27/08/2005 17:00 GMT+7

"Thế hệ vàng" của bóng đá Việt Nam

HOÀI LÊ - SĨ HUYÊN
HOÀI LÊ - SĨ HUYÊN

TTCN - Những tên tuổi Văn Cường, Mạnh Cường, Hữu Thắng, Anh Tuấn, Công Minh, Hồng Sơn, Hoàng Bửu, Hữu Đang, Huỳnh Đức, Minh Chiến, Quốc Cường... đã làm nên chiến tích SEA Games 18 và một “thế hệ vàng” của bóng đá VN kể từ sau ngày đất nước thống nhất.

SS5kCBmq.jpgPhóng to
TTCN - Những tên tuổi Văn Cường, Mạnh Cường, Hữu Thắng, Anh Tuấn, Công Minh, Hồng Sơn, Hoàng Bửu, Hữu Đang, Huỳnh Đức, Minh Chiến, Quốc Cường... đã làm nên chiến tích SEA Games 18 và một “thế hệ vàng” của bóng đá VN kể từ sau ngày đất nước thống nhất.

Còn rất nhiều những gương mặt đáng nhớ của bóng đá VN ngày ấy (SEA Games 18) hay sau này như Văn Phụng, Chí Bảo, Quang Hà, Đức Thắng... những người đã đóng góp hết sức mình tạo nên một thế hệ vàng của bóng đá VN.

Mỗi người một hoàn cảnh, một mảnh đời nhưng đều chung một điểm đáng trân trọng vì đã gắn bó hết mình tạo nên một trang sử mới cho bóng đá VN.

Trang báo có hạn và TTCN hi vọng sẽ cùng bạn đọc của mình gặp lại họ trong trận đấu cuối cùng tôn vinh chính họ vào ngày 3-9 tới.

Một trận đấu - một cuộc đời

Đúng 10 năm trước bóng đá VN đã khẳng định sự trở lại của mình trên đấu trường khu vực bằng bộ huy chương bạc tại SEA Games 18. Hàng triệu người hâm mộ bóng đá VN đã xuống đường bừng bừng khí thế tận hưởng vị ngọt của chiến thắng.

Với những cựu tuyển thủ ngày ấy, một trận đấu cũng có nghĩa là một cuộc đời cống hiến hết mình cho bóng đá của họ lại được nhắc đến, được nhớ lại và được tôn vinh.

Bóng đá trẻ VN đang chuẩn bị cho SEA Games 23 với chỉ tiêu cao hơn (HCV). Và trận đấu cuối cùng của một thế hệ khởi đầu cho một sức sống mới hôm nay chắc chắn sẽ góp phần truyền thêm sức mạnh cho thế hệ trẻ để trong hành trang đến với SEA Games 23 của họ có thêm lửa chiến thắng.

Nguyễn Hồng Sơn - tiền vệ con thoi với kỹ thuật điêu luyện

2grszEDQ.jpgPhóng to
Khó có thể quên được hình ảnh tuyển thủ quốc gia - thiếu tá Nguyễn Hồng Sơn - chạy vòng vòng trên sân cỏ Brunei (SEA Games 20), hai tay chỉ ra phía trước, mặt rạng ngời hạnh phúc... Sự hưng phấn và niềm vui tột đỉnh sau cú sút vôlê tung lưới Indonesia dọn đường cho tuyển VN vào chung kết SEA Games 1999. Và đó cũng là bàn thắng cuối cùng của anh trong sắc áo đội tuyển ở SEA Games.

Có thể nói, đến giờ này đội tuyển bóng đá VN có rất nhiều tiền vệ mạnh hơn Hồng Sơn về sức, vững chắc hơn về lực nhưng chưa ai đủ để làm quên đi một Hông Sơn với kỹ thuật điêu luyện và những đường đi bóng lắt léo, tài hoa (Sơn đã từng là hạng nhì thế giới trong cuộc thi về kỹ thuật bóng đá do Pepsi toàn cầu tổ chức khi đối thủ của anh là những Beckham, Carlos, Ronaldinho...).

Nói đến Hồng Sơn, Dusit - một tuyển thủ Thái Lan - cho rằng rất “ghét” mỗi khi đối đầu với Hồng Sơn. Lý do: rất dễ bị phạm lỗi do anh nhỏ con nhưng kỹ thuật rất khéo và bóng như luôn dính vào chân.

Giã từ đời cầu thủ, Sơn miệt mài đến giảng đường để hoàn tất hai bằng đại học TDTT và luật. Tuy nhiên như là “nghiệp”, Hồng Sơn lại trở về với sân cỏ trong vai trò HLV đội trẻ U-15 của Thể Công - mảnh đất từng dung dưỡng, đào tạo anh trở thành một tài năng của bóng đá nước nhà.

Vẫn tinh quái như năm xưa, HLV Nguyễn Hồng Sơn không nhắc đến một thuở huy hoàng mà lại cho rằng mình là một trong rất ít tuyển thủ quốc gia dính nhiều... chấn thương nhất, hết chân phải, sang chân trái rồi tới đầu gối. Và tất nhiên, những người hâm mộ bóng đá VN không thể nào quên khi bước lên bục nhận HCĐ Tiger Cup 1996, Hồng Sơn đã hiên ngang đứng với đôi... nạng gỗ.

Tiền vệ Võ Hoàng Bửu - người chiến thắng ở 11m

bReITr9h.jpgPhóng to
Khoác áo đội tuyển quốc gia từ năm 1993 đến 2000, Hoàng Bửu (còn được mệnh danh là Bửu “voi”) luôn được tín nhiệm giao cho thực hiện những quả sút phạt đền. Cú sút của Bửu không chỉ mạnh mà còn luôn quyết đoán, khi thì ở góc cao hai bên vị trí thủ môn, lúc thì ngay chính diện khung thành.

Mãi đến lúc giã từ đội tuyển, Võ Hoàng Bửu chưa một lần làm buồn lòng mọi người vì sút hỏng. Đặc biệt, tại Tiger Cup lần đầu tiên (Singapore), dù chơi vai tiền vệ trụ nhưng anh lại là người ghi nhiều bàn thắng nhất cho đội tuyển VN: bôn bàn đều từ chấm 11m (trong đó có bàn ấn định chiến thắng 3-2 trước Indonesia ở trận tranh HCĐ).

Bửu cho biết: “Nhớ nhất là SEA Games 18 nhưng buồn nhất lại là thất bại ở Tiger Cup sau đó. Tại giải này chúng ta chuẩn bị rất kỹ, chơi thật hay ở vòng đấu bảng, nào ngờ lại trắng tay ở bán kết rồi trận tranh HCĐ. Một đoạn kết quá buồn với tôi trong sắc áo tuyển quốc gia. Dù chỉ đoạt HCĐ ở Tiger Cup lần đầu tiên, nhưng tôi cho rằng đó là tấm huy chương hết sức quan trọng bởi nó khẳng định sự vươn lên vững chắc của bóng đá VN...”.

Bốn năm trước, Võ Hoàng Bửu từng chia tay với CSG để chuyển sang làm HLV. Nhưng khi Thép Miền Nam CSG trưng dụng anh trở lại vì khủng hoảng lực lượng, Bửu “voi” vẫn nhập cuộc ngon lành. Sau lúc đưa Thép Miền Nam CSG trụ hạng thành công ở V-League 2005, Võ Hoàng Bửu chính thức nói lời chia tay với bóng đá để trở lại với nghiệp HLV.

Lê Huỳnh Đức - cỗ máy ghi bàn không mệt mỏi

nP7VsqpW.jpgPhóng to
Với “thế hệ vàng” của bóng đá VN, Đức là người có tuổi thọ cao nhất. Anh chính thức khoác áo đội tuyển từ năm 1993 (dự vòng loại World Cup 1994 tại Qatar) và đến Tiger Cup 2004 là giải đấu quốc tế sau cùng. Nếu tính bình quân mỗi năm đội tuyển đá sáu trận, tổng cộng Đức có không dưới 66 lần khoác áo đội tuyển VN.

Cao, mạnh mẽ, dày cơm và tận tụy, Đức luôn là cầu thủ tấn công gây khó khăn cho bất cứ hàng phòng thủ nào.

Sau khi chia tay với đội CATP, Ngân Hàng Đông Á và dù là ông chủ một cửa hàng dụng cụ TDTT có khá đông bạn hàng, vì nghiệp bóng đá Đức lại đầu quân cho Đà Nẵng. V-League 2005 kết thúc, đội bóng của Đức nhận HCB và dù không còn ở phong độ đỉnh cao, Đức vẫn phải nhận lời thi đấu tiếp cho CLB của mình hai năm nữa.

Trần Minh Chiến - tiền đạo tài hoa nhưng ngắn ngủi

90Fg6Or1.jpgPhóng to
Với những cú xử lý bóng bằng đầu, bằng má ngoài, bằng xỉa bóng hay sút bóng, chân sút CATP Trần Minh Chiến được ví như tay săn bàn tài hoa khi xử lý bóng trong góc hẹp thật đẹp và thật hiệu quả. Và trong một tình huống hiếm hoi, anh đã buộc người hâm mộ bóng đá VN phải nhớ đến anh như một người hùng khi cú vôlê cực đẹp của anh đưa VN thắng Myanmar lọt vào chung kết tại SEA Games 18.

Giờ đây, khi nhắc lại tình huống ghi bàn, Chiến vẫn tinh nghịch thú nhận: “Khi bóng từ chân Hồng Sơn bay vồng cầu qua đầu Huỳnh Đức, tôi cảm nhận được rằng nó sẽ đến đúng chỗ tôi đứng. Như bản năng, vừa khống chế bóng tôi vừa nghiêng người “quất” vôlê và ghi bàn. Sau đó, tôi chạy như người điên trên sân với niềm hạnh phúc vô bờ. Nói thật lúc ấy cái đầu gối của tôi mà không bị chấn thương thì tôi sẽ không sút vôlê như vậy đâu mà sẽ giữ bóng lại để đột phá trước lúc dứt điểm, vì hoạt động trong phạm vi hẹp là “nghề” của tôi mà.

Tiếc thay hoa đẹp mau tàn. Chấn thương gối quá nặng của anh đã tước đi của bóng đá VN một tài năng thực thụ. Giã từ đời cầu thủ để chuyển sang nghiệp HLV, vận rủi vẫn chưa buông tha khi anh luôn trắng tay ở những giải đấu trẻ. Mãi đến mùa bóng 2005, tên và hình ảnh Trần Minh Chiến mới xuất hiện trở lại trên các trang báo thể thao khi anh góp một phần công sức đưa CLB bóng đá TP.HCM thăng hạng nhất quốc gia.

Trần Công Minh - hậu vệ tận tụy và quyết đoán

reUsa7Uz.jpgPhóng to
Có thể nói chưa ai quên hình ảnh của một hậu vệ biên lên công về thủ chắc chắn như Trần Công Mình. Khó ai không còn xót xa khi 10 năm trước nhìn thấy anh hứng trọn cú “song phi” của hậu vệ Indonesia, đổ gục xuống sân và được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Chiang Mai, nhưng trước đó vài giây anh vẫn kịp chuyền bóng vào giữa như dọn cô cho Nguyễn Hữu Đang ghi bàn.

Một bàn thắng đã đưa tuyển VN vào bán kết SEA Games 18. Rồi sau đó, tại Tiger Cup 1996, vừa lãnh nguyên một cú đá vào đùi phải của hậu vệ đối phương, anh vẫn cầm bóng và sau đó cú sút quyết đoán ngay góc hẹp đã góp phần cho bóng đá VN đoạt HCĐ.

Bình dị, mẫu mực và lăn xả một cách tận tụy là những điều mà đồng đội cũ của anh thường nhắc đến khi nói về Trần Công Minh. Còn với hàng tấn công, ai cũng nhắc đến những pha đi bóng dọc biên như cơn lốc, những cú treo bóng luôn đến đúng mục tiêu cần thiết.

Sau khi giã từ sân cỏ, Minh đã có ba năm đeo đuổi nghiệp làm thầy: năm 2003 bắt tay vào huấn luyện lứa U-18 Thành Long, một năm sau đó thầy trò cùng đoạt HCB giải vô địch U-18 quốc gia.

Khi đội Đồng Tháp lâm cảnh nguy khốn ở V-League 2005, Minh quay về làm HLV trưởng đội bóng quê nhà từng giúp anh thành danh. Hoài bão của Minh với Đồng Tháp quá lớn, nhưng đội bóng miền Tây này không đủ lực để trụ hạng. Một lần nữa, nước mắt lại lăn dài trên gương mặt cựu tuyển thủ quốc gia này.

Nguyễn Mạnh Cường - trung vệ thép

yPzaxxUD.jpgPhóng to
Chất thép chưa hẳn vì sự rắn chắc mà là những cuộc đối đầu bất tận trước những cuộc quyết đấu cân não dồn dập. Trưởng thành từ “lò” Thể Công, Mạnh Cường (15) là một trong những trung vệ có lối đá điềm tĩnh, quyết liệt nhưng rất hiếm những pha bóng thô bạo.

Nhưng nhắc đến anh các đồng đội cũ lại luôn nhớ đến việc Cường cùng cả đội tuyển VN chắp hai tay trước ngực chào khán giả (theo truyền thống của người Thái Lan) trên sân Chiang Mai. Chỉ một cử chỉ ấy thôi, đội tuyển VN đã chinh phục được khán giả Thái Lan và họ đã cổ vũ nhiệt tình cho VN suốt kỳ SEA Games ấy.

Sau khi giã từ bóng đá (1997) Mạnh Cường theo học Đại học TDTT và hiện anh là HLV trưởng CLB Thể Công.

Nguyễn Văn Cường - thủ môn kiên cường

Dqiata7g.jpgPhóng to
Người trân giữ khung thành của bóng đá VN tại SEA Games 18, để lại hình ảnh khó quên trong lòng người hâm một là anh luôn dùng tay xoa xoa bả vai trái sau mỗi lần bay người phá bóng. Anh bị dãn dây chằng bả vai. Thương anh biết bao! Vào đến trận chung kết SEA Games 18, đoàn quân của ông Weigang (HLV trưởng) thời ấy gần như ai cũng bị chấn thương.

Tuy nhiên Cường cho rằng ấn tượng đáng nhớ nhất của anh lại là lần bị BTC SEA Games buộc phải thử doping sau trận bán kết thắng Myanmar. Rất mệt nhưng Cường lại vui vì qua cuộc quyết đấu sống mái ấy ai cũng đều bất ngờ trước sức bật của bóng đá VN. Điều trớ trêu là dù rất “cố gắng”, Cường vẫn không thể có đủ nước tiểu để nộp cho bộ phận xét nghiệm vì sau mấy chục phút tung hoành, kiên cường bảo vệ khung thành, anh đã... hết nước.

Sinh ra tại Hải Phòng, nhưng Cường lại thành danh trong màu áo Bình Định. Sau tấm HCB SEA Games 18 rồi chiếc HCĐ Tiger Cup lần đầu tiên vào năm 1996, Cường chính thức giã từ đội tuyển quốc gia để dồn hết thời gian cho Bình Định với vai trò HLV phó chuyên trách thủ môn của CLB.

Huỳnh Quốc Cường - điệu nghệ ghi bàn

Chỉ hai năm khoác áo đội tuyển quốc gia, nhưng hình ảnh mà chân sút đến từ miền Tây Nam bộ này luôn đọng lại trong lòng người mộ điệu chính là quả đánh gót thật điệu nghệ ghi bàn thắng vào lưới Indonesia ở trận tranh HCĐ Tiger Cup 1996. Nhận được bóng từ quả chuyền ngược lên từ cuối sân của Hồng Sơn, bóng vừa đến chân Cường cũng là lúc hậu vệ và thủ môn Indonesia ập đến. Mặt nhìn ngược ra khán đài B nên góc sút không thuận lợi. Chỉ trong tích tắc, Cường làm ngỡ ngàng tất cả khi dùng chân trái đánh gót vào cầu môn trống.

Sau dấu ấn đó, Cường dần lu mờ bởi những lần chấn thương dai dẳng ở đầu gối rồi cổ chân. Anh chia tay với bóng đá, lập gia đình và chuyển sang kinh doanh. Tuy không còn sống với bóng đá đỉnh cao nhưng Cường vẫn xỏ giày ra sân mỗi chiều để được đá bóng cho vơi đi nỗi khát khao.

Vì bóng đá quê hương (Đồng Tháp), “lão tướng” Quốc Cường lại xỏ giày ra sân với hi vọng cùng đội nhà chiến đấu để trụ hạng. Nhưng lực bất tòng tâm, đội bóng của anh đã rớt hạng.

* Tin, bài liên quan:

Trao kỷ niệm chương cho 14 HLV và cầu thủ Chia tay “thế hệ vàng”: VTV3 và HTV2 truyền trực tiếpTrận đấu chia tay "Thế hệ vàng":27-8 phát hành véTrận cầu chia tay "Thế hệ vàng": Rất giá trị và giàu tình nghĩaNatipong: “Tôi hi vọng có thể chơi một hiệp đấu” “Tôi đang háo hức như trẻ con!”Sống và nhớ...Vì hôm qua, hôm nay và ngày mai...

HOÀI LÊ - SĨ HUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên