31/10/2004 05:22 GMT+7

THE POLAR EXPRESS - cuộc cách mạng kỹ thuật số

ĐOAN THƯ
ĐOAN THƯ

TTCN - Không hẳn người đóng mà cũng không hẳn hoạt hình, bộ phim The Polar Express (Tàu tốc hành Bắc cực) được tung ra ngày 10-11-2004 đã được hầu hết nhà phê bình điện ảnh đánh giá là cột mốc đáng lưu ý trong lịch sử điện ảnh, cuộc cách mạng trong tất cả cuộc cách mạng kỹ thuật số ở Hollywood.

Lgyf0XuQ.jpgPhóng to
Tom Hanks với kỹ thuật performance capture trong The Polar
TTCN - Không hẳn người đóng mà cũng không hẳn hoạt hình, bộ phim The Polar Express (Tàu tốc hành Bắc cực) được tung ra ngày 10-11-2004 đã được hầu hết nhà phê bình điện ảnh đánh giá là cột mốc đáng lưu ý trong lịch sử điện ảnh, cuộc cách mạng trong tất cả cuộc cách mạng kỹ thuật số ở Hollywood.

Dựng từ quyển truyện thiếu nhi chỉ 32 trang của nhà văn Chris Van Allsburg ấn hành năm 1984, The Polar express nói về một cậu bé không tên sống tại một đô thị Mỹ thập niên 1950, với niềm tin trẻ thơ rằng ông già Noel là có thật. Ngày kia, đêm Giáng sinh đầy tuyết, một con tàu bỗng đỗ xịch trước nhà cậu và người bán vé tàu mời cậu bé tháp tùng chuyến du hành lên Bắc cực với bao khám phá bất ngờ…

Điểm khiến The Polar express được chú ý không phải bởi kịch bản (đơn giản và vốn quen thuộc với người Mỹ bởi cuốn truyện của Chris Van Allsburg được xem là kinh điển của thể loại thiếu nhi, được trao Caldecott Medal năm 1985) mà ở yếu tố kỹ xảo đặc biệt. Nhân vật và cảnh trí trong The Polar express (chi phí sản xuất 165 triệu USD) thoạt nhìn tưởng là hoạt hình ba chiều (như Finding Nemo hoặc Shrek) nhưng hóa ra không phải thế. The Polar express là kết hợp giữa diễn xuất người thật với kỹ xảo máy tính.

Đạo diễn Robert Zemeckis đã sử dụng đến 500 chuyên viên kỹ xảo thuộc Sony Imageworks để dựng The Polar express trong ba năm. Một trong những diễn viên thật hỗ trợ trong phim là Tom Hanks (thủ diễn năm vai, từ cậu bé 7 tuổi-nhân vật chính đến ông già Noel). Kỹ thuật chính trong The Polar express là performance capture (tạm hiểu nôm na là nhái diễn xuất người thật để chuyển đổi thành diễn xuất nhân vật hoạt hình).

Mỗi giây trong The Polar express được quay tại không gian nhỏ xíu 3m x 3m (chính xác là 10 foot) tại phim trường Sony Studios, trong đó có 72 máy quay phân tích cử động (motion-analysis camera) loại Vicon có tia hồng ngoại. Khi tia hồng ngoại va chạm với hạt nhựa trên thân thể diễn viên, ánh sáng sẽ dội lại vào ống kính và cùng lúc máy tính ghi nhận vị trí hạt nhựa (camera quay 120 hình/giây).

Với 194 hạt nhựa trên mỗi diễn viên (riêng phần mặt có 152 hạt), máy tính sẽ kết nối các điểm và tạo ra “lớp vỏ” (shell) cực kỳ tỉ mỉ của phần diễn xuất để từ đó người ta có thể vẽ lại nhân vật hoạt hình. Kết quả, Tom Hanks diễn như thế nào thì nhân vật hoạt hình cũng diễn y hệt – dựa vào dữ liệu thu từ chuyển động cơ mặt và bề mặt da của Tom Hanks. Với kỹ thuật mới này, Tom Hanks đã có thể đóng một lúc năm vai.

Và bằng kỹ thuật performance capture hiện đại nhất, người ta thật sự có thể tạo ra một Sean Connery hoặc một Meryl Streep y như thật!

Hỗ trợ Zemeckis trong The Polar express là bậc thầy điện ảnh kỹ xảo Ken Ralston (5 giải Oscar) và Jerome Chen (đề cử Oscar 2000). Không phải tự nhiên mà các cây bút bình luận điện ảnh Mỹ, từ Devin Gordon của Newsweek đến Dave Kehr của New York Times đều thừa nhận The Polar express là cuộc cách mạng trong mọi cuộc cách mạng kỹ thuật số của Hollywood.

Trong thực tế, Hollywood vài thập niên trở lại đây đã không thể sống nếu không nhờ một phần quan trọng vào kỹ thuật số. Từ Jurassic park, Terminator 2, Final fantasy, Matrix đến nhân vật Gollum (nhân vật ảo phức tạp nhất, tính đến nay) trong bộ ba tập The Lord of the rings, tất cả đều có sự can thiệp của kỹ thuật số. 9/10 xuất phẩm ăn khách nhất năm 2004 - tính đến 25-10-2004 (theo thứ tự: Shrek 2, Spider man 2, The passion of the Christ, Harry Potter 3, The day after tomorrow…) – đều sử dụng gần như tối đa kỹ xảo. Song cũng cần mở ngoặc: thành công vẫn dựa chủ yếu vào kịch bản, đạo diễn cũng như diễn xuất; và kỹ xảo không thể cứu được một bộ phim nội dung tồi.

Cách đây 15 năm, một bộ phim “tốn kém” chỉ có chi phí 50 triệu USD trong đó 10% dành cho kỹ xảo; hiện thời một phim chi phí trung bình 150 triệu USD với 50 triệu USD dành cho kỹ xảo đã trở thành chuyện bình thường (nhận xét của Jim Morris, chủ tịch hãng kỹ xảo lừng danh Industrial Light Magic). Qua đó, có thể thấy Hollywood sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường điện ảnh thế giới và hốt bạc nhờ kỹ xảo và chắc chắn còn nhiều phát kiến độc đáo hơn cả performance capture trong tương lai.

ILqwnjBt.jpgPhóng to BK8Vplwp.jpg

Cả ba nhân vật này trong The Polar express đều do Tom Hanks thủ diễn

ĐOAN THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên