Lời nói đầu: Những áng thơ xưa cũng như những áng mây trắng. Nghìn năm mây trắng bây giờ vẫn còn bay. Cho dù đôi khi bị lãng quên, những áng thơ kỳ ảo vẫn bay đâu đó trên đời ta. Chỉ cần hội đủ nhân duyên là những áng thơ đó, từ nghìn xưa và từ muôn phương, lại bay về. Trong ánh mắt mới. Trong mưa gió mới. Trong tình yêu mới.
Những áng thơ xưa cũng như những lá cỏ. Nó chỉ nẩy mầm ở những nơi còn đất trống. Một tâm trí đầy chật không còn chỗ cho thơ trở về. Có thể đi trên thơ cũng như đi trên cỏ với đôi chân trần. Có thể cười với cỏ dại trên đồng cũng như cười với sương khói trên ao hồ - như một tứ thơ của Tố Như.
Vậy hãy bắt đầu TỪ NHỮNG ÁNG THƠ XƯA với những tiếng cười của Tố Như.
![]() |
Ảnh: L.TH. |
Tố Như là tên tự của Nguyễn Du.
Cái tên trong veo, sáng ngời của một nhà thơ lớn, người đưa thơ trở về với những giấc mộng sơ nguyên.
Tri giao quái ngã sầu đa mộng,Thiên hạ hà nhân bất mộng trung.(Mộng sầu bạn cứ cười ta Vòng mơ mộng ấy ai là thoát đâu)
Chẳng phải là tri giao đang cười mà là tiếng cười của nhà thơ. Tiếng cười vang thinh không, bay suốt thiên thu. Chẳng phải là giấc mộng đã làm ra Trang Chu, làm ra bạn, làm ra ta hay sao?
Tố Như vẫn thường cười như thế. Dường như bí ẩn, dường như không.
Tiếu ngạo giang hồ yên dã thảo trung.(Cười ngạo trong khói hồ cỏ nội)
Trong khói sương sông hồ và cỏ dại đồng hoang thì còn có gì phải bận tâm. Thế nên nhà thơ buông tiếng cười. Tiếng cười dường như ngạo nghễ, dường như không.
Cười vì biết cái tâm vốn là không, khi nghiệp chướng tan rồi (Chướng tiêu thời giác tức tâm không).
Tố Như đeo kiếm rất buồn, Tố Như làm quen rất buồn, Tố Như đi sứ rất buồn.
Nhà thơ chỉ cười với khói sương, với cỏ.
Sương khói thì cười mà chi, cỏ hoang thì cười mà chi. Vậy mà, dường như đó là cái cười hạnh phúc nhất trong đời Tố Như.
Tiếu ngạo không cần thiết là cười ngạo nhân gian, cũng không phải là cười ngạo bản thân. Chỉ cười, thế thôi.
Nếu như có những dòng lệ bay trong thơ Nguyễn Du thì cũng có những nụ cười bay trong đó.
Và nụ cười, ở Tố Như, thì thâm trầm hơn giọt lệ.
Có thể bắt chước Tố Như mà khóc. Nhưng dễ gì bắt chước Tố Như mà cười.
Tương phùng vô biệt thoạiNhất tiều ý hà như ?(Gặp nhau mà chẳng nói,cười thôi, ý thế nào?)
Ý hà như? Ý Tố Như? Chỉ cười thôi.
Lúc sắp chết, khi được cho biết thân xác mình đã lạnh, Tố Như chỉ nói: Được! Và qua đời.
Chữ "Được!" ấy thật ra là nhất tiếu. Có cái cười huyền bí trong tiếng nói sắc gọn ấy.
Ba trăm năm sau đó, ta có lãnh hội nổi cái nhất tiếu đó không? Cái im lặng vô ngôn đó không?
Cùng trắng như tóc Tố Như là nụ cười đó. Có mênh mông sương khói và cỏ đồng hoang là nụ cười đó.
Chính là nụ cười đòi hỏi sự tương phùng, đòi hỏi tri giao - chứ không phải gặp nhau là cười.
Và như thế, Tố Như cười với Lưu Linh, cười với Đỗ Phủ…
Với một trong "Trúc Lâm thất hiền" là Lưu Linh, Tố Như đùa:
Lưu gia chi tử bất thành tàiHạ sáp dương ngôn tử tiện mai. Tuỳ lý dĩ năng tề vạn vật,Tử thời hà tất niệm di hài?...(Chàng họ Lưu ơi quả bất tàiRêu rao sẵn cuốc chết chôn ngayKhi say đã biết hoà theo vậtLúc chết sao còn nghĩ tới thây?…)
Lưu Linh đi chơi, uống rượu, thường nói mình có mang theo cái cuốc, chết đâu chôn đó. Tố Như cười ông hiền này dù đã biết "tề vật" nhưng vẫn còn phân biệt sống chết. Hơi đâu mà nghĩ tới hình hài để lại.
Lưu Linh và vạn vật như nhau trong cơn say. Trong mộng cũng thế. Trong tiếng cười cũng thế.
Cái cười đó giải thoát cho sự vật.
Sự vật trở về với nguyên tính, với nhất thiết bình đẳng, với Tố Như.
Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiênY y bất cải cựu thuyền quyên.(Sân trống trăng đầy đêm nguyên tiêuKhông đổi nghìn năm bóng dáng Kiều)
Sự trở về với đêm trăng nguyên sơ, với cái sân trống không của vũ trụ, với nụ cười của Tố Như.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận