![]() |
Cô gái (Thanh Thúy) băn khoăn trước tình yêu đời thực không giống như mơ mộng |
Mở đầu Thiên thần gõ cửa gây ấn tượng mạnh với phục trang, âm nhạc, vũ đạo và bố cục sân khấu (SK) rất ép phê để nói rõ ngay:sự cô đơn thật đáng sợ. Mọi miêu tả được tập trung vào ba người phụ nữ cùng sống trong một chung cư cao hơn 40 tầng.
Cô thiếu nữ xinh đẹp nhất chung cư, sống thui thủi một mình với nghề ủi đồ thuê, luôn khao khát một tình yêu đẹp. Một bữa nọ, trong tận cùng nỗi buồn, cô cầu nguyện sẽ có một chàng trai đẹp như thiên thần đến gõ cửa phòng cô vào lúc nửa đêm để trao tặng một bó hồng.
Ngay lập tức có tiếng gõ cửa, người phụ nữ cho thuê VCD ở tầng dưới ập vào với lá thư được đoán là của cô gái bị gửi nhầm phòng, có nội dung: “Vào nửa đêm nay tôi sẽ đến giết cô...”!
Câu chuyện về bức thư chưa ngã ngũ, một chàng trai đẹp như thiên thần với bó hồng rực rỡ trên tay gõ cửa phòng cô gái thật. Anh chàng bị hạ gục tức thì bằng một cú đập bàn ủi vào đầu bởi hai người phụ nữ; và, trong bó hồng có giấu một con dao!
![]() |
Ba cây cười, từ trái qua: Thúy Nga, Thanh Thúy, Việt Hương cũng là ba nhân vật nữ đầy tâm trạng |
Ba người phụ nữ vần xoay theo câu chuyện; lắm trò, lắm chiêu của đạo diễn, diễn viên, đôi khi quá mức, được quăng ra, khán giả cứ thế mà cười lăn cười lộn. Nhưng hình như hơn hẳn sự chọc cười, bởi vở kịch đang cố muốn nói vào ý nghĩa ban đầu. Chỉ là hình như thôi, vì điều đó tùy thuộc vào độ sâu và ý thích cảm nhận của từng người xem.
Người đơn giản sẽ buông một tiếng “xạo!”; làm gì có một câu chuyện bất bình thường, những con người hành xử bất bình thường như thế ở VN, trong thời điểm bây giờ; đó chỉ là chuyện hài cười chơi cho vui trong kịch. Người muốn gẫm suy về một thông điệp sâu sắc, chấp nhận được kiểu logic quen thuộc ở tác giả Lê Hoàng: ngây thơ và lãng mạn hơi quá, vẫn có thể nhìn câu chuyện như một kiểu ngụ ngôn về đời sống con người.
![]() |
Phút mơ mộng của một tình yêu tưởng tượng |
Cái “hình như” là ngụ ngôn còn vì đằng sau những miếng cười, trò cười ăn khách theo thị trường không thể và không dám bỏ qua, có thể nhìn ra nỗ lực vươn tới lặng thầm nhưng sôi sục của những người trẻ trên một SK năng động đang có và mong muốn có những thay đổi tích cực ở Kịch Phú Nhuận.
Sau những show tấu hài tất bật, trở về SK kịch, Việt Hương phải nói là rất bản lĩnh, rất quyết tâm để diễn rất giỏi vai bà chủ cho thuê VCD có suy nghĩ phức tạp. Chọc cười tới nơi song thể hiện tâm trạng ê chề, đau khổ cũng tới bến; chỉ tiếc đài từ của Việt Hương trong nhiều chỗ cần sự dồn nén lại bị… hỏng - có lẽ vì cô tấu hài quá nhiều. Đây là một thử thách cần vượt qua với Việt Hương cũng như với các “sao” tấu hài khi diễn kịch dài.
![]() |
Việt Hương, Thanh Thúy đã nỗ lực rất nhiều để thể hiện tốt hai nhân vật nữ chính có tâm trạng phức tạp |
Tuy nhiên, ranh giới giữa điều “hình như” là ngụ ngôn và cái sự hài cười chơi cho vui là việc Thịnh cần thận trọng hơn nữa. “Ngụ ngôn” đáng giá nhất ở kịch lại không nằm ở sự cô đơn, mà chính là cái khoảng cách một trời một vực giữa mơ mộng, lãng mạn và hiện thực đôi lúc xuất hiện rất dí dỏm trong vở.
Sự cô đơn vẫn trở về với các nhân vật nữ một cách lãng xẹt ở đoạn kết khiến những người chịu suy gẫm có thể kết luận: sự cô đơn ở đây không tiêu biểu bởi các nhân vật là những người suy nghĩ và hành xử không tiêu biểu…
Dẫu vậy, một SK có những vở diễn được thực hiện kỹ lưỡng, chịu khám phá, như tinh thần SK nhỏ 5B thời kỳ đầu, thật đáng đến xem; Thiên thần gõ cửa vẫn là một vở diễn có nhiều điều thú vị…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận