![]() |
SV tình nguyện Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội trong một lớp học tình nguyện ở Mường Bú - Ảnh: K.Xuân |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Đoàn SV tình nguyện 25 bạn đến từ ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội có mặt tại xã Mường Bú, huyện Mường La, Sơn La từ giữa tháng 7-2007. Đây là lần đầu tiên Mường Bú đón một đoàn SV tình nguyện.
Hành trình của con chữ trên bản
Đêm đầu tiên, các chiến sĩ tình nguyện được anh Điêu Việt Minh - bí thư đoàn xã, đưa đến trường tiểu học mới được xây tại bản Phiêng Bủng - một bản tái định cư để ở. Trường chưa hoàn chỉnh nên còn thiếu thốn. Các thành viên trong đội và trai bản đi lấy củi về nấu, kéo điện và tự đào một cái hố làm... nhà vệ sinh; nước thì mỗi ngày đội đi tắm nhờ những hộ dân quanh nơi ở.
Thức dậy từ tinh mơ, các chiến sĩ áo xanh đi bộ hàng chục kilômet đường núi để đến với các bản làng, diễn xuất tuyên truyền vệ sinh và Luật hôn nhân gia đình. Có hôm trời mưa đi bản Giàn, bản Sang, Phiêng Bủng 1, đi về mấy chục kilômet đường bộ qua núi, suối.
“Phiêng Bủng là bản tái định cư nên đời sống và nhận thức của đồng bào chưa cao” - anh Minh, bí thư đoàn xã Mường Bú, chia sẻ.
Từ Phiêng Bủng, hằng ngày đội chia nhau đi dạy ở hai nơi: tại trung tâm văn hóa xã bản Mường Bú và tại trường tiểu học nơi các chiến sĩ tình nguyện ở. Mỗi phòng học đa năng ở đây có khoảng 40 học sinh, được chia làm đến bốn lớp nhỏ: một lớp học tiếng Anh, lớp học toán, lớp học múa hát và lớp xóa mù chữ cho các cô, các bác.
Lớp học đủ già trẻ, em bé, thanh niên... Nhiều cô khi đi học bế theo con nhỏ, vừa đánh vần vừa cho con bú. Cũng có bác dắt theo cả trâu bò buộc quanh lớp học để tranh thủ học bài.
Xã Mường Bú thuộc địa phận huyện Mường La - giáp thủy điện Sơn La (đóng trên địa bàn xã Tạ Bú) với trên 10.000 dân thuộc sáu dân tộc: Kinh, Thái, Mông, La Ha, Mường, Xá. Cách thị xã Sơn La 22km và cách trung tâm thị trấn Mường La 20km, cả xã có 29 bản và ba tiểu khu. Mường Bú có ba bản thuộc diện tái định cư của thủy điện Sơn La là: bản Huổi, bản Sang và Phiêng Bủng. Địa bàn rộng, phức tạp, tình trạng mù chữ chiếm tỉ lệ cao. |
Từ ngày đội thanh niên tình nguyện về, Mường Bú vui hẳn lên. Thanh niên xã ngoài việc lên rẫy còn tranh thủ kiếm cho đội tình nguyện bó củi khô.
“Có hôm trời mưa lũ, suối nước dâng đầy và cầu treo không qua được, không đi chợ được, đồng bào quanh đây lại mang rau quả sang cho đội. Ai cũng quí mến đội tình nguyện và cứ lo ngày chia tay với đội” - Thu Huyền, đội trưởng xúc động, cho biết.
Mùa mưa Tây Bắc, con đường giữa hai nơi dạy học của các chiến sĩ tình nguyện chỉ khoảng 3km nhưng toàn bùn lầy và trơn trượt. Đi phải xắn quần đến gối, vậy nhưng chưa có buổi nào đội tình nguyện nghỉ dạy.
“Cảm ân các thay cô giáo bào học xinh tập biết” (cảm ơn các thầy cô giáo bảo học sinh tập viết) - câu đầu tiên cô Pạn viết được làm cả lớp học vừa buồn cười vừa xúc động. Các em bé khi tan học không muốn về, chỉ sợ mai các thầy cô giáo sẽ không còn ở lại nữa.
“Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, đến đây mình mới thấu hiểu khó khăn của đồng bào. Môi trường này chắc chắn đã thành nơi SV rèn luyện đạo đức, lối sống, góp công sức cho cộng đồng. Hạnh phúc nhất là cố gắng: truyền được cảm hứng, truyền được ước mơ và khát vọng đến các em bé nơi đây” - Trần Hoàng Anh, đội phó đội tình nguyện, chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận