08/12/2019 22:00 GMT+7

Thầy giáo 14 năm dạy nghề cho học trò bằng ánh mắt, cử chỉ

NGUYỄN TRỌNG
NGUYỄN TRỌNG

TTO - Học trò của thầy Đông đa phần bị câm điếc, thiểu năng trí tuệ, bệnh Down, tự kỷ… Để dạy các em, thầy chủ yếu trao đổi qua ánh mắt, cử chỉ...

Thầy giáo 14 năm dạy nghề cho học trò bằng ánh mắt, cử chỉ - Ảnh 1.

Thầy Đông luôn vui vẻ chỉ dạy các em học viên khuyết tật - Ảnh: N.TRỌNG

Trong lớp học điêu khắc mộc mỹ nghệ, thầy giáo Nguyễn Công Đông (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn miệt mài gieo niềm hi vọng cho những học sinh khuyết tật suốt 14 năm qua bất chấp con đường dài hơn 20km đến lớp và đôi chân không lành lặn của mình.

Năm Đông 2 tuổi, sau trận sốt kéo dài, anh bị biến chứng teo cơ liệt nửa người. Từ nhỏ, Đông rất thích vẽ, điêu khắc và mê nghệ thuật. Đam mê là vậy nhưng nhiều lúc bạn bè nhắc đến đôi chân tật nguyền của mình, Đông tủi thân và gần như suy sụp tinh thần.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Đông vào Sài Gòn làm nghề lắp ráp điện tử. Nhưng cuộc sống xa quê quá đỗi khó khăn nên một năm sau Đông phải quay trở lại quê hương. Về Huế, anh xin học nghề tại Trung tâm Dạy nghề và đào tạo việc làm cho người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Ba năm sau, Đông tốt nghiệp nghề điêu khắc mộc mỹ nghệ loại giỏi, anh tham gia học thêm nghiệp vụ sư phạm và bắt đầu hành trình gieo ước mơ cho những thanh niên có hoàn cảnh tương tự mình…

Lớp học điêu khắc mộc nằm trong Trung tâm Dạy nghề và đào tạo việc làm cho người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên Huế. Có 19 học sinh đang theo học ở đây. Các em chủ yếu mắc các bệnh như câm điếc, thiểu năng trí tuệ, bệnh Down, tự kỷ… Việc dạy điêu khắc cho học sinh bình thường đã khó, còn với những học sinh "đặc biệt" như thế này là một thách thức rất lớn đối với người dạy.

"Ở đây thầy và trò trao đổi với nhau qua ánh mắt và cử chỉ là chủ yếu. Có lẽ vì cùng đam mê, chí hướng nên thầy và trò như bắt sóng được với nhau, nhiều em học tiến bộ rất nhanh nhưng cũng có nhiều em khó tiếp thu, nói đâu là quên đó" - thầy Đông chia sẻ.

Thầy Đông luôn tỉ mỉ hướng dẫn, chỉnh sửa từng họa tiết trên các thớ gỗ cho học sinh. Từ những khúc gỗ còn nguyên khối, thầy chỉ dẫn các em sử dụng đôi bàn tay khéo léo để biến thành những bức tranh gỗ mai lan cúc trúc, long lân quy phụng hay tạc tượng Phật Di Lặc, Đạt Ma. 

Nhờ việc chỉ dạy tận tình, những đôi bàn tay cứng cỏi đã trở nên dẻo dai và thành thạo. Dù bệnh tật nhưng nhiều học sinh ở đây vẫn chăm chỉ, cần cù học tập, thầy Đông luôn coi đó như là nguồn động viên lớn để anh cảm thấy mọi sự cố gắng của mình gặt hái được những hoa trái tốt tươi.

Ông Trần Văn Thành, giám đốc Trung tâm Dạy nghề và đào tạo việc làm cho người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết Đông là người chịu thương chịu khó, luôn sống hết mình cho các học viên ở trung tâm, bản thân anh là người khuyết tật nên có sự đồng cảm sâu sắc với những hoàn cảnh trong lớp học.

Nhiều năm miệt mài với công việc này, thầy Đông ước mong khi các em rời xa lớp học của mình thì có thể tự kiếm sống bằng chính cái nghề mà các em học được. 

"Nhiều lúc nhận được điện thoại của các em thông báo là đã có việc làm hay mở được xưởng mộc gì đó là mình rưng rưng nước mắt" - thầy Đông kể.

Khuyết tật không là gánh nặng Khuyết tật không là gánh nặng

TTO - Năm 14 tuổi, khi đang là một cô bé sôi nổi, yêu thích vận động, Lauren "Lolo" Spencer (người Mỹ) bất ngờ đối mặt với biến cố bước ngoặt là chứng bệnh xơ cứng teo cơ một bên (bệnh ALS, hay còn gọi là bệnh Lou Gehrig).

NGUYỄN TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên