02/03/2006 12:08 GMT+7

Tháng 3 Tây Nguyên là tháng ba nào?

Theo Sài Gòn tiếp thị
Theo Sài Gòn tiếp thị

Một ca khúc nổi tiếng về Tây Nguyên mở đầu bằng câu thơ: Tháng ba mùa con ong đi lấy mật/ Mùa con voi xuống sông hút nước/ Mùa em đi phát rẫy làm nương/ Anh vào rừng đặt bẫy cài chông… Tháng 3 ấy là tháng 3 nào?

3Q0TFTw2.jpgPhóng to
Một ca khúc nổi tiếng về Tây Nguyên mở đầu bằng câu thơ: Tháng ba mùa con ong đi lấy mật/ Mùa con voi xuống sông hút nước/ Mùa em đi phát rẫy làm nương/ Anh vào rừng đặt bẫy cài chông… Tháng 3 ấy là tháng 3 nào?

Tháng 3 của đồng bào Jrai, Bahnar, ÊĐê, M’nông…..hay tháng 3 dương lịch, tháng 3 âm lịch? Hóa ra, đồng bào Tây Nguyên có hẳn một lịch pháp khác. Xin bắt đầu từ những ghi chép về người Bahnar tỉnh Gia Lai.

Khi đất trời từ đông sang tây đều vận hành theo chu kỳ biểu kiến của mặt trăng hoặc mặt trời 12 tháng một năm với trên dưới 365 ngày thì đồng bào Bahnar chỉ ghi vào bảng nông lịch trí nhớ và truyền khẩu của mình chẵn 10 tháng cho 1 năm! Vậy thì, một năm bắt đầu và kết thúc như thế nào?

Nông lịch của người Bahnar

Vì không sử dụng ký tự, giấy má để ghi chép nên lịch pháp Bahnar tựa hẳn vào thiên nhiên. Nó có thể nhanh hoặc chậm đôi ba ngày mỗi năm. Điều đó trong tư duy của đồng bào là có thể chấp nhận được.

Có một vài dấu hiệu để nhận biết thời gian. Ấy là khi cây blang(pơlang) trổ bông, trời hanh hao nắng, mùa vụ thu hoạch đã xong và đồng bào sẵn sàng bước vào chu kỳ lễ hội. Nghĩa là, vào thời điểm ấy, tất cả các tháng dương lịch và âm lịch đều không nằm trong "bộ nhớ" Bahnar. Đồng bào gọi thời gian này là khei mônh Yuăn và khei bar Yuăn tức là "tháng 1 và tháng 2 của người Kinh".

Từ xa xưa, người Bahnar vẫn quen gọi đây là thời điểm (hay là tháng - khei) ning nơng - nghĩa là "nghỉ ngơi". Ning nơng là thời gian của lễ hội, vui chơi và giao đãi. Đây là thời điểm mà tâm hồn Bahnar rộng mở, thoải mái nhất, mọi người có thể vui chơi, uống rượu quên cả tháng ngày!

Thực ra, thời điểm được gọi là ning nơng hết sức tương đối, không chỉ 2 mà có thể kéo dài đến 3, 4 tháng trong năm, tuỳ lúc, tuỳ nơi… Một năm chỉ có 10 tháng của công việc. Hai tháng (hoặc hơn thế) để xả hơi cho một năm vất vả có là quá nhiều hay như thế mới phù hợp? Câu trả lời đúng nhất chỉ có được từ phía chủ nhân lịch pháp ấy.

Sau ning nơng là thời vụ nông nghiệp. Khoảng tháng 1, tháng 2 cùng với việc chặt cây, phát rẫy, đồng bào tranh thủ làm việc nhà: dọn dẹp, sửa sang sàn mái, làm vách… Đây cũng là thời điểm các lễ cúng nho nhỏ (kuai hoặc sơmah tơ dak mat atâu) như cầu mưa được tiến hành.

Tháng 3, tháng 4, sau khi hoàn thành việc trồng tỉa (với lễ cúng jơmul), lúa bắp còn đang cựa mình nảy mầm, khi mưa xuống thì bắt cá, soi ếch, đi săn… Đây cũng chính là lúc một vài lễ cúng của gia đình diễn ra, cầu mong lúa bắp tươi tốt.

TBBzQZpu.jpgPhóng to
Tháng 5 cùng với việc làm cỏ lúa - choh anhet (có lễ cúng sơmah ba - xin cho lúa tốt,cỏ không lấn lúa) - những tay sát cá, sát thú có một vị trí đặc biệt trong cộng đồng. Khi tiếng sấm ì ầm xa dần, lúa đã đứng lá, bắp đã căng trái, đi giữa những vạt lúa ngút ngàn xanh, thỉnh thoảng có làn khói thơm bay lên từ các nhà rẫy (ku hoặc nơnơh). Ấy là mùi bắp nướng, bắp rang quyến rũ.

Tháng 6 đến với vài lễ cúng muộn ở từng gia đình (ming mir), cầu xin thần linh mang lại sự an lành cho mẹ lúa. Những triền bắp cũng đã được thu hoạch, trái chất thành đống. Ở nhiều vùng, bà con còn giữ một tục lạ là lễ sơ ủ - cúng xin thần linh ban cho mình quyền ăn quả đầu mùa (chủ yếu là bắp) mà không bị đau bụng. Đồng thời, ngày nay nhiều nhà vẫn duy trì lễ gai ăn, cúng dâng hoa trái đầu mùa cho yang - thần linh.

Tháng 7 với những bận rộn rào giậu rẫy nương, làm con bù nhìn hay ngồi trong chòi rẫy gõ ống lồ ô đuổi chim. Lúc ấy, đất trời mênh mang xanh, thức ăn không hiếm, bắp lúa hứa hẹn bội thu nên lòng người vui tươi, hăm hở. Một lễ cúng sớm không nhất thiết phải lớn nhưng trang trọng được nhiều gia đình tổ chức là sơmah kech ba - cúng xin thần linh cho phép gặt lúa.

Khi bông lúa chín dần cũng là lúc chuyển sang tháng 8 Bahnar. Dầu bận bịu đến mấy, tâm trí người làm nông vẫn dành cho những buổi cúng tạ ơn đất trời và cây cối - các đấng bậc đã ban lộc cho mình. Nhiều nơi tổ chức lễ et yot (jok) bngol - uống hồn lúa, trong phạm vi từng nhà.

Lúa gặt xong, tháng 9 no đủ bình yên đến khi mọi người quây quần bên ghè rượu để "tính sổ" làm nông năm này, trước khi cùng nhau đổ lúa vào kho bằng lễ cúng sơmah tơ hao ba - đưa lúa lên chòi. Trong rất nhiều âm thanh rộn ràng, đã nghe đâu đó tiếng thử chiêng, tiếng vỗ trống xem mặt da có còn căng…

Tháng 10 náo nức vụt đến rồi lẹ làng ra đi với lễ cúng đóng cửa kho lúa (teng amăng, còn gọi là chruh) chếnh choáng men. Cánh cửa kho lúa khép lại cũng đồng thời là lúc cánh cửa lễ hội mở toang. Tháng 10 đã hết, ning nơng chính thức lại về và cuộc vui lại tiếp tục quấn quít chân người từ sàn nhà mình đến nhà rông, ra bãi cỏ…

Không chỉ là lịch

Ning nơng là tất cả. Bao nhiêu chuyện vui buồn của con người dường như đều chờ để được diễn ra một cách đầy đủ nhất vào dịp này. Cúng làng ở nhà rông vui đến tuyệt đích, bỏ mả ở mảnh đất phía tây vui đến tận cùng. Đó là một không khí rộn ràng khăn áo mới và tưng bừng những lời nói…

Vui thì rõ rồi nhưng vẫn có những chuyện khác xảy ra trong dịp này. Đó là những việc liên quan đến các già làng (kră pơlei). Mười tháng qua, những chuyện phải trái, đúng sai đều sẽ được giải quyết triệt để tại đây.

Những khúc mắc, xích mích, hận thù dần vơi đi sau những lời phán xét công minh của các già. Ghè rượu, con gà có thể là vật chất bị hoặc được phạt tuỳ theo mỗi bên đúng sai nhưng chắc chắn và quan trọng hơn, nó sẽ là vật liên kết mọi người lại trong tinh thần thoải mái của cộng đồng, như chưa từng có chuyện gì xảy ra trước đó…

Có thể ví nông lịch Bahnar là một diễn trường rộng rãi mà mọi hoạt động của cả tộc người này đều diễn ra trong đó. Mọi hành vi, suy nghĩ của con người nơi ấy đều liên quan đến nghề nông còn khá sơ khai. Nông nghiệp chi phối và quy định cách ứng xử của con người đối với thần linh và tự nhiên, của con người với con người…

Tiếng chiêng, hơi rượu luôn song hành cùng chủ thể văn hoá với những lễ thức đậm đặc chất lao tác nương rẫy. Nông lịch Bahnar như một viên thư ký lặng lẽ ghi chép những điều ấy vào ký ức và trí nhớ người dân nơi đây.

Thời gian đã làm thay đổi nhiều thứ, trong đó có cả những biểu hiện tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Dù vậy, như cây blang đầu làng nở hoa hằng năm, như chim hót lảnh lót mỗi ban mai, nông lịch Bahnar với bao điều kỳ thú vẫn tồn tại. Khi người Việt tất bật hào hứng đón xuân sang thì người Bahnar đắm mình trong ning nơng cổ truyền của mình.

Và như vậy, "tháng 3" nêu trên hẳn là tháng 3 dương lịch - tức tháng đầu tiên trong bảng nông lịch Bahnar. Từ việc này, nảy một suy luận vui nhưng lại rất đúng: đồng bào Bahnar không tính những "tháng ăn chơi" vào nông lịch hàng năm.

Theo Sài Gòn tiếp thị
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên