11/06/2007 11:56 GMT+7

Thanh kiếm của Napoléon đạt giá kỷ lục

TRẦN LƯƠNG CÔNG KHANH (Theo AFP)
TRẦN LƯƠNG CÔNG KHANH (Theo AFP)

TTO - Thanh kiếm mà Napoléon (khi ấy mới là đệ nhất Tổng tài) đã mang trong trận chiến ở Marengo cách đây hơn 200 năm đã được nhà Osenat tại Fontainebleau (Pháp) bán ra với giá 4,8 triệu euro, giá kỷ lục thế giới đối với các kỷ vật của Napoléon và đối với các loại vũ khí.

Bernard Croissy, một chuyên gia của nhà Osenat, cho biết thanh kiếm đã được một hậu duệ của Jérôme, một người em trai của Napoléon, mua với giá 4.811.754 euro. Ông Croissy nói thêm: "Đó là một kỷ lục thế giới đối với kỷ vật của hoàng đế Napoléon, đối với một thanh kiếm và đối với các loại vũ khí nói chung."

Được đặt trong một chiếc hộp gỗ bọc da, thanh kiếm Marengo dài 97 cm do công xưởng Versailles chế tác và được bản thân Nicolas-Noël Boutet, Giám đốc nghệ thuật của công xưởng, vẽ kiểu. Lưỡi kiếm có dáng cong rất đẹp làm bằng thép Đamát, có khả năng được luyện từ nhà máy Solingen và được chạm khắc bằng dung dịch cường thủy. Đầu chuôi kiếm có tượng Jupiter bằng vàng.

W76Xmjrk.jpgPhóng to

Thanh kiếm Marengo chụp ngày 18-5-2007 tại Fontainebleau

Trên bao kiếm bằng thép, người ta có thể đọc thấy hàng chữ: Kiếm của Napoléon vĩ đại tại chiến trường Marengo. Trong chiến dịch Marengo chống lại quân Áo, khi binh sĩ Pháp đang tuyệt vọng vì nghĩ rằng sắp bại trận, vị hoàng đế tương lai Napoléon đã xông ra trận tiền với thanh kiếm này để động viên tinh thần binh sĩ. Nhờ đó, quân đội Pháp đã chuyển bại thành thắng.

Sau đó, thanh kiếm Marengo được Napoléon tặng cho người em ruột Jérôme, sau này được phong là vương công xứ Westphalie. Từ đó, nó trở thành một phần trong bộ sưu tập của hoàng thái tử Victor Napoléon, con trai trưởng của Jérôme. Ngày nay, thanh kiếm Marengo được xếp vào loại di vật lịch sử và được định giá từ 1,2 đến 1,5 triệu euro trước khi đấu giá.

Theo nhà Osenat, đây cũng là thanh kiếm cuối cùng mà Napoléon sử dụng trong thời gian ông còn "tự do". Những thanh kiếm khác của ông đều được trưng bày trong các viện bảo tàng.

ID1Z8KFw.jpgPhóng to

Napoléon trên ngai vàng (tranh của Jean Auguste Dominique Ingres)

Một số vật dụng khác thuộc về Napoléon cũng được đấu giá. Một chiếc gậy chế tác thủ công bằng răng kỳ lân biển mà Napoléon sử dụng thời bị lưu đày ở đảo Saint-Hélène được bán với giá 97.200 euro. Một bức chân dung của Napoléon trong bộ triều phục vẽ theo trường phái Pháp thế kỷ XIX có giá 93.600 euro. Bản thảo tờ ly hôn của Napoléon với Joséphine ghi ngày 16-12-1809 cũng được ghi vào danh mục với giá 66.000 euro.

Ngày 3-7 tới, một bức thư tình của Napoléon gửi vị hôn thê - nữ tử tước Joséphine de Beauharnais - sẽ được nhà Christie's đấu giá ở Luân đôn, trong khuôn khổ đợt bán những bộ sưu tập thư tín của các nhân vật lịch sử lừng danh.

Trước đó, vào tháng 10-2005, một chiếc mũ hai mũi của Napoléon bằng da hải ly đã được nhà Christie's bán với giá 66.000 bảng Anh (97.020 euro). Xa hơn nữa, vào tháng 12-2004, tại khách sạn Drouot ở Paris, bản thảo duy nhất và chưa hề xuất bản của tập Hồi ký do Napoléon đọc cho thống chế Bertrand, các đại tướng Montholon và Gourgaud đã được một nhà sưu tập tư nhân Thụy sĩ mua với giá 293.945 euro.

TRẦN LƯƠNG CÔNG KHANH (Theo AFP)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên