26/03/2006 13:05 GMT+7

Thế mới là chủ tịch chứ!

ĐỨC BÌNH - XUÂN TOÀN
ĐỨC BÌNH - XUÂN TOÀN

TTCN - Chưa đầy 31 tuổi, Hầu A Lềnh, một chàng trai trẻ dân tộc Mông, trúng cử chức chủ tịch UBND huyện Sa Pa - một trong những huyện “trọng điểm kinh tế” của Lào Cai.

dLgZFc4f.jpgPhóng to
TTCN - Chưa đầy 31 tuổi, Hầu A Lềnh, một chàng trai trẻ dân tộc Mông, trúng cử chức chủ tịch UBND huyện Sa Pa - một trong những huyện “trọng điểm kinh tế” của Lào Cai.

Thời điểm đó, Lềnh là chủ tịch huyện trẻ nhất nước. “Rất mẫn cán và đầy triển vọng”, Lềnh đang là sự kỳ vọng của cộng đồng gần 25 vạn người Mông và 42 vạn dân Sa Pa...

Hạnh - anh chạy xe ôm chở tôi đi gặp Hầu A Lềnh, bảo: “Biết A Lềnh được làm chủ tịch, dân ở đây mừng lắm vì chắc chắn chủ tịch vừa mới vừa trẻ sẽ có nhiều cái đổi thay”. Hạnh cứ thắc mắc không biết việc cánh xe ôm được sắp xếp đón khách qui củ đâu ra đấy, hay chuyện bọn trẻ em đã thôi chèo kéo khách nước ngoài có phải là “sản phẩm đầu tay” của chủ tịch Lềnh hay không. Chỉ biết rằng “hơn một năm nay các hiện tượng đó đã không còn nữa, thế mới lạ”.

Đức Dũng, một chủ doanh nghiệp từ Vĩnh Phúc lên làm ăn “cắm chốt” tại Sa Pa, từng nhiều lần làm việc với A Lềnh cũng thán phục: “Trẻ, thông minh. Nói là hiểu ngay, làm việc cực kỳ nhanh, đến người Kinh cũng khó có ai bằng”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Ngọc Kim thì nói ngắn gọn: Hầu A Lềnh được bầu làm chủ tịch huyện Sa Pa “là sự đột phá trong công tác cán bộ của Lào Cai. Năng lực, trí lực, tinh thần trách nhiệm, sức trẻ và sự tín nhiệm đã giúp Lềnh có vị trí đó”.

Chúng tôi cũng khá bất ngờ khi lần đầu gặp Hầu A Lềnh. Sau gần hai năm làm chủ tịch huyện, A Lềnh vẫn chất phác, mộc mạc: không comple, cà vạt, cũng chẳng áo da, giày bóng, quần phẳng li. Chủ tịch Lềnh chỉ giản dị với quần kaki, áo jacket ba lớp, giày da đầy bụi đất, phóng xe máy Jupiter cũ mỗi khi đi làm, xuống xã.

Tác phong nhanh nhẹn, nói năng gãy gọn, khúc chiết, tiếng phổ thông trôi chảy chứ không lơ lớ thổ âm như bao cán bộ người Mông khác. Những cái “lạ” này, theo A Lềnh, là do “môi trường quân đội đã rèn mình nên người”. 15 năm sống trong quân đội đã tạo cho anh tính kỷ luật, sự nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm, tác phong nhanh nhẹn...

Sinh ra ngay tại mảnh đất Sa Pa huyền thoại, tuổi thơ của A Lềnh cơ cực, nhem nhuốc, bám đuôi những đàn trâu bò trên những sườn núi mờ sương ở quanh dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ.

Hầu A Lềnh không muốn suốt đời mình sẽ chỉ quanh quẩn dưới chân “nóc nhà Đông Dương”. 13 tuổi, Lềnh tình nguyện nhập ngũ, vào lực lượng thiếu sinh quân của tỉnh. Tố chất thông minh đã giúp Lềnh được chọn đi học tại Trường sĩ quan chính trị - quân sự (khóa 1991-1995). Là một trong sáu học viên xuất sắc nhất khóa học, Lềnh được Bộ tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) giữ lại, điều về công tác tại Cục Quân báo và tiếp tục được cử đi học tại Học viện Quân sự thêm một năm nữa.

Con đường binh nghiệp của Lềnh cứ thế thẳng tiến và chắc sẽ tiến xa nếu anh không mãi đau đáu với quê hương. Mới 27 tuổi, Lềnh đã mang hàm đại úy, nhưng anh quyết định xuất ngũ về công tác tại huyện nhà (8-2000), làm việc tại ban tổ chức Huyện ủy, rồi làm bí thư Huyện đoàn Sa Pa (3-2001).

Một tháng trước ngày sinh nhật lần thứ 31, Hầu A Lềnh (sinh ngày 22-6-1973) trúng cử chức chủ tịch huyện Sa Pa với số phiếu tối đa 100%.

Để gặp được chủ tịch Lềnh, chúng tôi đã phải lên Sa Pa đến lần thứ hai. Lần thứ nhất lên Sa Pa thì anh có việc đột xuất phải xuống xã. Mà cả huyện có 17 xã không biết anh ở xã nào. Lần thứ hai may mắn “tóm” được anh, anh bảo “bận rộn lắm, có sáu việc quan trọng phải làm trong buổi chiều hôm nay”. Trong gần hai giờ tiếp chuyện chúng tôi, A Lềnh phải “xin lỗi” không dưới 15 lần để giải quyết công việc.

A Lềnh bảo “chủ tịch huyện mà không nắm được tình hình dưới cơ sở là thất bại, công việc sẽ khập khiễng ngay”. Chính vì thế mà từ khi làm chủ tịch đến nay, hiếm có thứ bảy, chủ nhật nào anh ở nhà với vợ con. Cứ sắp xếp việc cơ quan “tạm ổn”, anh lại xuống xã. Khi thì đi ôtô, phần nhiều anh vẫn chủ động “một mình một ngựa (xe máy)” la cà xuống xã.

Tuổi trẻ đã cho anh sức khỏe bền bỉ để thực hiện các chuyến vi hành của mình. Anh cũng tự học lái, thi lấy bằng ôtô để “nhiều lúc mưa gió, mình chủ động đỡ phiền hà đến lái xe, mình đi suốt mà các anh ấy còn có gia đình. Lái xe ở miền núi thì mệt, vất vả lắm”.

Theo Lềnh, cái bận rộn nhất, gây mệt nhất cho anh kể từ khi lên làm chủ tịch là làm sao để có một Sa Pa giàu có, vững mạnh, bền vững. Chuyện học, chuyện qui hoạch, chuyện giúp dân làm giàu, phát triển du lịch đã, đang và sẽ luôn là những công việc chính của chủ tịch Lềnh cùng các cộng sự và trên 42 vạn dân Sa Pa.

Tất cả mọi công sức, trí tuệ của anh chủ tịch huyện người Mông này đều dành cho những mục tiêu đó. Vì nó, anh chấp nhận gạt bỏ những cán bộ dưới quyền lão làng nhưng quan điểm và việc làm đi ngược lại với lợi ích, chủ trương của huyện, của dân...

Mọi người bảo “A Lềnh khô cứng”, nhưng thật ra con người Lềnh không phải lúc nào cũng “cứng”. Anh có thể thả hồn, nói cả ngày không chán về Sa Pa. “Sa Pa đẹp, thơ mộng, như một thiếu nữ”.

Xây dựng và phát huy những lợi thế sẵn có của Sa Pa luôn là niềm ấp ủ lớn nhất kể từ khi A Lềnh trở lại quê hương. Làm gì để phát huy thế mạnh du lịch của Sa Pa? A Lềnh nói ngay “con người và tư duy”. Bộ máy chính quyền ở Sa Pa tuổi sàn sàn 40- 45, không phải là già đối với một huyện miền núi, nhưng ác nỗi trình độ cán bộ huyện lại hạn chế quá.

Lềnh buồn bã vì “nhiều anh không biết soạn thảo công văn, báo cáo; viết cái gì thì lỗi chính tả sai be bét cả”. Không có trình độ, nhiều cán bộ dưới xã hiểu sai chính sách dẫn đến làm sai, gây hậu quả. Đó là thực tế và ngay khi lên nắm quyền, A Lềnh đã “vi hành” đến từng xã tìm hiểu kỹ từ lãnh đạo đến tâm tư nguyện vọng của dân.

Điều này đi ngược với tập tục, bởi hầu hết các tân lãnh đạo đều phải đi tiệc tùng, chào hỏi “các già làng trưởng bản”. Lềnh thì không, anh cứ âm thầm một mình một xe xuống các xã. “Gặp ai biết mình thì nói đi gặp gỡ, làm việc. Còn không cứ đi hết bản này đến bản khác, tối lại ngược về”. Từ những chuyến vi hành như thế, A Lềnh biết rõ từng cơ sở. Lãnh đạo xã nào tốt, xã nào yếu kém Lềnh đều tự hỏi và trả lời ngay trên đường đi: vì sao tốt, vì sao kém, sửa thế nào.

Biết chủ tịch xã Bản Phùng trình độ yếu, làm sai, khó có thể góp ý sửa chữa được, anh tổ chức lấy ý kiến, chỉ đạo họp HĐND bất thường và cách chức vị chủ tịch xã này. “Tôi sẽ tiếp tục cho kiểm tra và sàng lọc dần những cán bộ yếu kém. Phải trong sạch, vững mạnh từ cơ sở thì trên mới mạnh được”-A Lềnh thẳng thắn.

Anh quả quyết: “Dân trí có chuyển biến thì mọi thứ mới chuyển biến”. Và anh bắt đầu công việc ngay sau khi “yên vị”. Thấy huyện chỉ có một trường mầm non, không đủ tiếp nhận trẻ em trong thị trấn, anh chỉ đạo lập dự án, chạy ngược xuôi lo kinh phí và một ngôi trường mầm non Hoa Ban “đẹp nhất Tây Bắc” được xây dựng và hoàn thành chỉ sau một năm (2-9-2004 khởi công, 3-11-2005 đưa vào sử dụng).

Ngôi trường như tòa lâu đài nằm ngay cạnh trụ sở huyện ủy, UBND, mỗi ngày có 500 trẻ em đến lớp. Lo cho lớp trẻ xong, anh lo tiếp đến những người đã khuất. Anh cho sửa sang, xây dựng lại nghĩa trang liệt sĩ của huyện. Hai phiến đá to được chuyển từ Ninh Bình lên khắc đủ tên các liệt sĩ của huyện được dựng ngay chính giữa nghĩa trang. “Mọi người phải biết làm việc vì những cống hiến của các liệt sĩ”- đó là “ý đồ” của chủ tịch Lềnh.

Đến khi xuống thung lũng Mường Hoa, nơi người dân vẫn trồng lúa ở những chân ruộng bậc thang nay lại ồ ạt phá đi trồng hoa, A Lềnh khuyên dân: cả bản phá lúa trồng hoa thì lấy gạo đâu ăn, bán hoa cho ai. Mọi người ấp úng, A Lềnh bảo: trồng hoa để cho thu nhập cao là tốt, nhưng bà con phải chờ xem ý kiến chỉ đạo, qui hoạch như thế nào chứ.

Ruộng bậc thang không còn lúa mà trồng hoa thì Sa Pa mất đẹp còn gì. Về cơ quan, A Lềnh cho bàn ngay việc qui hoạch giúp dân Mường Hoa và dân các khu vực khác chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chỗ nào sẽ trồng hoa, chỗ nào sẽ trồng lúa, Lềnh chỉ đạo cộng sự dưới quyền nhanh chóng xây dựng để trình tỉnh phê duyệt.

Gần hai năm tại vị, A Lềnh đã trực tiếp và gián tiếp chỉ đạo thực hiện để có một Sa Pa ngày càng hấp dẫn trong mắt du khách, để mang lại cuộc sống no đủ hơn đến mỗi người dân. Hàng chục dự án “thay đổi Sa Pa” vẫn đang nằm trên bàn anh và biết bao ý định vẫn còn ấp ủ trong đầu anh cán bộ người Mông này. “Chỉ ngãng ra là thua. Phải làm thôi”- Hầu A Lềnh quả quyết.

ĐỨC BÌNH - XUÂN TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên