Bệnh diễn tiến thầm lặng nên người bệnh thường chủ quan, khi phát hiện thường ở giai đoạn trễ, hoặc khi bệnh đã có nhiều biến chứng.
Nguyên nhân chính của bệnh viêm quanh răng là do tình trạng vệ sinh răng miệng kém, tạo điều kiện cho các mảng thức ăn bám dọc theo cổ răng, khe răng. Vi khuẩn tích tụ trong các mảng bám này sẽ gây viêm nướu răng. Theo thời gian, mảng bám răng bị vôi hóa, thành vôi răng (cao răng). Khi ấy, nướu sẽ bị viêm nặng hơn, bệnh chuyển sang giai đoạn viêm viêm quanh răng. Bệnh sẽ tiến triển rất nhanh, nếu người bệnh bị suy nhược cơ thể.
Khi bị bệnh viêm nha chu thường có các biểu hiện: chảy máu nướu khi chải răng; nướu sưng đỏ, dễ chảy máu; vôi răng đóng ở cổ răng; hơi thở có mùi hôi; ấn vào nướu răng bị đau, thấy mủ vàng chảy ra; có cảm giác không bình thường khi nhai; răng lung lay.
Bệnh tiến triển rất thầm lặng nên người bệnh thường ít chú ý. Đôi khi các nướu bị sưng to rồi tự xẹp xuống làm người bệnh lầm tưởng là bệnh tự lành. Cứ thế, nếu bệnh nhân không điều trị kịp thời thì lớp mô nâng đỡ răng, dây chằng sẽ bị phá hủy và làm tiêu xương ổ răng, răng bị lung lay và cuối cùng sẽ bị rụng răng, dù răng còn nguyên vẹn, không bị sâu.
Bệnh viêm quanh răng, nếu được phát hiện sớm, điều trị sẽ dễ dàng. Ngược lại, khi bệnh tiến triển nặng, việc điều trị sẽ khó khăn, phức tạp, tốn kém nhiều, kết quả ít khả quan.
Khi có biểu hiện nướu răng sưng đỏ dễ chảy máu, có thể sử dụng một số bài thuốc đơn giản theo kinh nghiệm sau đây:
- Súc miệng bằng rượu cây Lược vàng: Chọn cây Lược vàng (Lan vòi) đã trồng hơn một năm, lấy từ 2-3 cây cả vòi rễ, thân và lá rửa sạch, thái lát nhỏ, phơi khô từ 2 -3 ngày. Cho toàn bộ vào bình thủy tinh có màu tối, ấn chặt cây thuốc xuống rồi đổ rượu trắng vào bình vừa ngập phần thuốc. Đậy kín lọ, ngâm khoảng vài ngày trở lên thì dùng được, càng ngâm lâu, càng tốt. Khi cần dùng lấy một ít rượu cây Lược vàng, ngậm trong miệng 3 đến 4 phút. Sau đó súc miệng đều cho rượu vào các kẽ răng rồi nhổ đi. Mỗi ngày làm hai lần vào buổi sáng và buổi tối.
- Dùng bài thuốc bôi tại chỗ: Thanh đại 0,39g; Ngũ bội tử 0,1g; Bạch phàn 0,1g; Mai hoa băng phiến vừa đủ 0,6g. Mỗi lần dùng 0,05g - 0,1g. Súc miệng sạch, dùng tăm bông chấm thuốc, bôi đều lên chỗ đau, giữ thuốc tại chỗ đau càng lâu càng tốt. Nên bôi thuốc sau bữa ăn và trước khi đi ngủ.
Nếu có biểu hiện chân răng đỏ sưng đau, ấn mạnh có thể ra mủ; nếu đau nặng có thể gây sốt, ăn kém, táo bón, có hạch ở dưới hàm. Nên dùng thêm một trong những bài thuốc sau đây:
- Bài 1: Ngưu bàng 12g, Bạc hà 6g, Hạ khô thảo 12g, Xích thược 8g, Sơn chi 12g, Kim ngân hoa 20g, Liên kiều 20g, Tạo giác thích 20g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Bài 2: Ngưu bàng tử 12g, Bạc hà 8g, Hạ khô thảo 16g, Kim ngân hoa 16g, Bồ công anh 20g, Tạo giác thích 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Bài 3: Sinh địa 32g, Hoàng liên 3g, Chi tử 8g, Thạch cao 20g, Tri mẫu 6g, Hoàng cầm 6g, Thục địa 32g, Huyền sâm 32g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài thuốc chữa đau răng - hôi miệng khi bị viêm nha chu
- Hương nhu tía (É tía): dùng tươi 20g, đem sắc lấy nước ngậm trong miệng rồi nuốt từ từ hoặc sắc lấy nước uống thay trà. Có thể thay thế cây này bằng cây Hoắc hương, Bạc hà. Những cây này có chứa nhiều tinh dầu, giúp sát trùng vùng răng miệng, làm giảm chứng hôi miệng rất hiệu quả.
- Mỗi tối lúc đi ngủ, lấy cùi của trái vải khô (Lệ chi nhục) 1-2 trái, ngậm trong miệng, cho đến sáng nhổ đi, ngậm liên tục từ 15-20 ngày, cũng có thể mang lại hiệu nghiệm cho một số trường hợp.
- Trái Dò ho (Thảo quả) dùng quả chín già phơi khô, đem giã dập, ngậm trong miệng rồi nuốt dần dần. Một số trường hợp cho kết quả tốt.
- Dùng rễ phơi khô của cây Tế tân 3-5g, ngậm từng ít một trong miệng, kết quả tốt đối với những trường hợp hôi miệng do sâu răng.
- Dùng hai vị thuốc Đại hoàng và Băng phiến, số lượng bằng nhau, lấy Đại hoàng sao cháy thành tro, mỗi lần lấy một ít, cho thêm chút Băng phiến, đem xát vào chỗ lợi răng bị đau, đợi một lúc sau, súc miệng lại, mỗi ngày làm từ 3-6 lần, làm liên tục trong vài ngày. Áp dụng trong các trường hợp răng bị sưng đau gây ra hôi miệng.
Nếu bị viêm quanh răng kèm theo trong miệng có những vết lở loét gây đau rát, có thể áp dụng một số bài thuốc nam:
- Lấy khoảng một nắm nhỏ lá cây Cỏ mực (Nhọ nồi) giã vắt lấy nước độ khoảng 100ml, rồi cho thêm vào ít mật ong, đem bôi lên chỗ nướu răng sưng đau hoặc chỗ lở loét trong miệng cũng rất tốt và mau khỏi.
- Củ cải tươi và ngó sen tươi, mỗi thứ lấy khoảng 500g, hai thứ rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, ngậm và uống dần trong ngày, nên làm liên tục vài ngày thì bệnh giảm (Nam dược thần hiệu).
- Lá Dạ cẩm (cây loét mồm): hái một nắm lá non, rửa sạch để cho ráo nước, lấy từng nhúm nhai nát, ngậm một lúc, nuốt nước từ từ rồi nhổ bã đi, ngày ngậm 3-4 lần. Hoặc giã nát lá, vắt lấy nước cốt ngậm, uống dần dần, cũng có tác dụng chữa viêm loét miệng lưỡi và đau họng.
- Kê nội kim (màng trong mề gà), đem sao tồn tính, nghiền mịn, bôi vào chỗ nướu răng sưng đau, lở loét trong miệng, ngày bôi 2-3 lần, bôi liên tục vài ngày.
- Hoàng bá sao vàng, tán bột, trộn với mật ong bôi vào chỗ lở loét ở miệng lưỡi, chỗ lợi răng sưng đau hoặc dùng Hoàng liên ngâm với ít rượu, ngậm nuốt dần dần.
Ngoài việc điều trị như trên thì việc vệ sinh răng miệng sạch sẽ là bước cơ bản quyết định sự thành công trong việc ngăn ngừa bệnh viêm quanh răng. Khi bị sưng nướu, bệnh nhân càng phải chú ý giữ vệ sinh răng miệng kỹ hơn để làm sạch các mảng bám thức ăn trên răng. Nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa nha khi đã thực hiện việc chăm sóc răng tại nhà mà không kết quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận