Phóng to |
Năm nay tròn 50 tuổi, Thế Hiển hăm hở mang “Nhánh lan rừng” đi xuyên Việt, vừa để phục vụ khán giả cả nước vừa vận động gây quĩ xây nhà tình nghĩa. Dịp 30-4, hai đêm nhạc “Nhánh lan rừng” tổ chức tại TP.HCM đã giúp gây quĩ xây dựng được ba căn nhà tình nghĩa cho bà mẹ VN anh hùng.
Hai năm trước Thế Hiển từng thực hiện chương trình ca nhạc xuyên Việt “Đợi chờ trong cơn mưa” với những ca khúc gắn liền với tên tuổi anh cùng những ca khúc mới. “Tôi luôn sợ cảm xúc bị bào mòn. Tôi luôn muốn tìm kiếm những cái mới trong sáng tác lẫn đời sống của mình” - Thế Hiển tâm tình. Những sáng tác mới, những chương trình mới với những giọng hát trẻ mà anh tâm đắc truyền dạy chuyên môn luôn choán hết thời gian trong ngày của Thế Hiển, nhưng lại làm cho anh thêm yêu đời và yêu nghiệp ca hát đã gắn bó với anh từ rất sớm...
Cây đàn bố thưởng và bài Lòng mẹ
“Tuổi trẻ của tôi từng gắn bó với chiến trường biên giới Tây Nam, chiến trường biên giới phía Bắc. Chính từ những ngày tháng ăn ở cùng bộ đội ấy, các bài hát Nhánh lan rừng, Hát về anh, Khi người lính trở về, Ánh sao xanh trên đảo Thạch An... lần lượt ra đời”. |
Năm 11 tuổi Thế Hiển thi đậu đệ thất (tức lớp 6 bây giờ), được bố thưởng một cây guitar gỗ cùng cuốn Tự học Tây Ban cầm của Hoàng Bửu. Đêm đầu tiên có được cây đàn, Thế Hiển thức trắng để tập đàn và dù bấy giờ vẫn còn mù nhạc lý nhưng không hiểu sao anh lại lần mò bấm được bài Lòng mẹ (Y Vân). Hôm sau, anh đã đánh trọn vẹn bài Lòng mẹ trước ánh mắt ngạc nhiên của bố mẹ. Thế Hiển tự hào lắm và bắt đầu tự học nhạc một cách nghiêm túc.
Chỉ hai năm sau Thế Hiển đã trở thành người đệm guitar cho tất cả các tiết mục văn nghệ ở trường mình: “Ngoài giờ học tôi chịu khó đi đến nhà các thầy để xin được chỉ dạy thêm”. Có năng khiếu và lại hiếu học nghệ thuật như thế nên không lạ khi vào năm 1980 Thế Hiển chính thức trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.
Phóng to |
Tiết mục của các nhóm trẻ trong chương trình Nhánh lan rừng |
Bài hát đầu tiên ấy cũng đã lộ một nét riêng với cách gieo vần và âm điệu ngọt ngào mà về sau đã đi suốt quá trình sáng tác của Thế Hiển. Theo Thế Hiển, anh đã thừa hưởng cách gieo vần trong thơ của bố (nhà thơ Lại Thế Cường) và âm điệu ca khúc thì chịu ảnh hưởng những lời ru của mẹ (nghệ sĩ hát chèo Nguyễn Thị Mơ): “Mẹ tôi thường ru con trên nôi bằng những bài dân ca Bắc bộ rất tuyệt vời”.
Và nhắc đến bố mẹ, Thế Hiển lại rơm rớm nước mắt: “Ước gì bố mẹ tôi vẫn còn sống đến lúc này, khi tôi đã đạt được một chút yên tâm trong cuộc đời”. Bố Thế Hiển mất khi anh mới đôi mươi, còn mẹ thì ra đi lúc anh đang học khoa sáng tác và khoa thanh nhạc ở Nhạc viện TP.HCM.
Những giai điệu lạc quan
Có một nhà báo đã gọi Thế Hiển là “người viết nhật ký bằng âm nhạc”. Thời sung sức nhất anh đã sáng tác nhiều ca khúc về bộ đội, thanh niên xung phong thật hay và thành công: “Có gì lạ đâu, tuổi trẻ của tôi từng gắn bó với chiến trường biên giới Tây Nam, chiến trường biên giới phía Bắc mà. Năm 1983, Đoàn Bông Sen lên đường đi biểu diễn phục vụ các chiến sĩ ở địa đầu Tổ quốc. Chính từ những ngày tháng ăn ở cùng bộ đội ấy, các bài hát Nhánh lan rừng, Hát về anh, Khi người lính trở về, Ánh sao xanh trên đảo Thạch An... lần lượt ra đời”.
Một kỷ niệm không thể quên của Thế Hiển là bài Nhánh lan rừng. Anh viết ca khúc này năm 1986 khi đang lưu diễn phục vụ bộ đội tình nguyện VN tại mặt trận 479 ở Campuchia. “Những ngày sống gần gũi chiến sĩ mình, tôi thấy anh em tuy đang sống trong môi trường chiến tranh thật khắc nghiệt nhưng tinh thần rất lạc quan và lãng mạn. Sau những khi hành quân và chiến đấu, họ lại dành thời gian tìm kiếm những nhành lan trắng trong rừng mang về treo tại các lán trại. Những người lính trẻ đã thổ lộ với tôi nỗi mơ ước một ngày chiến tranh chấm dứt để họ có thể hái những đóa hoa rừng tuyệt đẹp này mang về tặng mẹ và người yêu”.
Nghe được những tâm sự như thế, Thế Hiển đã xúc động viết những lời ca: “Về thăm thành phố náo nức mùa xuân, balô trên lưng đơn sơ nhánh lan rừng...”.
Nhạc của Thế Hiển thường lạc quan và yêu đời. Đôi khi anh còn “cưa sừng làm nghé” với loạt ca khúc mà giai điệu lẫn lời ca đều rất dễ thương được giới học sinh yêu thích như Cô bé soi gương, Tóc em đuôi gà, Bốn mắt anh yêu...
Nhưng Thế Hiển không bó hẹp mình theo một khuôn khổ nào cả. Anh từng viết Hoàng hôn màu tím mang âm hưởng bài Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu; Trầu ơi lại đặc sệt giai điệu miền Trung; còn sáng tác mới Có em bên đời thì đậm đà màu sắc dân ca Bắc bộ. Anh đang ấp ủ một trường ca về quê hương Nam Định mang âm hưởng chầu văn.
Ở tuổi “tri thiên mệnh” Thế Hiển vẫn hát tốt, hát khỏe. “Đấy là nhờ duyên may tôi được thọ giáo rất nhiều bậc thầy dạy thanh nhạc như NSND Quốc Hưng, NSƯT Mỹ An, Thanh Trì, Quốc Trụ và thầy Hoàng Ký”. Đã có may mắn đó nên Thế Hiển muốn tiếp nối người đi trước giúp đỡ lớp trẻ yêu âm nhạc: “Tôi đã thành lập Công ty Nhánh Lan Rừng để góp sức đào tạo và hỗ trợ chuyên môn cho các ca sĩ, nhóm ca trẻ, đồng thời tổ chức những chương trình giúp họ có thêm cơ hội xuất hiện trên sân khấu hát trước công chúng”.
Khi còn chưa nổi tiếng, ca sĩ Mỹ Tâm đã lặn lội tìm đến nhà Thế Hiển “nhờ chú dạy cho cháu hát bài Dấu chấm hỏi” và lấy ca khúc này làm chủ đề cho đêm nhạc của cô dành cho SVHS tại Nhà văn hóa Thanh niên (tháng 6-2002).
Thường xuyên giúp đỡ về chuyên môn một cách vô vụ lợi với các ca sĩ trẻ như Thái Thùy Linh (Sao Mai điểm hẹn), nhóm Y2K, Ánh Trăng... Thế Hiển luôn hướng họ đến với những ca khúc truyền thống cách mạng: “Các bạn trẻ hoàn toàn vẫn có thể cảm thụ và hiểu được cái hay về giai điệu, về nội dung của những bài ca truyền thống”.
Khi tham gia Liên hoan pop rock TP.HCM năm 1992, Thế Hiển và ban nhạc trẻ Thép Xanh của anh đã trình diễn các bài Dấu chấm hỏi (Thế Hiển), Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn guitar (Thanh Tùng)... theo phong cách rock khiến hàng ngàn khán giả say mê.
Chiếc cầu nối với những số phận không may
Phóng to |
Tiết mục của các nhóm trẻ trong chương trình Nhánh lan rừng |
Tháng bảy vừa qua, Thế Hiển đi giao lưu và biểu diễn tại các mặt trận Mùa hè xanh ở Cầu Kè, Cầu Ngang, Ba Động... của tỉnh Trà Vinh. Trở về, anh cho biết đã có ý tưởng viết ca khúc mới nhất về một hình ảnh dung dị và cảm động được tận mắt chứng kiến: một người mẹ vùng sâu nấu cơm cho các bạn trẻ tình nguyện, giữa bữa cơm thì mưa trút xuống và mọi người mới biết mái nhà của mẹ đã dột nát; thế là các chiến sĩ Mùa hè xanh đã xắn tay lợp lại mái nhà cho mẹ...
“Mới đây có một nhà thơ ở miền Trung gửi cho tôi bài thơ Những căn nhà của mẹ, lời thơ rất xúc động nói về nỗi ăn năn của những đứa con khi chưa làm được một mái nhà yên bình cho những người mẹ. Tôi sẽ phổ nhạc bài thơ ấy để đi lưu diễn”. Những đêm nhạc “Nhánh lan rừng” ở nhiều tỉnh thành được các mạnh thường quân và nhiều khán giả ủng hộ: “Tôi luôn tin trong cuộc sống cái thiện vẫn nhiều hơn cái ác, cái tốt vẫn nhiều hơn cái xấu”.
Trước khi có phong trào cả nước hướng đến các nạn nhân chất độc da cam, Thế Hiển đã sáng tác ca khúc Em không biết!!! lấy cảm hứng từ câu chuyện thật về bé Bùi Khắc Chương thông minh và hát hay nhưng bị nhiễm chất độc da cam nên sớm lìa đời. Ca khúc này đã được đưa vào bộ phim tư liệu về chất độc da cam của đạo diễn Pháp Leslie Wiener bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp và Anh.
Trong đêm nhạc “Nhánh lan rừng” mới đây ở Đà Nẵng, Thế Hiển đã hát ca khúc này cùng với Đợi chờ trong cơn mưa, Nhánh lan rừng bên cạnh phần trình diễn của Bonneur Trinh, Thái Thùy Linh, Thùy Anh, nhóm Ánh Trăng, Nhật Quốc -Tấn Quốc và Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc Đà Nẵng với chùm ca khúc Mỗi trái tim một tấm lòng, Khi bong bóng bay, Hát trên nông trường xanh, Người mẹ và hoa sứ trắng, Người phu xe, Dấu chấm hỏi...
“Sau Đà Nẵng, tôi sẽ tiếp tục mang “Nhánh lan rừng” đi diễn ở Hà Nội, Hạ Long rồi lại về Đồng Nai, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long... Chỉ mong sao năm nay “Nhánh lan rừng” gây quĩ để xây dựng được mười căn nhà tình nghĩa...”. Người nhạc sĩ vốn là ủy viên ban chấp hành Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TP.HCM từ năm 1998 đến nay khiêm tốn cho biết âm nhạc của anh chỉ là một chiếc cầu rất nhỏ, góp thêm sự nối nhịp giữa lòng hảo tâm và những số phận không may cần được hỗ trợ và đáp đền trong xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận