Kỷ niệm 95 năm ngày sinh Lý Tự Trọng (20-10-1914 -20-10-2009)
Thăm nhà anh Lý Tự Trọng
TT - Đến xã Thạch Minh (Thạch Hà, Hà Tĩnh, xã Việt Xuyên cũ) mới biết anh Lý Tự Trọng đang có một người em gái hương khói cho anh suốt bao nhiêu năm dù chưa hề biết mặt anh trai mình. Bà bật khóc khi kể về anh...
Bà Bảy thắp hương bàn thờ anh Trọng - Ảnh: Văn Định |
Đó là bà Lê Thị Bảy, năm nay 80 tuổi. “Nhà có bảy anh em, anh Trọng là con đầu, còn tôi là con út. Sinh ra tôi không biết mặt anh Trọng ra sao, chỉ nghe mẹ tôi kể anh là người thông minh, can đảm, dám cầm súng bắn chết một tên mật thám, nhưng không may bị giặc bắt và đưa lên máy chém” - bà Bảy bắt đầu câu chuyện về anh Trọng như thế.
Những năm tháng đó, làng quê Việt Xuyên nghèo đói quanh năm. Trước sự áp bức của thực dân Pháp, ông Lê Hữu Đạt (thân sinh anh Lý Tự Trọng) cùng với một số người dân bỏ sang Thái Lan cầu thực. Với tinh thần yêu nước, trong một lần đánh đồn lính Pháp ở biên giới Thái - Lào, ông Đạt bị bắt. Đến khi được tự do, ông về tỉnh Na Khom sinh sống rồi nên duyên vợ chồng với bà Nguyễn Thị Sờm, một Việt kiều cùng quê và lần lượt sinh được bảy người con.
“Ở Thái Lan gia đình tôi vốn là nơi nuôi dưỡng cán bộ cách mạng. Nhờ sớm hiểu biết, khi nghe các chiến sĩ cách mạng nói về cảnh lầm than, đau khổ của dân tộc dưới chế độ thực dân phong kiến, anh Trọng đã sục sôi tinh thần yêu nước, chí căm thù giặc. Không lâu sau anh đi hoạt động cách mạng” - bà Bảy kể.
Năm 1926, anh Trọng đi Quảng Châu (Trung Quốc) học tập thì bà Bảy vẫn chưa chào đời. Đến những năm anh Trọng hoạt động cách mạng bí mật ở Sài Gòn (1929- 1931) bà Bảy mới được sinh. Bà Bảy chưa tròn 2 tuổi, anh Trọng bị thực dân Pháp đưa lên máy chém. Sau khi anh Trọng mất, cha và các anh trai Lê Văn Đại, Lê Văn Năng, Lê Văn Tăng của bà Bảy vẫn tiếp tục con đường làm cách mạng. Thực dân Pháp đã đến bắt mẹ và ba chị em bà giam vào nhà tù, một thời gian mới thả về.
Năm lên 4 tuổi, bà Bảy mới thật sự nghe mẹ mình kể về anh Trọng. “Mẹ tôi kể năm 10 tuổi anh Trọng theo ông Nguyễn Ái Quốc làm cách mạng và được Người đổi họ Lê sang họ Lý để hoạt động. Sau một thời gian học tập ở Trung Quốc, anh Trọng được cử về Sài Gòn. Tại đây anh làm đủ mọi công việc, vừa làm nhiệm vụ liên lạc. Bao nhiêu công việc được giao anh đều hoàn thành. Ngày 9-2-1931 tại Sài Gòn đã diễn ra một cuộc mittinh lớn: tung truyền đơn, cờ đỏ búa liềm... Để bảo vệ cuộc diễn thuyết của chiến sĩ cách mạng Phan Bôi, anh Trọng đã bắn chết tên mật thám Legrant. Do quân lính tứ bề bao vây, anh Trọng đã bị bắt!”.
Giọng bà Bảy nghẹn lại khi nói về cái chết của anh Trọng: “Ngày thực dân Pháp đưa anh Trọng ra pháp trường xử chém, mẹ tôi cứ thẫn thờ đi tới đi lui, không ăn một hạt cơm, không nói nửa lời với ai. Nỗi đau mất con như xé nát ruột gan bà. Sau này cứ mỗi lần nhắc đến anh Trọng, bà lại không kìm nén được lòng mình, người lại đổ bệnh, hao gầy đi trông thấy. Đến khi mất, bà cũng cố ngước đầu nhìn bàn thờ anh Trọng lần cuối”.
Ngày 20-10, diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 95 năm ngày sinh của anh Trọng. Bà Bảy nói sự cống hiến của anh Trọng cho cách mạng nước nhà đã được sử sách ghi tạc. Nhà thờ anh Trọng chính là ngôi nhà thờ họ Lê. Năm 1995, anh em trong họ Lê đã quyên góp xây dựng lại nhà thờ họ mình, rồi dành một gian thờ anh Trọng. Từ đó du khách thập phương đến thắp hương mới gọi là nhà thờ Lý Tự Trọng.
VĂN ĐỊNH
Nhiều hoạt động kỷ niệm 95 năm ngày sinh Lý Tự Trọng * Ngày 19-10, tại quê hương của người anh hùng Lý Tự Trọng đã diễn ra nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh của anh. Sau khi dâng hương ở nhà thờ Lý Tự Trọng, Đoàn thanh niên Bộ Công an đã khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hơn 500 người già có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, trao nhà tình nghĩa cho gia đình anh Nguyễn Đình Tứ (xóm 8, xã Thạch Minh), tổ chức giao lưu văn nghệ. * Cùng ngày, tại công viên Lý Tự Trọng (thị trấn Thạch Hà), Bảo tàng Việt Nam phối hợp với Tỉnh đoàn Hà Tĩnh khai mạc trưng bày chuyên đề “Lý Tự Trọng - sáng mãi tên anh” với gần 200 tư liệu, hình ảnh, hiện vật có giá trị lịch sử về người anh hùng Lý Tự Trọng, đồng thời trao giải cuộc thi tìm hiểu “Cuộc đời và tấm gương hi sinh của anh hùng Lý Tự Trọng”. * Hội trại thanh niên Hà Tĩnh đã được khai mạc tại sân vận động huyện Thạch Hà, với sự tham gia của 37 tổ chức Đoàn trong tỉnh Hà Tĩnh. Chương trình của hội trại kéo dài trong hai ngày 19 và 20-10...
* Sáng nay 20-10, Thành đoàn TP.HCM tổ chức tọa đàm “Lý tưởng cách mạng của thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế” tại Trường đoàn Lý Tự Trọng (Q.Thủ Đức). Nội dung buổi tọa đàm nhằm tăng cường giáo dục về truyền thống yêu nước, lý tưởng cộng sản sáng ngời của đồng chí Lý Tự Trọng cho lớp đoàn viên, thanh thiếu nhi trong thời đại hôm nay. VĂN ĐỊNH - KIM ANH - TUẤN KIỆT |
Khi mỗi người trẻ nghĩ về lý tưởng Sáng 19-10, thầy và trò Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã tổ chức rước và đặt tượng anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng cùng những tóm tắt về tiểu sử, cuộc đời hoạt động của anh trong nhà truyền thống của trường. Cũng trong các hoạt động nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng, nhiều cơ sở Đoàn tại TP.HCM đã tổ chức tọa đàm trong hai ngày 18 và 19-10. Từ câu nói thể hiện khí tiết của người cộng sản trẻ Lý Tự Trọng năm xưa: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”, nội dung các buổi tọa đàm xoay quanh chủ đề lý tưởng của người trẻ trong giai đoạn hiện nay. Tại Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, bạn Nguyễn Thị Dung (lớp 08CĐ-M) cho rằng lý tưởng cách mạng của thanh niên hiện nay phải là “cùng góp tay xây dựng đất nước XHCN, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội”. Theo bạn, biến lý tưởng thành hiện thực là một quá trình đòi hỏi nhiều nỗ lực, do vậy mỗi người trẻ phải biết tự trang bị kiến thức cho chính mình mới có thể đáp ứng được yêu cầu xã hội. Nói đến lý tưởng của người trẻ phải nói ngay đến sự cống hiến, tình nguyện vì cộng đồng. Theo SV Phan Tấn Lực (Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng), lý tưởng ấy phải là không chủ quan trước mọi âm mưu trong thời bình. Song song với việc trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, mỗi người trẻ còn phải biết luôn chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng tiếp bước cha anh góp phần bảo vệ Tổ quốc khi cần. Đã có nhiều suy nghĩ, tự vấn về trách nhiệm công dân của người trẻ. Một nữ SV đặt vấn đề vẫn còn trường hợp các bạn nam đăng ký theo học một trường nào đó chỉ để trốn tránh thi hành nghĩa vụ quân sự chứ không thật sự yêu thích ngành họ theo học, đó có phải là biểu hiện của sống không có lý tưởng? Suy nghĩ này đã nhận được sự đồng tình của một số bạn nam có mặt tại buổi tọa đàm ở Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng. Và không chỉ sống không có mục tiêu, a dua theo bạn bè, thuận theo số đông, không ít người trẻ hôm nay còn chạy theo lối sống thực dụng chỉ nghĩ cho riêng mình. QUỐC LINH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận