21/06/2015 11:36 GMT+7

Cần thị trường nội tạng cho người bệnh ?

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Giáo sư luật Karra Swanson (Mỹ) cho rằng rất vô lý khi nền y học chỉ trông chờ vào tâm nguyện ngẫu nhiên từ tấm lòng của người hiến tạng trong khi số người chết vì không kịp ghép tạng tăng lên mỗi ngày.

Thời gian chờ ghép tạng của người bệnh ngày càng kéo dài hơn vì số tạng hiến không đủ đáp ứng nhu cầu người bệnh - Ảnh: PRI
Thời gian chờ ghép tạng của người bệnh ngày càng kéo dài hơn vì số tạng hiến không đủ đáp ứng nhu cầu người bệnh - Ảnh: PRI

Theo đài PRI, hiện tại ở Mỹ, thời gian chờ ghép tạng trung bình của người bệnh thường là rất nhiều năm. Theo thống kê của Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ (Department of Health & Human Services), trong khi cứ 10 phút lại có thêm một người đăng ký vào danh sách tình nguyện hiến tạng thì mỗi ngày lại có 21 trường hợp người bệnh qua đời vì không kịp được ghép tạng.

Đó là lý do khiến giáo sư ngành luật Kara Swanson của Đại học Northeastern cho rằng tình thế của sự việc đang ngày càng tồi tệ.

Cũng theo bà, khi y học không thể phụ thuộc vào tâm nguyện ngẫu nhiên của mỗi người thì cần có giải pháp thiết thực cho vấn đề này.

Bà Swanson là tác giả của công trình nghiên cứu “Ngân hàng về cơ thể người: Thị trường máu, sữa và tinh trùng trong xã hội Mỹ hiện đại”, cho rằng việc có một giải pháp giúp cung cấp nội tạng người có thể là điều cần phải tính tới.

Theo bà Swanson, Iran hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới cho phép hoạt động một chợ nội tạng người mà chưa gây rắc rối gì.

Tại thời điểm này, theo Luật quy định về hiến tạng của Mỹ ban hành năm 1984, việc buôn bán nội tạng vẫn bị cấm. Tuy nhiên, chính vì luật cấm nên giới nhiều tiền trong nước đã “đi tắt” bằng cách sang các nước khác mua nội tạng dễ dàng hơn theo các gói “du lịch ghép tạng”.

Mặt khác, những bệnh nhân nghèo một mặt vừa không có cơ hội tiếp cận nội tạng, mặt khác lại trở thành những người bị khai thác nội tạng và không được chăm sóc sức khỏe tốt sau khi bán tạng.

Tuy nhiên nếu Mỹ chấp nhận tính hợp pháp của việc mua bán tạng, bà Swanson cho rằng tình trạng đó sẽ không xảy ra.

Nữ giáo sư luật cũng đề cập tới lo ngại về quy luật thị trường (kẻ nhiều tiền sẽ thắng thế) nếu quả thật có một thị trường nội tạng như thế được công nhận.

Bà cho rằng nếu căn cứ trên cơ sở nhu cầu y học thay vì cơ sở thương mại, người ta cần phải tránh một thị trường mở hoàn toàn. Bà đề xuất một giải pháp như thành lập ngân hàng nội tạng trung ương căn cứ theo nhu cầu chữa bệnh của y học, giá bán nội tạng cho người bệnh cũng căn cứ theo thu nhập của họ để tránh tình trạng biến nó thành lĩnh vực thương mại có lợi nhuận. Một hệ thống ngân hàng tương tự cũng đã được tiến hành thành công ở Mỹ là ngân hàng hiến tặng sữa mẹ đầu tiên.

Bà Swanson nói: “Tôi nghĩ chúng ta cần thử nghiệm những mô hình khác nhau để tăng nguồn cung nội tạng, giúp giảm số người tử vong và tăng cơ hội tiếp cận công bằng trong vấn đề này với tất cả người dân”. 

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên