11/07/2006 06:08 GMT+7

Thanh hao hoa vàng: cùng trồng, cùng khóc!

ĐỖ HỮU LỰC
ĐỖ HỮU LỰC

TT - Ít người trồng có giá, nhiều người trồng mất giá, đó là hoàn cảnh của nhiều hộ nông dân ở Vĩnh Phúc sau một thời gian được vận động trồng cây thanh hao hoa vàng (THHV) - một loại dược liệu để sản xuất thuốc sốt rét.

gM9ON5Zt.jpgPhóng to

Vợ chồng anh Mai Văn Hoan với tâm trạng chán ngán chờ đợi đến lượt đem TTHV vào cân hàng - Ảnh: Đ.H.L.

TT - Ít người trồng có giá, nhiều người trồng mất giá, đó là hoàn cảnh của nhiều hộ nông dân ở Vĩnh Phúc sau một thời gian được vận động trồng cây thanh hao hoa vàng (THHV) - một loại dược liệu để sản xuất thuốc sốt rét.

Vận động bỏ lúa trồng... hoa vàng!

Đứng bên bờ ruộng xanh ngút cây THHV, anh Nguyễn Văn Đồng (xã Kim Hoa, huyện Mê Linh) than thở: “Vụ này thua chắc rồi, hiện còn bảy sào THHV đang kỳ thu hoạch mà giá rớt thê thảm. Đầu tuần trước giá thu mua còn được 6.000 đồng/kg nay chỉ 2.000 đồng, phải nài nỉ họ cũng chưa chịu mua cho. Giá này thì đành để ở ruộng cho xong, nếu chặt mang về nhà mất công sơ chế, mệt thêm!”.

Anh Đồng cho biết có ngày vợ anh chở 2 tạ THHV đến điểm thu mua để bán nhưng người bán đông quá, chờ đến sẩm tối vẫn chưa đến lượt cân hàng lại phải mang về.

Tại một điểm thu mua THHV ở xã Quang Minh, huyện Mê Linh, cảnh tượng nơi đây nhốn nháo. Từ các ngõ ngách của thôn Chi Đông, xe cải tiến, xe máy, xe thồ... chở đầy các bao THHV đã qua sơ chế chất ngổn ngang dọc lối đi. Vợ chồng anh Mai Văn Hoan nói: “Ai ngờ năm nay THHV ế ẩm thế này”.

Năm trước gia đình anh trồng hai sào THHV sau bốn tháng chăm sóc bán lãi được 1,5 triệu đồng/sào. Thấy thu nhập gấp 3-5 lần trồng lúa nên vụ xuân năm nay gia đình anh dành hết bảy sào đất lúa xuân cho THHV. “Gay quá, giữa vụ gặt thế này không có gạo ăn, mà THHV thì không ăn được!” - chị Vân, vợ anh Hoan, ngao ngán nói.

“Nông dân thấy lãi thì trồng” - ông Nguyễn Văn Tích, phó chủ nhiệm HTX Can Bi (huyện Yên Lạc), cho biết. Năm trước, nông dân HTX Can Bi trồng toàn cây lạc, thấy các HTX bên huyện bạn trồng THHV có lãi gấp nhiều lần nên lãnh đạo HTX đã đi tìm hiểu rồi trở về vận động nông dân trồng THHV. Ban chủ nhiệm HTX cũng chủ động tìm đến các đơn vị bao tiêu sản phẩm để ký hợp đồng tiêu thụ.

Tuy nhiên, những đơn vị này chỉ đảm bảo tiêu thụ với giá từ 6.000-8.000 đồng. Dù nhiều bà con không chấp nhận giá này nhưng diện tích THHV cứ tăng đều. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Vĩnh Phúc, hiện toàn tỉnh có 3.364,7ha THHV, tăng 2.858,45ha so với năm 2005. Huyện có diện tích trồng THHV lớn nhất là Bình Xuyên với 990,6ha.

Tỉnh không chủ trương

Ông Tạ Văn Đình, nông dân xã Quang Minh, chỉ cho xem vết sưng trên mặt bị các nông dân khác... đánh vì “tội” vác hàng chen vào bàn cân của chủ mua trong khi chưa đến lượt. “Thu hoạch một sào THHV bây giờ chỉ 200.000 đồng. Nhưng không bán được thì biết làm gì” - Ông Đình chua xót nói.

Theo giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Vĩnh Phúc Phùng Quang Hùng, tỉnh không có chủ trương phát triển trồng cây THHV. Cách đây vài tháng, thấy phong trào trồng cây THHV bùng phát, sở đã khuyến cáo bà con nên cẩn trọng về “đầu ra”. Thế nhưng người dân bị hấp dẫn bởi một vài gương người tốt việc tốt làm giàu từ cây THHV, lại được thông tin rộng rãi trên một số phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.

Thêm nữa, vụ THHV năm 2005 thắng lớn khiến nông dân đổ xô đi mua giống THHV về gieo trồng. Không cách nào khác, sở lại vào cuộc bằng cách tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân cách sơ chế, bảo quản sản phẩm THHV.

“Hiện Vĩnh Phúc đã lâm vào khủng hoảng thừa THHV, bà con đang lo đầu ra trong khi các đơn vị thu mua lại mua cầm chừng vì họ cũng phụ thuộc các chủ hàng nước ngoài. Tuy nhiên, đơn vị nào đã ký hợp đồng thu mua với bà con thì phải thực hiện đúng hợp đồng, nếu không chúng tôi sẽ hướng dẫn dân đi kiện!”- ông Hùng nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại Vĩnh Phúc có 10 công ty chuyên thu mua THHV. Tuy nhiên, họ chỉ thỏa thuận miệng với người trồng về thu mua sản phẩm. Duy nhất chỉ có Công ty Sơn Dương là ký hợp đồng với hai xã Đại Đình và Đạo Trù (huyện Tam Đảo) nhưng lượng THHV ở nơi này lại không nhiều. Phần lớn THHV được trồng và tiêu thụ theo giá thị trường. Nguồn cung tăng trong khi nhu cầu không tăng đã đẩy người dân trồng THHV vào chỗ lao đao.

Mặc dù tỉnh không chủ trương và đã có khuyến cáo trước, nhưng cái cảnh thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào này lặp đi lặp lại thì không biết đến khi nào đời sống nông dân mới khá lên.

ĐỖ HỮU LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên