![]() |
Sóng thần tại Penang, Malaysia, ngày 26-12 |
Ông Charles McCreery, giám đốc Trung tâm Cảnh báo sóng thần khu vực Thái Bình Dương (TBD) của Mỹ, cho biết trung tâm đã làm tất cả có thể nhưng không nối được liên lạc với những hệ thống cảnh báo trong khu vực.
Vài phút sau khi phát hiện động đất ở Sumatra, nhóm khoa học Mỹ tại trung tâm đã tiếp xúc với các giới chức hải quân Mỹ, Úc, các đại sứ quán Mỹ ở châu Á và Bộ Ngoại giao Mỹ, nhưng họ không thể cảnh báo được thảm họa sóng thần sắp xảy đến cho người dân các nước bị ảnh hưởng nặng nhất như Ấn Độ, Thái Lan và Sri Lanka.
Trung tâm này chỉ phát một bản tin liên quan đến sóng thần đến những nước khu vực TBD có thuê bao dịch vụ của họ (lắp đặt hệ thống cảnh báo sóng thần), trong đó có Úc và Indonesia. Theo ông Waverly Person thuộc Trung tâm Dự báo động đất của Mỹ, nếu có một cơ quan báo động thiên tai thì có thể cứu hàng ngàn sinh mạng.Hiện tại, các hệ thống báo động sóng thần và sóng cao được thiết lập tại vùng duyên hải TBD và Nam Mỹ. Ngoài ra, các trung tâm báo động động đất và sóng thần ở Hawaii và Alaska được đặt dưới sự quản lý của Viện Địa chất Mỹ (USGS).
Trong khi đó, theo USGS, các nước trong vành đai lửa ở khu vực Ấn Độ Dương với trình độ dân trí không cao đang là một trở ngại cho việc thành lập một hệ thống báo động thiên tai hiệu quả. Trong khi đó, giới chuyên gia nói số người thương vong trong vụ sóng thần ở vùng Nam Á có thể được hạn chế nếu Ấn Độ và Sri Lanka tham gia một hệ thống cảnh báo quốc tế được thành lập năm 1965 sau vụ động đất 9,2 độ Richter ở Alaska năm 1964 (cũng gây ra sóng thần).
Hệ thống này nhằm báo động cho các nước về những đợt sóng lớn nhiều khả năng gây tàn phá ở vùng duyên hải trong vòng từ 3-14 giờ. Mặc dù năm ngoái các nước Nam Á đã thảo luận về việc lắp hệ thống báo động sóng thần nhưng các nước này không muốn tham gia vì hiện tượng thiên nhiên này khá hiếm ở vùng vịnh Bengal.
Các nhà khoa học cho biết hệ thống ghi nhận động đất đã đo được có một cơn địa chấn mạnh nhưng vì không có các bộ cảm biến ở Ấn Độ và Sri Lanka nên không thể xác định được hướng đi của sóng thần.
Nhật đối phó sóng thần như thế nào?
Do thường xuyên bị sóng thần đe dọa, các vùng ven biển ở Nhật đều lắp đặt hệ thống bảo vệ người dân trong trường hợp xảy ra thiên tai: hệ thống loa phóng thanh để báo động cho dân chúng, xây dựng các bức tường bêtông sát bên các khu dân cư dễ bị ngập nước với các cánh cửa kim loại tự động đóng lại trong trường hợp nguy hiểm.
Người dân được thông tin đầy đủ các lộ trình sơ tán và các địa điểm tập trung tránh thiên tai. Ngoài ra, cơ quan dự báo động đất của Nhật liên kết chặt chẽ với các nước vành đai Thái Bình Dương nhằm phối hợp các dữ liệu thu được để phòng ngừa sóng thần. Trung tâm báo động sóng thần đặt tại Hawaii có nhiệm vụ tập hợp các thông tin từ những nước cộng tác này.
Sóng thần (tsunami, theo tiếng Nhật, có nghĩa "sóng mạnh ở cảng") là sóng biển mạnh do động đất, núi lửa phun hoặc đất chuồi dưới đáy biển tạo ra. Khi sóng thần được tạo ra ở ngoài khơi xa, sóng còn rất nhỏ và yếu vì nước quá sâu, nhưng là một chuỗi sóng có tốc độ rất cao, lên đến 800km/giờ. Càng gần bờ, sóng thần càng cao hơn, có thể đến 20m nhưng tốc độ giảm bớt. Đối với những người trên bờ biển khó biết sóng thần sắp tiến về phía mình. Dấu hiệu đầu tiên là nước biển chậm chạp cuộn lên với những con sóng không đổ, chứ không như sóng mạnh của bão sắp tới. Sóng thần đã được nhắc đến từ thời Thượng cổ. Năm 365, sóng thần tại Alexandria (Ai Cập) làm hàng ngàn người thiệt mạng. Sóng thần tai hại nhất trong lịch sử loài người xảy ra ngày 27-8-1883 sau khi núi lửa Krakatoa tại Indonesia phun: 36.000 người thiệt mạng trên bờ biển Java và Sumatra. Ngày 17-7-1998: sóng thần làm hơn 2.100 người chết tại Papua New Guinea. Ngày 16-8-1976: hơn 5.000 người chết tại vịnh Moro, Philippines. Ngày 22-5-1960: sóng thần cao 11m làm hơn 1.000 người thiệt mạng tại Chile. Ngày 15-6-1896: sóng thần cao 23m làm hơn 26.000 người thiệt mạng trong một lễ hội tôn giáo ở Nhật Bản. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận