TT - Cứ mỗi lần bóng đá VN xảy ra chuyện lớn, điều đầu tiên mà chúng ta hay nghĩ tới, nói tới và “làm tới” là xử lý nhân sự. Điều này có thể đúng, nhưng không đủ...
Để bóng đá Việt Nam phát triển, theo bạn: STRONG> Thay đổi nhân sự VFF Thuê chuyên gia nước ngoài điều hành các giải đấu Thành lập ban giám sát độc lập gồm những người ngoài VFF Tổ chức Super League Việt Nam theo đề xuất của bầu Kiên Ý kiến khác |
Bạn hãy nhớ lại xem, những ông Thọ, ông Hà, ông Hạng, ông Ly, ông Viễn... và bây giờ là ông Tuấn, ông Mùi, ông Khôi... đều lần lượt trở thành “tội đồ” và “nạn nhân”, trong khi họ thật sự là những người được lựa chọn vào những cương vị đầy trọng trách một cách hợp lệ và xứng đáng. Lẽ đương nhiên, mỗi người đều có phần lỗi lầm của mình, nhưng vấn đề chính trong nguyên nhân rất có thể là cấu trúc.
Và nếu nghĩ xa hơn một chút: trong tất cả những người chưa bị nêu lên, chưa bị xử lý, phải chăng không còn những người đáng ra phải chịu trách nhiệm lớn hơn, nặng hơn? Họ đang ẩn nấp an toàn trong cái vỏ của một cấu trúc nào đó.
1. Thiếu tòa án thể thao
VFF vừa kỷ luật hai trọng tài. Rất nhanh chóng và rất nặng. Nhìn vào bản án cấm hành nghề vĩnh viễn thì hiểu rằng hai trọng tài này đã cố tình bắt sai hai trận đấu. Đó là xử lý về mặt nhân sự. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đấy thì chẳng giải quyết được vấn đề gì. Hơn nữa, có thể không công bằng. Trong bóng đá, nếu đội bóng thua thì xử lý HLV, nếu trận đấu hỏng thì tội là ở trọng tài. Có thể thế là cần nhưng nếu chỉ thế thì đơn giản quá. Chúng ta nói cái yếu kém nhất trong bóng đá VN là trọng tài. Chưa chắc. Nên thông cảm với những người cầm còi, họ không tệ hơn những lực lượng khác nhưng họ dễ bị tấn công nhất. Vì sao chưa có trọng tài chuyên nghiệp ư? Vì nếu chọn nghề này thì mất nghề quá dễ. Mà mất nghề thì đói.
Vậy vấn đề nằm ở đâu? Chính là ở cấu trúc, cấu trúc xét xử, cái cơ chế để sinh ra một bản án. Cho đến nay việc xét kỷ luật của chúng ta vẫn được thực hiện theo kiểu “bình bầu khen thưởng kỷ luật” hằng năm ở các cơ quan. Đọc báo cáo của giám sát, xem lại băng ghi hình (mà báo cáo thì né tránh, băng ghi hình chưa đạt chuẩn) và sau đó ra quyết định. Người phạm lỗi không được trình bày, không có đối chất, không có điều tra, không có bảo vệ... Nét cơ bản nhất: không hề có đối thoại. Vì thế, án có tuyên nhưng người không phục. Không có tác dụng giáo dục, chẳng có ý nghĩa răn đe. Cuối cùng thì người ta coi thường.
Thế giới thì khác. Chúng ta đều biết có CAS, tòa án thể thao quốc tế cao nhất và nhiều LĐBĐ các nước có tòa án thể thao. World Cup 2010 ở Nam Phi còn có cả những phiên tòa cơ động. Vì chỉ xét xử theo cấu trúc tòa án mới công bằng và có tác dụng. Trong đó có điều tra, có thu thập chứng cứ, có luận tội - quyền công tố, có bảo vệ - quyền luật sư, và “bị cáo” cũng được quyền nói lên ý kiến hay tự bảo vệ mình, từ đó tranh luận để tìm ra chân lý.
Như thế vẫn còn có vẻ hơi chung chung. Cụ thể vụ hai trọng tài vừa bị “treo còi vĩnh viễn” thì sao? Nếu nói rằng hai ông cố tình “bẻ cong tiếng còi” thì đã đủ để xét xử hay chưa? Chúng ta biết một trong những cơ sở để luận tội là động cơ! Vì sao hai ông thổi như vậy, vì tiền chăng (có vẻ ai cũng nghĩ thế)? Vậy hai ông đã nhận tiền chưa? Ai đưa tiền? Đưa ở đâu? Số tiền ấy bây giờ nằm ở đâu (tang chứng, vật chứng)?
Cũng có khả năng khác: bị ép thổi còi sai vì ai đó muốn cứu đội V.Hải Phòng (cũng có người nghĩ vậy). Vậy thì ai ép? Ép như thế nào? Nếu có cấu trúc xét xử đúng thì phải có lời khai cụ thể, nhân chứng phải ra tòa, và chúng ta sẽ đi đến tận cùng vụ việc chứ không chỉ hài lòng với chiến thuật “thí tốt”. Và khi đó tác dụng sẽ hoàn toàn khác. Cần nhấn mạnh: chúng ta không hình sự hóa vấn đề, mà đây cũng không phải là tòa án hành chính, chúng ta học cách làm của các tòa án thể thao.
2. Để có một giải đấu sạch
Thứ hai là câu chuyện về ban tổ chức giải. Bạn đã bao giờ nghe về “ban tổ chức giải” của Premier League (Anh), của La Liga (Tây Ban Nha), của Calcio (Ý) hay Bundesliga (Đức) chưa?
Theo dõi bóng đá Đức hơn 40 năm nay, thú thật tôi chưa bao giờ nghe nói đến những “cuộc họp tổng kết của ban tổ chức giải” và của LĐBĐ sau mỗi mùa bóng. Vì sao? Ở Đức có DFB - LĐBĐ Đức và DFL - Hiệp hội Giải bóng đá Đức (tạm dịch cụm từ Deutsche Fussball - Liga), đôi khi gọi tắt là Liên đoàn Các giải quốc gia (Ligaverband). Không phải DFB, chính DFL mới là người chịu trách nhiệm tổ chức giải quốc gia.
DFL là tổ chức tập hợp tất cả các CLB nhà nghề Đức và đại diện cho quyền lợi của những CLB này trong hoạt động của DFB. DFL có một cấu trúc mang pháp lý công ty con 100% là DFL GmbH (công ty trách nhiệm hữu hạn).
Công ty này thành lập ngày 18-12-2000. Từ năm 2001, DFL là thành viên chính thức của DFB và kể từ đó các CLB chuyên nghiệp không còn là thành viên trực tiếp của DFB nữa khi sự hiện diện của họ được đảm bảo bởi DFL. DFL thực hiện mọi nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến các giải đấu ở Đức: tổ chức thi đấu, tổ chức tài trợ, bán và chia sẻ lợi ích bản quyền truyền hình, giải quyết những vấn đề về quảng cáo... Đức không có ban tổ chức giải vì họ có DFL. Các CLB không kêu ca gì về ban tổ chức giải vì DFL chính là họ.
Quan hệ giữa DFB và DFL được hiểu thế nào? DFL là thành viên của DFB nhưng có tư cách pháp nhân độc lập. DFL lo giải của các CLB còn DFB chịu trách nhiệm về đội tuyển quốc gia. DFB còn chăm lo bóng đá phong trào, bóng đá trẻ, bóng đá nữ... Riêng về thu nhập từ giải vô địch quốc gia, DFL chia sẻ cho DFB theo một tỉ lệ thỏa thuận, để giải quyết những nhiệm vụ có ý nghĩa tương lai và xã hội của liên đoàn.
Trong bóng đá chuyên nghiệp, CLB là tổ chức quan trọng nhất, quyết định gần như tất cả. Giải là giải của các CLB, tiền là tiền của các CLB, cầu thủ là cầu thủ của các CLB. Còn trong thực tế những nhân vật thuộc CLB có khi còn nổi tiếng hơn cả những nhân vật của liên đoàn quốc gia. Mặc dù là tổ chức thành viên nhưng lãnh đạo CLB chẳng phải là cấp dưới của các quan chức liên đoàn. Trong kinh doanh, mỗi doanh nghiệp thường phải độc lập. Được tôn trọng và có đủ quyền lực như vậy rồi, các CLB phải nghiêm chỉnh thực hiện các nghĩa vụ của mình.
Đó là nghĩa vụ đối với đội tuyển quốc gia, với tuyển trẻ, và thông qua đó thực hiện nghĩa vụ với toàn xã hội. Trên hết, đó là nghĩa vụ xây dựng một CLB trong sạch, ngày càng có chất lượng cao hơn. Như thực hiện sự trong sạch và công bằng về tài chính. Như nghiêm túc trong lựa chọn và huấn luyện, giáo dục cầu thủ. Như thể hiện trách nhiệm sâu sắc trước các CĐV và cả xã hội. Như cùng nhau xác định chiến lược chung chống sự lũng đoạn của những kẻ môi giới cầu thủ không chân chính...
Chúng ta thấy nhiều vấn đề như lương, giá cầu thủ tăng trái quy luật, nhập tịch cầu thủ không theo đúng nguyên tắc, kể cả những chuyện kiếm tìm thắng lợi bằng những con đường không chân chính, giáo dục cầu thủ không chặt chẽ, không đến nơi đến chốn... đều phải giải quyết ở các CLB. Do đó, hãy giúp các CLB hình thành một tổ chức trong VFF, trao cho họ quyền điều hành giải, trao cho họ trách nhiệm xây dựng một đội bóng sạch, có chất lượng bằng đồng tiền của mình.
Khi đó, chắc là sẽ có giải sạch.
VŨ CÔNG LẬP
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận