Ngày nhà báo Chánh Trinh còn sống, ông vẫn hay nhắc đến cái tên Lưu Tấn Liêm. Bóng đá Sài Gòn xưa đặt cho danh thủ này biệt hiệu “thần mã” vì một lối chơi bóng sắc sảo, mạnh mẽ. Người hâm mộ cũng từng có lúc phải xuýt xoa trước những cú “lắc” bóng, qua người đầy tinh tế của anh em nhà Ba Đẻn.
Đến lượt mình, Hồng Sơn cũng từng có những giây phút làm khán đài chao đảo bằng một lối chơi tinh quái, đầy chất lãng tử. Gần nữa là Văn Quyến. Về mặt cá nhân tôi không thích Quyến, không thích cái sự khệnh khạng, tự tôn của một chàng trai sớm mắc bệnh sao, dù rằng nếu nhìn vào hoàn cảnh thì cũng có thể cảm thông cho Quyến đôi điều. Song phải khẳng định Quyến là một tài năng. Thứ bóng đá mà Quyến chơi trong những ngày phong độ là một loại hàng hiếm khó tìm. Hồi Hồng Sơn thi đấu, sân Cột Cờ luôn chật ních người. Người ta đến để xem Thể Công và cũng để xem Sơn đá ra sao, có bộc lộ “chiêu” gì mới? Ngày Quyến vẫn còn là Quyến, không ít người giật mình khi thấy sân Vinh nhiều fan nữ quá! Hỏi ra mới hay các cô nàng đến sân chỉ vì muốn tận mắt xem “thằng béo” trình diễn…Thần tượng - nó đích thực là một thứ giá trị trong bóng đá. Với nó, sân cỏ sẽ nóng hơn và những khán đài sẽ sôi nổi, cuồng nhiệt hơn. Nhưng bây giờ thì “bói” mãi cũng không tìm nổi một thần tượng cho bóng đá VN.Thế hệ vàng với những cái tên như Công Minh, Huỳnh Đức... người đã giã từ sân cỏ, người thì "sống" leo lét tại một vài CLB nào đó. Thế hệ vàng ngày ấy giờ chỉ còn là một hoài niệm xa xôi. Các “ngôi sao” mới nổi (cứ tạm gọi thế!) bỗng nhiên đồng loạt xuống dốc. Phan Thanh Bình “tịt ngòi” từ sau SEA Games 22.
Công Vinh sau vài khoảnh khắc thăng hoa trong màu áo đội tuyển vài tháng trước, giờ chỉ còn hai chữ: mờ nhạt. Văn Quyến thì khỏi nói, vì từ lâu cậu ta đã không còn là mình nữa rồi... V-League 2005 đi qua sáu vòng đấu, nhìn vào danh sách giội bom mà thấy thương cho các chân sút VN. Vì những cái tên dẫn đầu chỉ toàn là hàng ngoại, nào Da Silva, nào Amaobi, nào Kiatisak. Nhiều người tự hỏi: các chân sút nội đâu rồi?Bóng đá VN rõ ràng đang rơi vào cảnh thiếu nhân tài. Không có mấy các cầu thủ gây được những đột biến đầy ắp cảm xúc trên sân cỏ, càng không có các thần tượng trong mắt người hâm mộ. Trong trận đấu Hòa Phát Hà Nội gặp Pjico SLNA, tôi hỏi một khán giả trên sân Vinh: “Anh đến sân để làm gì?”. Và câu trả lời: “Để xem những đồn đại về việc ai đó “bán độ” là thực hay hư!”. Hóa ra 10 năm trước người ta đến sân còn để “ngắm nghía” các thần tượng. Bây giờ người ta đến sân để xem các “mầm bệnh” liệu có tác oai tác quái hay không!
Đau thật!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận