Phóng to |
Bà Dương Quý Chi xin chữ tại Hội quán Tuệ Thành. Ảnh: L.Điền |
“Bốn chữ này có ý nghĩa cầu mong điều may mắn tốt đẹp luôn đến với gia đình, tôi sẽ treo trang trọng trong nhà”, bà Dương Quý Chi - chủ nhân bức chữ - cho biết đã lặn lội từ đường Phan văn Khoẻ ở quận 6 để đến đây xin chữ.
Trong khi đó, các chiếu thư pháp Việt đã lục tục hình thành ở khu vực mặt tiền nhà văn hoá Thanh Niên, ở Cung văn hoá Lao Động thành “Phố ông đồ” rất xôm tụ. Nền tảng cho các phố lấy việc viết chữ, cho chữ, trao đổi mua bán chữ chính là những người yêu thư pháp - một tinh thần trọng chữ nghĩa đang được chú ý trở lại trong mấy năm gần đây.
Dập dìu người thuê viết
Một anh bạn ở TPHCM nói vui, nếu nhà thơ Vũ Đình Liên bất ngờ sống lại vào lúc này, anh sẽ dẫn ông đi vòng vòng các phố chữ ở Đề Ngạn (Chợ Lớn), ở Sài Gòn để thấy rằng cái niềm khắc khoải “người thuê viết nay đâu” của ông trong bài Ông Đồ bất hủ giờ đã có câu trả lời.
Quả vậy, vào những ngày giáp tết từ hai mươi, hăm mốt tháng Chạp, cứ làm một vòng đến các hội quán của người Hoa có dịch vụ cho chữ, dạo quanh các chiếu thư pháp ở đường Nguyễn Trãi, Hồng Bàng, Trang Tử ở quận 5, hoặc ghé lại miếu Thành hoàng Bổn Cảnh ở quận 10 xem các bô lão viết thư pháp ngày xuân xôm tụ, mới hay người Việt hôm nay đến với thú chơi chữ nhiệt tình thế nào.
Còn như ở phố ông đồ trước nhà văn hoá Thanh Niên, thì đây đúng là nơi tập hợp những “người thuê viết” đúng nghĩa. Bởi dịp này là “mùa dịch vụ” của câu lạc bộ Thư pháp NVH Thanh Niên, với khoảng 30 tay bút thành viên sẵn sàng cung ứng các dịch vụ về chơi chữ - thư pháp Việt.
Phóng to |
Bà Trương Tứ Muối xin được chữ Xuân từ thư pháp gia Trương Lộ - Ảnh: L.Điền |
Sau hơn bốn mùa hoạt động, lượng khách hàng đến với phố ông đồ NVH Thanh Niên mỗi lúc một tăng lên. Điều này cũng tương tự với phố ông đồ trước Cung văn hoa Lao Động ở đường Nguyễn Thị Minh Khai. Mặc dù khai mạc “phố” vào ngày 23 tháng Chạp - trễ hơn các nơi, nhưng số lượng gian hàng thư pháp tại Cung văn hoá năm nay lên đến 35 gian, nhiều hơn năm trước đến 15 gian.
Các ông đồ... chữ Việt ngày nay xuống phố viết liễn, đều cẩn thận “thủ” bên mình một tập các câu thơ, lời văn được trích tuyển công phu, để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Cách này bắt đầu từ tay bút Bùi Hiến, khi sưu tầm tất cả các câu thơ hay của từng nhà thơ như Bùi Giáng, Nguyễn Du… để sẵn dành viết khi có người đồng điệu.
Phóng to |
Nhà thư pháp Trần Bá đang cho chữ ở góc đường Nguyễn Án - Nguyễn Trãi -. Ảnh: L.Điền |
Bằng cách phục vụ chữ chuyên nghiệp như vậy, nên bên chiếu thư pháp, có bạn sinh viên ồ lên mừng rỡ khi được viết cho câu thơ: “Mẹ như một nhánh mạ gầy/ hoá thân làm bát cơm đầy nuôi con” để làm quà tết mang về quê tặng mẹ.
Phố ông đồ ở Sài Gòn còn có một lượng lớn khách hàng là những Việt kiều về quê ăn tết, họ cũng dừng chân trước những gian hàng giấy xuyến, bút lông, mực Tàu, và có người gật gù tâm đắc, mua ngay bức chữ “Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp/ quê nhà một thoáng nhớ mênh mang”.
Mùa tết năm nay, giá các bức thư pháp Việt dao động từ khoảng 50 nghìn đồng đến vài triệu, tuỳ theo chất liệu và kỹ thuật thể hiện.
Còn chơi, còn chữ
Cuối năm, trước giờ họp hội đồng hương người Hoa ở Trà Vinh, chúng tôi gặp nhà thư pháp Ô Dân Phát, ông mừng rỡ cho biết năm nay báo Thanh Tra xin ông chữ Đức để tặng bạn đọc, “in nguyên một trang chữ Đức tôi viết kèm với hai câu "đức tài kiêm bị/ nhân nghĩa liêm minh", ngụ ý muốn gửi gắm đến bạn đọc của báo ngành thanh tra rằng đức, tài, nhân, nghĩa, liêm, minh là những giá trị mà ngành thanh tra chủ ý xây dựng”.
Phóng to |
Bên cạnh các dịch vụ viết chữ có tính phí, nhà thư pháp Ô Dân Phát bấy lâu nay theo đuổi một tâm niệm: chỉ viết tặng, không bán chữ.
Tất nhiên, ông rất kiệm chữ khi tặng người. “Người không quen, tôi không tặng chữ, nếu ai muốn chữ gì kêu tôi viết thì tôi sẵn sàng, còn khi tặng chữ, là cả một tâm tình, một sự gửi gắm. Với những người đang công tác, tặng chữ có khi còn là một lời khuyên nhủ, một niềm kỳ vọng, hoặc là một lời tiên đoán…”, ông Phát nói về các ý nghĩa trong việc cho và tặng chữ.
Phóng to |
Bàn viết liễn của ông Xuân Hùng trên vỉa hè đường Hải Thượng Lãn Ông - Ảnh: L.Điền |
Hay như để gửi gắm tấm lòng với lớp trẻ sau, nhà thư pháp Quan Tồn Chí viết hai câu đối: “Chí viễn khả hành thiên lý lộ/ cần phấn năng độc vạn quyển thư” (Chí cao xa có thể đi đường ngàn dặm/ cần cù phấn đấu thì đọc được sách vạn quyển).
Những ông đồ như thế vẫn đang rất tâm đắc với nghệ thuật thư pháp và đang âm thầm gửi gắm vào thế hệ mai sau những giá trị của tiền nhân. Và đâu đó trên đường phố Sài Gòn, vẫn còn nhiều người tha thiết với chữ, như sáng nay gặp bà Trương Tứ Muối - giám đốc Trung tâm phát triển kinh tế Chợ Lớn - tất tả đi tìm xin cho được bức chữ Xuân, Phước, Vạn sự như ý để treo ở cơ quan.
Vâng, bóng dáng những ông đồ xưa sẽ sống mãi trong những nếp nhà như vậy.
Người Việt từ xưa có truyền thống thờ chữ, rước chữ, chơi chữ, xin chữ. Theo đó, thờ chữ và rước chữ là đối với những chữ của vua, được viết trong các sắc phong. Còn dân gian thì chơi chữ và xin chữ nơi các ông đồ vào những dịp lễ tết trong cộng đồng. Khi đó, ông đồ như một lãnh tụ tinh thần của cộng đồng làng xã, ông vừa dạy chữ thánh hiền vừa truyền trao nghệ thuật thư pháp – một hình thức văn hoá xem trọng chữ nghĩa của thánh hiền. Trong một thời gian dài chữ của Thánh hiền bị quên lãng kể từ lúc bỏ nền khoa cử Hán học, thư pháp không còn được chú ý. Nhưng dăm bảy năm trở lại đây, cứ vào độ 20-22 tháng Chạp, tại Văn miếu Quốc tử giám ở Hà Nội đều có chiếu thư pháp viết phục vụ người dân. Tại đây có những cụ đồ - nhà nghiên cứu như ông Cung Khắc Lược, và các sinh viên Hán Nôm yêu thích thư pháp. Nhiều người xin chữ để biếu cấp trên, biếu thầy học, để treo ở nhà nhằm bày tỏ mong ước của mình… đó cũng là điều nên khuyến khích. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận