06/04/2013 16:39 GMT+7

Thích làm đầu bếp có cần học đại học?

PHÚC ĐIỀN
PHÚC ĐIỀN

TTO - * Em thích nghề đầu bếp và quản lý nhà hàng khách sạn. Đa số trường đào tạo đầu bếp là trường nghề, nếu học nghề thì cơ hội việc làm có cao không?

jAS8q7Tz.jpgPhóng to
Thí sinh ở TP.HCM tranh thủ coi bài trước khi bước vào phòng thi tốt nghiệp THPT năm 2012 - Ảnh tư liệu báo Tuổi Trẻ

* Ngành quản lý nhà hàng - khách sạn, trường nào đào tạo chất lượng, học phí hợp lý? (Truong Hoang Minh, hoang_minh0204@...)

- Bạn thân mến, nghề đầu bếp trước tiên cần người có thể nấu những món ăn ngon chứ không bắt buộc có bằng đại học. Nếu yêu nghề này, điều đầu tiên bạn cần tự hỏi: “Mình có thể nấu ăn và nấu ăn ngon không?”.

Người theo nghề bếp cần có những kiến thức liên quan đến nghề này (chẳng hạn như kiến thức về khoa học dinh dưỡng, hiểu biết về các loại gia vị, thành phần của các loại món ăn), cảm nhận tốt về mùi vị, màu sắc các loại thức ăn, khả năng sáng tạo thêm những món ăn mới lạ, độc đáo từ mùi vị đến hình thức và cả khả năng tổ chức một bếp nấu khoa học, hợp lý để có thể nấu thật nhanh nhiều món ăn trong thời gian cho phép…

Những điều này trước tiên là năng khiếu bẩm sinh và lòng yêu nghề của từng người. Những tháng ngày đi học nghề nấu bếp ở trường chỉ là bước đầu vào nghề. Những đầu bếp giỏi nhất là những người có kinh nghiệm nhất, phải học hỏi và sáng tạo nhiều nhất trong từng món ăn.

Nôm na là “nghề dạy nghề”, học nghề từ lý thuyết đến thực hành, từ bếp ăn gia đình mình, từ những món ăn đơn giản ở quán nhỏ đến nhà hàng khách sạn lớn… Không trường lớp nào có thể biến bạn thành đầu bếp ngay sau một khóa đào tạo. Do vậy, đừng quá quan trọng chuyện bằng cấp với nghề bếp. Với nghề này, tài năng và kinh nghiệm quan trọng hơn.

Bạn muốn học ngành quản lý nhà hàng khách sạn với mức học phí vừa phải, nên nhắm đến các trường công. Nhiều trường thuộc ngành du lịch đào tạo ngành này bậc CĐ, trung cấp. Ở bậc ĐH, một số trường nhóm ngành kinh tế có chuyên ngành này.

Bạn cũng nên cân nhắc kỹ hơn về ước mơ làm quản lý. Ước mơ nào cũng tốt đẹp. Nếu gia đình bạn có kinh doanh lĩnh vực này, bạn đi học quản lý là tốt. Nhưng nếu bạn còn quá “xa lạ” với các nhà hàng khách sạn, cần suy nghĩ kỹ hơn về nghề này. Muốn làm quản lý, bạn cần am hiểu về công việc mình quản lý. Bất cứ đơn vị nào cũng cần nhiều nhân viên hơn, chỉ cần vài quản lý, và đó phải là những người nhân viên có kinh nghiệm nhất, giỏi nhất.

Nếu bạn muốn dễ tìm việc, nên bắt đầu từ việc học nghề để làm một công việc cụ thể trong ngành nhà hàng, khách sạn, du lịch (chẳng hạn như nghề hướng dẫn viên, điều hành tour, nhân viên phục vụ bàn, buồng, lễ tân…). Nếu bạn làm giỏi, sau này học làm quản lý sẽ tốt hơn có bằng quản lý nhưng chưa có chuyên môn về công việc này, như vậy sẽ khó xin việc hơn…

Chúc bạn có sự lựa chọn đúng đắn.

* Em định thi đại học khối A nhưng hiện giờ đang gặp khó khăn trong việc chọn ngành. Học lực của em cũng thuộc loại khá tốt, điểm trung bình tất cả các môn đều trên 8,5.

Tính em trầm không thích giao tiếp nhiều, hiện tại em thích các ngành thuộc về nông lâm, thủy sản và ngành công nghệ hóa nhưng lại chưa rõ về những ngành đó, không biết học xong có khó tìm việc không. Mong ban tư vấn giúp em. (Dương Thị Hồng Châu, hongchaudb@...)

- Với học lực và cá tính như bạn nói, bạn có thể học tốt những ngành có gắn nhiều với những thực nghiệm nghiên cứu, ứng dụng thực tế. Bạn có thể học những ngành thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên (vật lý học, hóa học, khoa học vật liệu…), nông lâm (chế biến lâm sản, chăn nuôi, thú y, nông học, bảo vệ thực vật, lâm nghiệp…). Hai ngành bạn chọn đều phù hợp với năng lực và tính cách của bạn. Những ngành này đều không quá khó xin việc.

Các ngành này có tuyển hai khối A và B. Năm nay thi tốt nghiệp môn sinh vật là điều kiện tốt để bạn có thể thi thêm khối B để thử sức mình, thêm cơ hội trúng tuyển vào ĐH. Hai trường bạn có thể thi ở TP.HCM là ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM) và ĐH Nông lâm TP.HCM.

* Em năm nay học lớp 11 nhưng chưa thật sự quyết định được ngành sau này. Em thích cả hai ngành điện - điện tử và công nghệ thông tin nhưng trong ngành công nghệ thông tin thì em thích phần cứng hơn phần mềm, còn điện thì em thích điện công nghiệp lẫn điện tử.

Em không biết phải theo ngành nào, mong ban tư vấn giúp em. (Thanh Phuoc Nguyen, phuoc4235@...)

- Có một thực tế là chỉ tiêu ngành CNTT rất nhiều, số người tốt nghiệp, tìm việc hằng năm rất nhiều. Không phải ai cũng may mắn tìm được công việc ứng dụng nhiều kiến thức đã học. Muốn thành công với ngành CNTT và có việc với mức lương cao, bạn phải nằm trong số những người giỏi nhất cả về kiến thức lẫn kỹ năng thực hành ứng dụng.

Riêng với nhóm ngành điện - điện tử, nhiều năm trước điện tử là ngành hấp dẫn nhất. Những SV giỏi nhất mới được vào ngành này, chương trình học cũng khá nặng kiến thức. Nhưng khi ra trường, những người có bằng ngành điện có vẻ dễ xin việc đúng chuyên môn hơn. Các sản phẩm điện tử hiện hữu xung quanh mình rất nhiều nhưng đa số là sản phẩm lắp ráp từ linh kiện nước ngoài. Điều này hạn chế cơ hội việc làm của người tốt nghiệp ngành điện tử...

Trên đây là những thông tin khách quan, quan trọng hơn là bạn say mê ngành nào và phù hợp hơn với ngành nào. Trước tiên bạn cố gắng học tốt các môn toán, lý, hóa. Đây là những môn học gắn liền với ngành nghề bạn chọn. Bạn còn một năm để suy nghĩ thêm về việc chọn ngành cụ thể. Bạn nên tìm cách tiếp cận với những “người thật việc thật” để hiểu thêm công việc cụ thể, xem công việc nào hợp với mình nhất…

* Em đang lưỡng lự giữa hai ngành công nghệ sinh học theo hướng y dược và ngành xét nghiệm. Hai ngành đó khác nhau như thế nào? Vai trò của bác sĩ xét nghiệm trong bệnh viện như thế nào? Công việc bác sĩ xét nghiệm có khác cử nhân công nghệ sinh học không? (Pul, red_fire_24@...)

- Chào bạn, ở nhiều trường, y sinh là một chuyên ngành của ngành công nghệ sinh học. Bạn sẽ học những kiến thức chung về sinh học và học chuyên sâu về những nghiên cứu, ứng dụng của công nghệ sinh học trong ngành y và cả ngành dược.

Khác với ngành công nghệ sinh học, ngành xét nghiệm y học đào tạo kỹ thuật viên làm việc ở các phòng xét nghiệm, ở các cơ sở y tế. Ngành này cũng đào tạo trình độ cử nhân. Tốt nghiệp cử nhân xét nghiệm, bạn sẽ làm việc ở bộ phận cận lâm sàng ở các cơ sở y tế.

Khi bạn đến phòng xét nghiệm một cơ sở y tế, bạn sẽ gặp những người cần mẫn với các loại bệnh phẩm (máu, phân, nước tiểu, đờm…), kết quả xét nghiệm từ phòng này sẽ giúp bác sĩ có cơ sở chính xác trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Đó là một công việc hết sức cần thiết và quan trọng trong ngành y.

Công việc của cử nhân công nghệ sinh học (y sinh) và cử nhân xét nghiệm cùng mục đích phục vụ cho sức khỏe con người. Nếu bạn yêu thích nghiên cứu bạn có thể chọn ngành công nghệ sinh học. Nếu bạn muốn đóng góp sức mình với vị trí công việc xét nghiệm tại một cơ sở y tế, bạn đừng ngần ngại với công việc của một cử nhân xét nghiệm. Chúc bạn thành công.

Thắc mắc về tuyển sinh ĐH, CĐ và trung cấp 2013, mời bạn gửi về địa chỉ tuyensinh@tuoitre.com.vn
PHÚC ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên