19/07/2024 09:36 GMT+7

Thép ngoại đe dọa sản xuất trong nước

Trong khi kiến nghị áp dụng biện pháp điều tra chống bán phá giá đối với thép cán nóng từ Trung Quốc và Ấn Độ vào Việt Nam vẫn đang được xem xét, hàng nhập từ các thị trường này vẫn tiếp tục ồ ạt vào Việt Nam, đe dọa ngành sản xuất trong nước.

Nhập khẩu thép cao gấp 3 lần so với tiêu thụ nội địa và gấp 1,5 lần so với sản xuất trong nước - Ảnh: PHONG SƠN

Nhập khẩu thép cao gấp 3 lần so với tiêu thụ nội địa và gấp 1,5 lần so với sản xuất trong nước - Ảnh: PHONG SƠN

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, số lượng thép nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh. Trong tháng 6-2024, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn thép cuộn cán nóng (HRC), bằng 151% sản xuất trong nước. Trong đó lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 77%.

Lượng nhập khẩu chưa từng có

Cũng theo nguồn tin này, lũy kế sáu tháng đầu năm, sản lượng thép cán nóng nhập khẩu vào Việt Nam lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023, bằng 173% so với sản xuất trong nước. Trong đó lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại từ các quốc gia khác.

Đặc biệt giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc rất thấp, bình quân 560 USD/tấn, thấp hơn các quốc gia khác 45 - 108 USD/tấn. Trong năm 2023, Việt Nam cũng nhập tới 9,6 triệu tấn thép cán nóng, trong đó nhập từ Trung Quốc là 6,2 triệu tấn, trong khi sản lượng sản xuất trong nước là 6,7 triệu tấn.

Theo một đại diện của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), việc các sản phẩm thép nhập khẩu đổ bộ vào Việt Nam ngày càng tăng đã tác động lớn đến sản xuất trong nước. Dễ thấy nhất là thị phần bán hàng nội địa giảm trong nửa đầu năm nay.

Thị phần bán hàng nội địa của hai nhà sản xuất HRC trong nước giảm mạnh từ 45% của năm 2021 xuống còn 30% năm 2023. Ngược lại, thị phần của hàng nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng từ 32% lên gần 46%.

Và nhập khẩu năm 2024 tiếp tục tăng mạnh. "Với lượng nhập khẩu chưa từng có trong lịch sử, sản xuất trong nước bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến nỗ lực tự chủ sản xuất thép chất lượng cao của ngành thép đã xây dựng trong 10 năm qua", vị này nói.

Vào giữa tháng 3-2024, doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đã gửi đơn tới Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương yêu cầu điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu.

Ông Trần Đình Long - chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, một trong những nhà sản xuất trong nước - cho rằng việc đề xuất khởi xướng điều tra chống bán phá giá là bình thường, theo tiêu chuẩn của WTO để cơ quan quản lý phân định rõ ràng việc này.

"Việt Nam là nước sản xuất thép lớn nhất ASEAN với trên 20 triệu tấn. Chủ trương của Nhà nước là luôn ủng hộ, khuyến khích sản xuất công nghiệp thượng nguồn. Bởi vậy phải có động thái ủng hộ sản xuất trong nước nói chung, nhất là các ngành công nghiệp thượng nguồn", ông Long nói.

Đồ họa: TUẤN ANH

Đồ họa: TUẤN ANH

Sản xuất trong nước bị ảnh hưởng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Đăng Tuất - chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - cho rằng không chỉ ngành thép Việt Nam mà các ngành sản xuất khác, trong đó có công nghiệp phụ trợ, cũng bị ảnh hưởng bởi việc ào ạt nhập khẩu do thép được ví là "bánh mì của quá trình công nghiệp hóa" khi sản phẩm thép khởi đầu cho một loạt ngành công nghiệp.

Theo ông Tuất, doanh nghiệp phụ trợ vẫn đang nhập khẩu thép này từ Trung Quốc, bị cạnh tranh rất lớn về giá thành.

Nếu bảo vệ được ngành sản xuất thép nội địa, tức là sẽ bảo vệ cho cả ngành công nghiệp chế tạo, chủ động được ngành công nghiệp vật liệu mới cạnh tranh được với các nước trong sản xuất linh kiện để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Do đó ông Tuất cho rằng việc bảo vệ ngành sản xuất thép cơ bản là thép HCR để các doanh nghiệp thép trong nước nâng cao năng lực, đầu tư sản xuất thép hợp kim - tạo nền tảng bền vững hơn cho ngành công nghiệp chế tạo phát triển và cạnh tranh với các nước là điều cần làm.

"Chúng ta cần bảo vệ nền sản xuất thép cơ bản để từ đó doanh nghiệp mới làm thép hợp kim, chứ nếu sản xuất thép cơ bản mà chết từ trứng nước làm sao mà làm được thép hợp kim. Giữ cho ngành sản xuất thép trong nước có nghĩa là giữ cho ngành thép hợp kim, giữ cho thị trường nội địa", ông Tuất khuyến cáo.

Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Thu Trang, giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI), cho hay thép là nhóm bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất trong WTO với 2.123 vụ kiện bán phá giá cho giai đoạn từ năm 1995-2023.

Riêng với Việt Nam, đã có 12/28 vụ phòng vệ thương mại là với các sản phẩm thép, chiếm khoảng 46% tổng các vụ phòng vệ thương mại đã từng tiến hành đối với tất cả các loại sản phẩm ở Việt Nam.

Ngược lại, các nước đã đưa ra 73 vụ phòng vệ thương mại với thép xuất khẩu Việt Nam, tức là đã vận dụng rất nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường.

Thậm chí có những vụ việc như đối với cá basa hay tôm của Việt Nam, các nước đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá hơn 20 năm.

Do đó bà Trang cho rằng rất khó có thể xác định số lượng phòng vệ thương mại của Việt Nam là đủ hay chưa đủ, nhất là trong một bối cảnh nguy cơ nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh đối với ngành thép cao hơn hẳn so với ngành khác.

Chờ thẩm định hồ sơ

Trên cơ sở hoàn thiện hồ sơ, ngày 14-6 Cục Phòng vệ thương mại đã xác nhận hồ sơ yêu cầu điều tra đầy đủ, hợp lệ theo quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại.

Một đại diện của cơ quan này cho biết theo kế hoạch trong 45 ngày, cơ quan điều tra sẽ thẩm định hồ sơ để trình bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét tiến hành điều tra hoặc không tiến hành điều tra vụ việc.

Theo các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước và Hiệp hội Thép Việt Nam, để bảo vệ ngành sản xuất trong nước và xây dựng ngành thép phát triển đồng bộ, khép kín từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn, Nhà nước cần tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và biện pháp kỹ thuật trước sự gia tăng đột biến của thép nhập khẩu, với nguy cơ bán phá giá, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất thép trong nước.

Sản lượng nhập khẩu tăng, đơn giá giảm

Theo số liệu của VSA, lượng nhập khẩu HRC đã tăng liên tục trong ba năm gần đây. Điều đáng chú ý là trong khi lượng nhập khẩu lớn, đơn giá nhập khẩu trung bình từ hai nước Trung Quốc và Ấn Độ lại giảm mạnh, thấp hơn đáng kể so với đơn giá trung bình của các nước khác trong năm 2023.

Trong năm 2021, đơn giá thép HRC nhập từ Trung Quốc là 710 USD/tấn và năm 2022 là 806 USD/tấn nhưng năm 2023 giảm còn 595 USD/tấn.

Tương tự là thép nhập từ Ấn Độ, đơn giá ba năm tương ứng là 835 USD/tấn, 730 USD/tấn và 581 USD/tấn.

Năm 2023, sản xuất HRC trong nước chỉ đạt 6,7 triệu tấn, tương đương với 79% công suất và tiêu thụ nội địa là 3,3 triệu tấn thì nhập khẩu đã lên tới 9,6 triệu tấn, cao gấp 3 lần lượng tiêu thụ nội địa và gấp 1,5 lần sản xuất trong nước.

Chính phủ vào cuộc gỡ khó cho sản xuất xi măng, sắt thépChính phủ vào cuộc gỡ khó cho sản xuất xi măng, sắt thép

Bộ Xây dựng cho biết ngày 15-6 Thường trực Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên