11/03/2004 11:28 GMT+7

Thanh Thảo: Thơ chính là số phận

Theo ND
Theo ND

"Muôn đời, thơ vẫn là chuyện rút gan rút ruột mình mà thôi. Thơ phải chính là số phận của người làm thơ" - nhà thơ Thanh Thảo tâm sự.

ov463INd.jpgPhóng to
Nhà thơ Thanh Thảo
"Muôn đời, thơ vẫn là chuyện rút gan rút ruột mình mà thôi. Thơ phải chính là số phận của người làm thơ" - nhà thơ Thanh Thảo tâm sự.

* Có ý kiến cho rằng, không nên phân biệt thơ già, thơ trẻ, chỉ có thơ hay và thơ dở mà thôi. Liệu có nên xem đây là một quan niệm đem lại công bằng trong đánh giá về người làm thơ trẻ hôm nay hay không, thưa anh ?

- Nhà thơ Thanh Thảo: Đúng là cuối cùng, chỉ có thơ hay và thơ dở. Nhưng thế nào là thơ hay và thơ dở. Thoạt nhìn có vẻ dễ phân biệt, nhưng đi sâu vào lại không đơn giản. Và sẽ đến cái điểm, khi đứng trước một bài thơ, người này cho là hay, người kia chê là dở, thì lúc đó người ta lại phải phân biệt thơ già và thơ trẻ. Và "già" đây chưa hẳn là "già tuổi", "trẻ" kia cũng chưa hẳn đã là "trẻ người".

Sẽ có những quan niệm khác nhau về thơ, trong đó già - trẻ cũng là sự phân biệt quan trọng. Nhưng cuối cùng thì, vẫn sẽ chỉ có thơ hay và thơ dở, có điều, sự phân định phải qua thời gian, không thể sốt ruột.

* Quan niệm thơ của anh là gì ?

- Nhà thơ Thanh Thảo: Với tôi, thơ phải hiện đại, bởi chúng ta đang sống thời hiện đại, nhưng muôn đời, thơ vẫn là chuyện rút gan rút ruột mình ra mà thôi. Thơ phải chính là số phận của người làm thơ.

* Thơ của chúng ta từ đầu thế kỷ trước đã bắt đầu có sự du nhập, cách tân mạnh mẽ. Cho đến bây giờ, vẫn có nhiều người "nhập khẩu thơ", làm thơ theo phong cách "tây" và bị chê là lai căng, là mất bản sắc... Theo anh đây có phải là một khuôn mặt của thơ hiện đại ?

- Nhà thơ Thanh Thảo: Thơ không chỉ có sự "du nhập" từ đầu thế kỷ trước, mà có ảnh hưởng qua lại với thơ Trung Quốc từ hàng nghìn năm nay. Nhưng ảnh hưởng cũng chỉ là ảnh hưởng, còn hồn cốt thơ Việt thì vẫn lặng lẽ chìm dưới tất cả những hình thức, dù cổ điển hay cách tân. Cái quyết định cuối cùng vẫn là hồn cốt Việt, là dấu ấn cá nhân, là chính tài năng và số phận của từng nhà thơ hiện rõ trong thơ họ.

Với thơ hiện đại, tính hiện đại không chỉ đến từ những kỹ thuật phương Tây, mà còn đến từ sự phối hợp tự nhiên và bất ngờ của thơ phương Tây với khả năng dồn nén, tích chứa, u mặc, phẳng lặng mà sâu thẳm của thơ phương Đông, của tâm hồn thơ Việt. Và cái chính, là phải qua ngôn ngữ riêng biệt của từng nhà thơ.

* Đã xuất hiện cụm từ "sản xuất... thơ", "công nghệ làm... thơ", "rô-bốt - nhà thơ"... Tuy nhiên không ít người đọc thơ và làm thơ vẫn tin rằng thơ cũng như tình yêu, chỉ thuộc về tâm hồn con người, những cỗ máy dù siêu việt đến mấy cũng chỉ có thể chơi trò "xếp chữ". Nhà thơ, đi đến tận cùng cảm xúc trên đôi cánh của ngôn từ, để sáng tạo ra thơ. Không có cảm xúc nửa vời, ngôn từ nửa gánh mà có tác phẩm thơ hoàn chỉnh. Anh nghĩ sao về nhận xét đó ?

- Nhà thơ Thanh Thảo: Giống như tình yêu và sự sinh nở, thơ không thể nửa vời. Nửa vời là chết. Nhưng để có được sự "hết cỡ" của cảm xúc, điều không dễ và không định trước, vì thế không thể sản xuất hàng loạt, không thể viết theo đơn đặt hàng. Những "đơn đặt hàng" nếu có và nếu có tác dụng, cũng chỉ là cái cớ để nhà thơ tích chứa năng lượng và cảm xúc, để thơ có thể bật ra một lúc nào đó. Còn ngôn từ ? Đó là một phần thiên bẩm, một phần lớn do nhà thơ tự tích chứa trong suốt đời mình. Không ai mới sinh đã có ngôn từ, nhưng quả thật, có những người đặc biệt nhạy cảm với ngôn từ. Và người ta gọi họ là nhà thơ.

* Vấn đề tuyển chọn, cập nhật thơ vào sách giáo khoa sử dụng trong nhà trường hiện nay đang có nhiều thiếu sót, nhiều vấn đề bàn luận chưa ngã ngũ. Với tư cách một nhà thơ và một Ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, ý kiến anh về vấn đề này ra sao ?

- Nhà thơ Thanh Thảo: Theo chỗ tôi biết, ở nhiều nước, người ta chỉ chọn các nhà thơ đã trở thành "giá trị kinh điển" vào sách giáo khoa, còn tác phẩm các nhà thơ mới, hiện đại thì được chọn vào các chương trình đọc thêm. Vì học sinh trung học cũng chỉ nên học những kiến thức đã được công nhận, đã rõ ràng. Mọi sự lựa chọn thơ tùy tiện để đưa vào sách giáo khoa đều có hại cho cảm thụ thẩm mỹ của học sinh.

* Thường người trẻ hay xây dựng cho mình thần tượng, tất nhiên chúng ta chỉ nói trong lĩnh vực văn học, còn anh hiện nay ?

- Nhà thơ Thanh Thảo: Tôi vẫn có những thần tượng của mình, ngay khi tôi không còn trẻ. Tôi sung sướng mỗi khi bắt được kênh giao cảm với họ. Họ tiếp lửa cho tôi. Họ kích thích tôi sáng tác. Và khi tôi đọc họ, tôi nghĩ họ cũng đang đọc tôi, đang "soi" tôi, ngay khi họ không còn trên cõi đời này. Những thần tượng luôn sống một cách tích cực trong tôi.

* Thanh Thảo sẽ là ai, nếu không làm thơ ? Anh nghĩ thế nào về thơ có vần hay thơ không vần ?

- Nhà thơ Thanh Thảo: Thì cũng vẫn là tôi thôi. Nhiều lúc tôi đâu có làm được thơ, nhưng vẫn sống bình thường. Có điều, như thế tự mình cũng thấy thiêu thiếu thế nào. Còn thơ có hoặc không có vần ? Tôi thỉnh thoảng vẫn làm thơ có vần, nhưng đã có vần thì phải đúng... vần, tôi không thích là thơ lục bát mà... trật vần. Có điều, nếu cứ làm thơ có vần mãi thì với tôi, quả là sự mỏi mệt.

* Nhìn lại đời thơ của bản thân, anh thấy thơ đã "chọn" anh hay anh đã "chọn" thơ ?

- Nhà thơ Thanh Thảo: Tôi viết báo và làm được gì suốt 30 năm qua, chính là nhờ... thơ. Tôi mang ơn thơ suốt đời. Đừng bao giờ nghĩ người ta chỉ có thể chết vì thơ. Người ta cũng có thể sống lại nhờ thơ đấy. Xét riêng, thơ chẳng là gì nhưng cũng có thể là tất cả.

Theo ND
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên