Để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đáp ứng đầy đủ các quy định về tiêu chuẩn hàng hóa khi xuất sang thị trường EU trong thời gian tới, ngày 4-6 tại TP.HCM, Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) phối hợp với Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội thảo “Hài hòa hóa quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và thú y dịch tễ của Việt Nam với quy định của EU - khuyến nghị đối với ngành thủy hải sản Việt Nam”.
Hiện nay, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU có sản lượng lớn là tôm và các loại cá (cá tra chiếm khối lượng lớn). Trong vòng 5 năm qua, trong khi tôm không bị EU cảnh báo thì các loại cá lại có nhiều lô bị cảnh báo, riêng cá tra bị cảnh báo tới 70 lô.
Các nguyên nhân dễ dẫn đến bị cảnh báo của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam hiện nay được các đại biểu chỉ ra là: bao bì không đảm bảo, nhiệt độ bảo quản không đạt, có chứa các nhóm hóa chất, kháng sinh (CAP, NTr, MG, Trifluralin), thủy ngân, oxit carbon, histamin... vượt quy định cho phép.
Ngoài ra, theo TS. Claudio Dordi, Trưởng nhóm Tư vấn Kỹ thuật Dự án EU-MUTRAP, mặc dù Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu thủy sản lớn vào thị trường EU, nhưng tại thị trường này, nhãn mác của các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam lại rất hạn chế, người tiêu dùng ít biết đến.
Vì vậy, để các doanh nghiệp thủy-hải sản Việt Nam xuất khẩu sang EU được thuận lợi, các doanh nghiệp cần đáp ứng những tiêu chí cơ bản về sản xuất nguyên liệu: chứng nhận IUU; kiểm soát dư lượng hóa chất độc trong thủy sản nuôi; kiểm soát an toàn vùng thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ.
Đối với quy trình thu mua và chế biến thủy sản cần đáp ứng 3 tiêu chí: hàng hóa phải được kiểm soát về an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP; ghi nhãn hàng hóa và đảm bảo cho việc truy suất nguồn gốc được thuận tiện.
Đặc biệt, những tiêu chuẩn mới của các nước EU sẽ áp dụng trong thời gian tới là việc các doanh nghiệp phải ghi nhãn tuân thủ theo yêu cầu thị trường của EU.
Việc ghi nhãn cần đáp ứng được các nguyên tắc chung là đầy đủ thông tin để người tiêu dùng có thể lựa chọn cũng như có thể truy suất nguồn gốc khi lô hàng đó có sự sai phạm.
Nhấn mạnh về việc ghi nhãn, Ths. Thú y Maja Kraglund Holfort, chuyên gia dự án EU-MUTRAP cũng cho biết, bên cạnh các quy tắc ghi nhãn chung, theo quy định 1169/2011 của FIC mà các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ thì các doanh nghiệp cần chú ý các quy tắc đặc biệt trong ghi nhãn các sản phẩm thủy hải sản. Trong đó, phải bao gồm thông tin về tên thương mại, tên khoa học, phương pháp khai thác và khu vực đánh bắt. Theo quy định của EU, tên thương mại phải được thể hiện bằng ngôn ngữ chính thức của các nước thành viên.
Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang thị trường EU phải làm quen với các mô tả thương mại của nước ngoài, có thể nhận thông tin từ nhà nhập khẩu hoặc cơ quan quản lý tại EU.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận