Trước hết phải thừa nhận rằng, thí điểm ở một đối tượng nào đó là một phương pháp nghiên cứu giáo dục rất hiệu quả. Tiếc rằng, trong quá trình triển khai chương trình thí điểm sách giáo khoa mới đã nảy sinh những vấn đề phức tạp dẫn đến hiện tượng "Sẽ có nhiều học sinh thí điểm nửa vời?" như Tuổi Trẻ đề cập. Tại sao ? Vấn đề này chắc chắn sẽ được các chuyên gia của ngành giáo dục mổ xẻ nhưng ai sẽ giải tỏa được nỗi lo âu của những phụ huynh có con em được chọn học thí điểm ?
Tôi không nghĩ Bộ giáo dục và Đào tạo không tiện liệu trước được điều ấy nhưng đến giờ, thời điểm chỉ cách năm học mới non hai tháng, mọi chuyện vẫn im lặng như tờ. Trong khi phụ huynh lo lắng băn khoăn trước kết quả thi cử thấp và việc chọn trường cho con em mình thì trước đó, Bộ đã tuyên bố lùi thời hạn triển khai chương trình chuyên ban như đã định. Thế là, nhiều em học sinh ở quận 3 (TPHCM) như Tuổi Trẻ phản ánh là đang ở tình trạng..."nửa đường gãy gánh".
Đây chỉ mới là một trong những quận huyện của Thành phố Hồ Chí Minh học theo chương trình thí điểm, thử hỏi mở rộng con số này lên toàn thành phố và toàn quốc thì sẽ có bao nhiêu học sinh sẽ được thí điểm nửa vời ? Chắc chắn con số đó không nhỏ.
Có đáng buồn không khi "những chủ nhân tương lai của đất nước" phải chịu hậu quả bởi cách làm ..nửa vời của những người có trách nhiệm? Ngay cả sinh viên sư phạm cũng cảm thấy lúng túng khi học môn "Phương pháp giảng dạy bộ môn", bởi chưa biết mình sẽ vận dụng những kiến thức đã học như thế nào sau khi ra trường, vẫn phải tìm hiểu cả hai chương trình thí điểm và chương trình cũ. Nửa vời rồi đến...xa vời, hình như khoảng cách ấy ngày càng gần lại?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận