28/08/2007 07:14 GMT+7

Theo đường dây làm mũ giả

M.QUANG - Đ.BÌNH
M.QUANG - Đ.BÌNH

TT - Những loại mũ bảo hiểm (MBH) được ưa chuộng ở VN như Amoro, Honda, Lucky Star đang bị làm nhái ở Trung Quốc, chủ yếu được làm từ nhựa tái sinh, giòn, dễ vỡ thành những mảnh sắc cạnh gây nguy hiểm cho người đội.

Thị trường mũ bảo hiểm, nhập nhằng thật giả (Bài 1):

hZO7OtFs.jpgPhóng to

A Lương (bìa trái) giới thiệu các loại MBH nhái hàng sản xuất trong nước với phóng viên Tuổi Trẻ - Ảnh: Đ.B.

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Giả như thật

“Hàng thì phải làm tận Chiết Giang, các ông thích loại nào, kiểu gì đem mẫu qua chợ đặt rồi chồng tiền, đến ngày thì cho cửu (cửu vạn) sang nhận hàng”. Dẫn chúng tôi từ Đồng Đăng sang Lũng Vài (chợ vùng biên thuộc thị trấn Bằng Tường, Trung Quốc, cách cửa khẩu Cổng Trắng, Đồng Đăng, Lạng Sơn chưa đến 2km), Quân, tài xế xe cóc kiêm cửu vạn khu Đồng Đăng, giải thích.

Theo Quân, MBH chỉ mới bắt đầu “nóng” từ đầu tháng tám tới nay nên để tìm được chủ hàng không dễ. Phải sau 15 phút điện thoại, Quân mới dẫn chúng tôi tìm đến kho hàng của A Lương, ông chủ “hãng buôn Mười Hai Lũng Vài”. Theo lời Quân, đây là một trong những ông chủ buôn mặt hàng MBH lớn nhất chợ Lũng Vài, có uy tín và có thể sản xuất theo yêu cầu.

Nghe Quân giới thiệu, chúng tôi muốn lấy khoảng 50-100 kiện mũ, A Lương chỉ vào đống hàng chất đến tận nóc căn phòng nhỏ của mình, miệng liến thoắng thứ tiếng Việt lơ lớ: “Chỗ này A Hồng ở Đồng Đăng lấy hết rồi, nếu muốn lấy thì ba ngày nữa. Còn muốn làm hàng mới, kiểu gì cũng có nhưng phải mười ngày nữa, bây giờ A Lương chịu à”.

Qua câu chuyện của A Lương mới hay hàng MBH vốn ế ẩm, không sản xuất nhiều. Nhưng hơn một năm trở lại đây, do nhu cầu của VN tăng, nhiều chủ hàng mang mẫu sang thuê sản xuất nên A Lương mới chuyển qua làm thêm mặt hàng này. Các loại mũ tiêu thụ nhanh hiện nay chủ yếu mang hiệu của các hãng Amoro, Honda, LuckyStar.

Chỉ trong tháng tám vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện năm vụ buôn bán, vận chuyển MBH giả, nhái nhãn mác của các mặt hàng MBH có uy tín trong nước. Ngày 17-8, lực lượng chống buôn lậu thuộc Công an Hà Nội và quản lý thị trường phát hiện 270 MBH “Amaro”, nhái theo nhãn hiệu Amoro đang chờ được vận chuyển vào miền Nam.

Ngày 20-8, phát hiện vụ vận chuyển 600 mũ Amaro nhái được nhập lậu từ Trung Quốc, đang được vận chuyển đi Hải Phòng tiêu thụ. Ngày 21-8, phát hiện 680 MBH giả tại kho của hợp tác xã vận tải phố Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội đang chờ đưa đi Cao Bằng tiêu thụ...

Đặc điểm của các loại mũ này đều được làm từ nhựa tái sinh, giòn, cứng, dễ vỡ thành mảnh sắc, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Các loại mũ này chỉ có tác dụng che nắng chứ không có tác dụng bảo vệ người sử dụng nếu xảy ra va đập.

Sau khi đưa mẫu mã, mỗi chủ hàng phải đặt trước 30% tiền hàng rồi A Lương mới chuyển mẫu đến Chiết Giang để sản xuất. Trong vòng mười ngày kể từ khi đặt, hàng sẽ được chuyển về chợ Lũng Vài hoặc Ái Điểm để giao.

Hàng được đảm bảo giống y như thật, kể cả tem xuất xứ, nếu có khác biệt “A Lương sẽ bồi hoàn toàn bộ số tiền đặt cọc”. A Lương vừa đưa hai chiếc MBH của Hãng Honda để chúng tôi phân biệt, tất cả đều giống hệt như nhau, kể cả tem bảo hành của nhà sản xuất. Cười đắc chí, A Lương tự hào “có thế mới bán được chứ”.

Mở catalogue giới thiệu, A Lương cho biết mũ của Amoro tương đương với loại mũ A100 trong catalogue, mũ của Honda hay LuckyStar tương đương với các dòng mũ 314, 315 mà các lò sản xuất mũ của A Lương đã làm.

Giá mũ cũng đa dạng, tùy theo mẫu mã, chủng loại và yêu cầu về chất lượng. Giá thấp nhất là dòng mũ nhái Hãng Lucky thì chỉ từ 12-14 nhân dân tệ/chiếc (1 nhân dân tệ = 2.100 đồng VN), tương đương 24.000-28.000 đồng. Loại phổ thông, “giá vừa vừa” như loại A100 giống Amoro giá rao bán là 40.000 đồng.

“Cao cấp” nhất là dòng MBH mang hiệu Honda, có giá 56.500-67.000 đồng/chiếc. Theo A Lương, giá cao chưa hẳn đã tốt, mà vì mới tung ra thị trường, đang được phía VN ưa dùng nên “giá phải cao hơn”.

A Lương cũng giải thích mức giá của mỗi loại luôn dao động là do sở thích của người đặt hàng. Nếu thích hàng tốt thì giá cao, còn nếu thích hàng không tốt thì giá thấp, cứ chênh nhau 3-5 tệ/chiếc.

Vừa nói, A Lương vừa biểu diễn bằng cách đập gáy mũ xuống sàn nhà: “đẹp thì nó không vỡ mà, còn xấu thì nó thủng luôn như thế này à”.

Cũng theo chính A Lương, nếu không thích nhập mũ nguyên chiếc thì có thể mua “sọ” (vỏ mũ) cùng dây đeo, kính về VN tự lắp lấy. “Sọ” loại tốt nhất giá đến 2 vạn tệ/tấn nhựa (tương đương 40 triệu đồng), còn vỏ mũ xấu thì giá chỉ có 4.000 tệ/tấn nhựa. “Có nhiều người VN thích nhập kiểu này lắm mà” vì theo A Lương, giá rẻ hơn so với mua nguyên chiếc, mà công vận chuyển cũng rẻ hơn, an toàn hơn.

Đường về của mũ nhái

bHKLcADg.jpgPhóng to

Nhiều loại mũ giả ở chợ Đông Kinh (Trung Quốc) Ảnh: Đ.B.

Đường về VN của MBH lậu, nhái đều rất đơn giản. Sau khi chọn lựa từng loại, mặc cả giá, đặt tiền thì chỉ cần đợi đến đêm, hàng sẽ về Đồng Đăng hay Chi Ma. Chủ hàng có thể “trả giá tận gốc” để thuê cửu vạn sang vác về, hoặc có thể an toàn hơn, đặt hàng với “chủ hàng bên kia” và yên tâm ngồi nhà đợi hàng về đúng nơi mình thích.

Hảo, một tài xế xe cóc chuyên chạy chuyến Chi Ma - Lạng Sơn, bảo từ giờ này bất kể xe lạ, người lạ nào xuất hiện thì đám “chim lợn” sẽ theo sát và thông báo về cho chủ. Bất kể anh cải trang kiểu gì, dù đêm tối chúng cũng phát hiện hết.

Nếu phát hiện các “đội” công an, quản lý thị trường, hải quan... không “cùng tuyến” thì lập tức “chim lợn” thông báo “đường tắc” bằng điện thoại, bộ đàm, và cái tĩnh lặng của đêm sẽ được trở về nguyên bản. Hảo bảo “các đội ở đây thì chuyện nhỏ, chủ yếu là các đội lạ”.

Chính vì có sự “phân biệt” rạch ròi này mà đêm đêm, từng đoàn người, từng kiện hàng lậu vẫn ngang nhiên qua núi vào VN. Hảo cho biết mỗi cửu vạn qua bên kia mỗi chuyến cõng về hai kiện mũ (mỗi kiện 34 chiếc MBH), nhận 15.000 đồng tiền công.

Hàng tạm thời được chất vào các nhà dân xung quanh, chờ đến khi “đường thông”, vắng bóng “đội trong” (hải quan, biên phòng), “đội ngoài” (công an, quản lý thị trường), thì sẽ được chất lên xe Minsk hoặc xe cóc đang tắt đèn nằm im quanh đó để chạy về Lộc Bình hoặc Lạng Sơn. Mỗi xe Minsk có thể chở 5-6 kiện MBH, xe cóc tháo băng ghế có thể chở từ 10-12 kiện.

Hảo cho biết hàng có thể về đến Lạng Sơn rồi tiếp tục chuyển tiếp về Bắc Giang, nhưng cũng có thể hàng tập kết về thị trấn huyện Lộc Bình, rồi theo đường 31 cũng về đến Bắc Giang. Từ Bắc Giang, hàng tiếp tục được xé lẻ đưa đi khắp Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Tây. Thậm chí được đưa cả vào các tỉnh phía Nam, và lúc này, giá mũ dỏm nhập lậu đã tăng lên 2-3 lần giá nhập gốc. Mũ đến người dùng thì được “mông má” như hàng xịn, đủ loại và kiểu dáng thật - giả, giá cả thì “không biết đằng nào mà lần”....

_________________

Bài 2: Chất lượng nhập nhằng, giá cả loạn xạ

M.QUANG - Đ.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên