Đây là khẳng định của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong báo cáo ngày 14-11 trong bối cảnh các cuộc thảo luận tại Hội nghị thứ 22 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 22), tại Marrakesh, Maroc đã bước sang tuần thứ 2.
Theo báo cáo dày 190 trang trên, số người rơi vào cảnh đói nghèo sẽ tăng lên trong những thập kỷ tới do biến đổi khí hậu khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan như siêu bão, lũ lụt và hạn hán thêm nghiêm trọng.
Trong khi đó, thiệt hại về người và kinh tế trong các thảm họa do thời tiết cực đoan và động đất, đã bị đánh giá quá thấp hơn thực tế tới 60%.
Tác giả chính của báo cáo Stephane Hallegatte cho biết người nghèo có xu hướng phải gánh chịu hậu quả thiên tai nhiều hơn do họ sống ở những khu vực thường chịu thảm họa thiên tai cũng như nhận được ít sự hỗ trợ từ chính phủ, bạn bè và gia đình.
Báo cáo nhấn mạnh lũ lụt và động đất có thể trở thành thảm họa đối với người nghèo song không gây tác động tới kinh tế hoặc năng lực sản xuất của một nước.
Đối với những người nghèo, thảm họa có tác động lâu dài như khiến các gia đình buộc con phải thôi học hoặc cắt giảm chi tiêu đối với chăm sóc sức khỏe.
Một nghiên cứu gần đây của Liên Hợp Quốc đối với 117 quốc gia bao gồm cả những nước giàu và đang phát triển cho thấy thiệt hại kinh tế toàn cầu do thiên tai là 327 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, nếu tính thiệt hại về tiêu dùng khi chi phí thuốc men và học phí trở nên không thể gánh vác được, thì thiệt hại kinh tế toàn cầu do thiên tai sẽ lên đến 520 tỷ USD/năm.
Báo cáo trên dẫn ví dụ cơn bão Nargis hoành hành tại Myanmar năm 2008, khiến 140.000 người thiêt mạng, và gây thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 4 tỷ USD.
Tuy nhiên, cơn bão này đã khiến một nửa số nông dân nghèo ở Myanmar phải bán đất và tài sản để trang trải nợ nần sau bão, đẩy họ vào cảnh nghèo đói và khó khăn hơn, khiến thiệt hại trên thực tế còn cao hơn.
Chủ tịch WB Jim Yong Kim khẳng định "thời tiết cực đoan đe dọa kéo những nỗ lực chống đói nghèo lại hàng thập kỷ. Do đó, xây dựng khả năng đối phó với thảm họa không chỉ có khía cạnh về mặt kinh tế mà còn là nhu cầu về mặt đạo đức".
Theo các chuyên gia của WB, báo cáo trên được đưa ra nhằm giúp các nước cân bằng việc bảo vệ tài chính với việc chăm sóc người nghèo. WB muốn sử dụng các kết quả nghiên cứu này để định hướng các cuộc thảo luận chính sách với các nước về quản lý rủi ro.
Nghiên cứu cũng sẽ dẫn dắt các nước áp dụng các kinh nghiệm thực tiễn vào kế hoạch hành động chống biến đổi khí hậu được đưa ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, có hiệu lực từ ngày 4-11 vừa qua.
Báo cáo trên đã sử dụng một phương pháp mới để giúp tính toán thiệt hại, cũng như các biện pháp giúp người nghèo chống đỡ với những cú sốc, có thể giúp các nước và cộng đồng tiết kiệm 100 tỷ USD/năm.
Các biện pháp trên bao gồm việc thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm, tiếp cận rộng rãi hơn đối với dịch vụ ngân hàng cá nhân, cũng như các chính sách bảo hiểm và các hệ thống bảo vệ xã hội.
Ví dụ, các hệ thống bảo vệ xã hội ở Kenya và Uganda đã cung cấp các nguồn hỗ trợ đối với những nông dân dễ bị tổn thương trước khi hạn hán xảy ra vào năm 2015, giúp cứu sống được nhiều người và cắt giảm chi phí hỗ trợ khẩn cấp so với các trận hạn hán tương tự thập kỷ trước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận