiểu thuyết đầu tay. Tiểu thuyết "Bốn cuộc đời của cây liễu" đoạt giải Cazes-Brasserie Lipp. Bản dịch của Tố Châu, NXB Văn học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận