10/01/2010 13:57 GMT+7

Thêm một nhà thờ ở Malaysia bị tấn công

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TTO - Lại thêm một nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Malaysia bị tấn công. Sáng sớm nay 10-1, những kẻ quá khích đã ném bom xăng vào một nhà thờ ở thị trấn Taiping thuộc tỉnh miền trung Perak.

dz3rkiS0.jpgPhóng to
Vết cháy xém do bom xăng gây ra trên tường một nhà thờ ở Petaling Jaya, gần Kuala Lumpur - Ảnh: AP

Nhiều nhà thờ Malaysia bị tấn côngMalaysia: chính quyền và tòa bất đồng về từ “Allah”

Báo Malaysia Star dẫn nguồn tin cảnh sát địa phương cho biết nhà thờ này không bị thiệt hại gì đáng kể. Đây là nhà thờ thứ năm ở Malaysia bị tấn công bằng bom xăng trong ba ngày qua, trong đó một ở thủ đô Kuala Lumpur bị hư hại nặng. Tuy nhiên không ai bị thương.

AP dẫn lời linh mục Hermen Shastri, tổng thư ký hội đồng nhà thờ Thiên Chúa giáo Malaysia, cho biết người Thiên Chúa giáo ở Malaysia không e sợ các cuộc tấn công. “Đây là hành vi của những nhóm cực đoan và không phản ánh quan điểm chung của đại đa số người Hồi giáo Malaysia”, linh mục Shastri khẳng định.

Các vụ tấn công xuất phát từ việc vào ngày 30-12, Tòa thượng thẩm Kuala Lumpur bác bỏ lệnh cấm người không theo đạo Hồi được dịch từ “Chúa” thành “Allah” do chính phủ ban hành. Chính quyền Malaysia đã kháng cáo.

Phán quyết của Tòa thượng thẩm Kuala Lumpur xuất phát từ đơn kiện của nhà thờ Thiên Chúa giáo Malaysia. Báo Herald, tờ báo của nhà thờ Thiên Chúa giáo Malaysia, đã sử dụng từ Allah để chỉ Chúa trong ấn phẩm tiếng Malay dành cho người Thiên chúa giáo ở các bang miền bắc Sabah và Sarawak. Người Thiên chúa giáo ở Sabah và Sarawak chỉ nói được tiếng Malay, và từ xưa đến nay vẫn dùng từ “Allah” để chỉ Chúa.

Trên thực tế, từ “Allah” trong tiếng Ả Rập xuất hiện từ trước khi đạo Hồi ra đời. Rất nhiều người Thiên chúa giáo ở các nước Hồi giáo như Ai Cập, Syria, Libăng, Indonesia cũng dùng từ “Allah” để chỉ Chúa.

Tuy nhiên, chính quyền Malaysia tuyên bố từ “Allah” là từ dành riêng cho người Hồi giáo, và việc người của tôn giáo khác sử dụng từ này “làm người Hồi giáo lẫn lộn, và là ý đồ xúi giục họ cải đạo sang Thiên Chúa giáo”. Nhiều tổ chức Hồi giáo ở Malaysia thì tuyên bố đó là “sự sỉ nhục” đối với đạo Hồi.

Từ trước đến nay Malaysia vẫn được xem như hình mẫu đối với các nước Hồi giáo khác bởi tốc độ phát triển kinh tế nhanh, xã hội tiến bộ, người dân các sắc tộc, tôn giáo chung sống hòa bình. Người Hồi giáo chiếm 60% dân số Malaysia, 40% còn lại là người gốc Hoa và Ấn Độ. Họ theo các đạo Thiên Chúa, Phật, Hindu…

Trên mạng Internet, nhiều người Malaysia, cả đạo Hồi và Thiên Chúa, lo ngại cuộc tranh cãi “Allah” hay không “Allah” sẽ phá tan sự hòa hợp đó, châm ngòi cho một cuộc chia rẽ tôn giáo gay gắt, qua đó ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Năm 2008, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Najib Razak nhận kết quả bầu cử vô cùng tồi tệ, chủ yếu do sự bất mãn của người gốc Hoa và Ấn Độ. Giới quan sát nhận định cuộc tranh cãi mới đây sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực tìm lại sự ủng hộ của người không theo đạo Hồi.

“Quả bóng đang nằm ở sân của Najib và Bộ Nội vụ,” Reuters dẫn lời chuyên gia Ooi Kee Beng thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên