Nhân đọc bài Tham nhũng phổ biến nhất ở lĩnh vực địa chính, nhà đất
Thật đáng buồn cho tình trạng tham nhũng ở nước ta đang diễn ra với phạm vi quá rộng nhưng càng buồn hơn khi tham nhũng lại xảy ra ở những người có chức cao vọng trọng, đã giàu rồi còn muốn giàu hơn.
Sự thật qua cuộc nghiên cứu cho thấy có đến gần 1/3 cán bộ trả lời có thể tham nhũng và nó diễn ra nhiều hơn cả ở ngành là địa chính, hải quan và cảnh sát giao thông. Sự thật này phơi bày ra một thực trạng là cán bộ ở ta đã thoái hoá biến chất không còn có thể dùng được nữa. Luật Phòng chống tham nhũng vừa được quốc hội thông qua liệu có dẹp được nạn tham nhũng này không?
Hy vọng một cách khả thi đem lại từ luật này không cao vì số cán bộ có dính đến tham nhũng quá nhiều. Những người dám can đảm đứng lên chống tham nhũng cũng chỉ là một con chim lạc lõng trong bầy đàn, như một chiếc lá sắp rụng mùa thu. Kết quả nghiên cứu trên còn cho thấy một thực trạng là đất nước kém phát triển là do tham nhũng gây ra. Liệu có cách nào để tiêu trừ nạn tham nhũng khi mà nó đã phát tán mạnh như hiện nay?
Thay đổi toàn diện và căn cơ chính sách quản lý cán bộ
Những con số do bảng điều tra của Ban Nội chính trung ương đưa ra làm không ít người phải giật mình. Không giật mình sao được khi có tới 47% cán bộ được hỏi trả lời rằng sẽ nhận hối lộ hoặc có thái độ lưỡng lự (!). Làm một phép tính cộng có thể dễ dàng ra được con số 93,8% cán bộ có câu trả lời thuộc diện có thể nhận hối lộ khi có cơ hội thuận lợi. Con số này quả là quá lớn với một cuộc điều tra lấy ý kiến được thực hiện bởi một cơ quan có chức năng chống tham nhũng, không biết số phần trăm thực tế sẽ là bao nhiêu?
Qua kết quả của cuộc điều tra cho thấy tham nhũng, nhận hối lộ hầu như là một việc rất "bình thường" của cán bộ công chức, cũng đồng thời nói lên công tác quản lí và giáo dục đạo đức của cán bộ nhà nước là quá yếu kém. Tham nhũng được "di truyền" từ thế hệ này sang thế hệ khác trong các cơ quan, rất nhiều người muốn làm việc ở các cơ quan nhà nước phải nhờ vào cửa sau hay phải chi những khoản tiền ban đầu không nhỏ.
Mới đầu đã tiếp xúc với tiêu cực thì thử hỏi làm sao không bị lây nhiễm được. Còn đối với những người ban đầu trong sạch nhưng vì qua một thời gian dài ở trong môi trường này nên không ít người cũng đã xiêu lòng. Đó chính là nguyên nhân đưa đến những con số đáng báo động trên.
Nhà nước và nhân dân đang chuẩn bị rất nhiều để tiến tới đấu tranh quyết liệt với tham nhũng nhưng với tình trạng thế này thì có đủ tin tưởng về tính khả thi của nó hay không? Ai biết được những người có câu trả lời trong số 93,8% kia có nằm trong cơ quan phòng chống tham nhũng sắp thành lập? Chính sách và phương pháp quản lí của nhà nước đối với cán bộ công chức cần có một sự thay đổi toàn diện và căn cơ hơn nếu muốn giảm bớt và tiến đến xóa bỏ hẳn tình trạng tham nhũng đang ở mức nghiêm trọng như hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận