22/08/2010 04:04 GMT+7

Thăm đại bản doanh của Ngô Quyền

TRƯƠNG ANH QUỐC
TRƯƠNG ANH QUỐC

AT - Từ thành phố Hải Phòng đi đường An Hải dọc theo con kênh An Kim Hải dưới hàng phượng trổ hoa đỏ thắm, ta đến được ngôi từ Lương Xâm. Ngôi từ Lương Xâm (phường Nam Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng) thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền và hiện vật của trận đại chiến trên sông Bạch Đằng oanh liệt. Chính trên nền từ Lương Xâm, trước kia vốn là đại bản doanh của Ngô Quyền đóng quân trong trận chiến thắng quân Nam Hán năm 938.

1rXFkYS1.jpgPhóng to
Từ Lương Xâm

Ngôi từ hướng mặt ra dòng sông Bạch Đằng, phía trước là bãi đất rộng, ngày trước là nơi thao trường và điểm quân. Bên trong khuôn viên từ có các cây gạo và cổ thụ hàng ngàn năm tuổi rợp bóng mát. Quanh từ có bốn giếng Mắt Rồng ngày trước quân sĩ đào lấy nước nấu nướng và sinh hoạt.

Ngược dòng lịch sử, năm 937 Kiều Công Tiễn giết hại Dương Đình Nghệ để đoạt chức tiết độ sứ. Năm 938 con rể Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền kéo quân từ châu Ái (Thanh Hóa) ra Đại La trừ phạt tên phản nghịch. Kiều Công Tiễn lo sợ bèn sai sứ sang cầu viện binh Nam Hán. Vua Nam Hán sai con trai Lưu Hoằng Tháo đem quân sang cứu viện. Quân Nam Hán chưa đến nơi thì Ngô Quyền đã chém đầu Kiều Công Tiễn nhưng Hoằng Tháo vẫn tiến quân sang để giành lại chức tiết độ sứ.

Biết Hoằng Tháo sẽ đi theo đường sông Bạch Đằng để tấn công Cổ Loa, Ngô Quyền đã cho quân đóng cọc gỗ mai phục. Với tài quân sự mưu lược và lòng chiến đấu dũng cảm, Ngô Quyền đã thắng vài chục vạn quân Nam Hán trong thế chẻ tre, chém đầu tướng Hoằng Tháo. Sông Bạch Đằng trở thành dòng sông lịch sử.

Năm 939 Ngô Quyền xưng vương lập nên nhà Ngô, chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Ngô Quyền là vị vua đầu tiên của nước ta xưng vương sau khi giành lại chủ quyền từ phong kiến phương Bắc. Để tưởng nhớ công ơn và tài đức của tiền Ngô Vương, các triều và dòng họ Đinh, Lê, Lương, Nguyễn đã ban sắc phong tôn xưng ông là "Thượng đẳng tối linh đại vương", "Ngô Vương thiên tử", "Ông tổ phục hưng" cho nền độc lập tự chủ và cho xây dựng ngôi từ Lương Xâm mà bia tiên công tiên phối còn khắc tên. Từ gồm ba cung chính:

hNr2XdOS.jpgPhóng to

Cọc Bạch Đằng

1. Đệ Nhất (gian trong cùng): thờ ngai Thánh thượng Ngô Quyền, ỷ và cấm cung. Cấm cung cất giữ những cổ vật quý và những sắc phong của các triều đại vua. Chỉ những ngày lễ lớn mới được mở cửa cấm cung.

2. Đệ Nhị (gian giữa): nơi thờ hai vị thân sinh Ngô Vương. Hai bên Đệ Nhị còn thờ hai cụ có công lớn trong chiến thắng Bạch Đằng là Ngô Tất Tố và Ngô Gia Luận (đều là người làng Gia Viên, Hải Phòng ngày nay).

Ở khoảng giữa là nhà Kính Thiên đặt kiệu vua Ngô Quyền sơn son thếp vàng với đôi lọng vàng rất trang trọng và uy nghiêm. Hai bên Kính Thiên là hai nhà cầu, nơi các quan và chức sắc ngồi bàn bạc. Nhà cầu bên phải đặt chiếc thuyền rồng bằng gỗ, nhà cầu bên trái trưng bày ba cọc gỗ lim Bạch Đằng vót nhọn, chứng tích lịch sử không du khách nào không cúi đầu bái phục. Không bái phục sao được, chỉ cọc gỗ thôi mà giữ yên bờ cõi lưu danh sử sách! Như câu đối trên đôi liễn trong từ: Đằng hải ba bình thần uy danh lưu Nam Quốc sử/ Loa Thành đỉnh định thánh triều huy chấn địa thiên thư. Đúng thế, chiến thắng Bạch Đằng rung động cả trời đất, là tấm gương đời đời cho con cháu noi theo.

3. Đệ Tam (gian ngoài cùng): gian lớn nhất đặt các bàn thờ hành lễ. Kiến trúc chạm trổ hoa văn tinh xảo rõ nhất ở Đệ Tam. Các thượng chồng (đầu cột và kèo) đều chạm khắc tứ linh (long ly quy phụng), các bức liễn bằng gỗ quý đen bóng ca ngợi vua Ngô Quyền và chiến thắng lịch sử bảo vệ toàn vẹn non sông. Các cánh cửa được khóa bên trong bằng nêm kéo trên đà cửa không khỏi làm cho du khách ngạc nhiên. Thăm từ Lương Xâm ta tìm hiểu được kiến trúc xây dựng và chạm khắc xưa, nhất là thời triều Lê và Nguyễn.

Nét đặc biệt của từ là cờ phướn tung bay quanh năm suốt tháng, bên trong các cung hai màu đỏ vàng chủ đạo càng tạo nên vẻ cổ kính và trang nghiêm. Khi được hỏi vì sao các cây cột gỗ lớn có dấu mộng bị cắt thì bác thủ nhang Lương Văn Mùng xuýt xoa mà bảo rằng ngày còn nhỏ bác thường ra từ chơi, thấy các gian và nhà cầu có sàn gỗ lim thông suốt từ ngoài vào trong, sau đó sàn bị tháo dỡ đi hết nên mới còn lại dấu đà này. Nhờ sự trông nom và lau chùi cần mẫn của ban khánh tiết mà nội thất trong từ sáng bóng.

Năm 1880 vua Tự Đức ban sắc phong 17 xã thờ Ngô Quyền. Hiện nay có 22 nơi thờ Ngô Quyền và từ Lương Xâm được tôn là từ Cả. Với vẻ đẹp độc đáo, năm 1986 từ Lương Xâm được xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đài tưởng niệm anh hùng dân tộc Ngô Quyền vừa được xây bên cạnh từ là điểm nhấn mới.

Mỗi năm ở từ Lương Xâm có ba lễ hội nhằm vào các ngày âm lịch 16-18 tháng giêng (ngày giỗ, Ngô Quyền mất ngày 18), 12 tháng 3 (ngày sinh) và kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng 14 tháng 8. Nếu thăm từ Lương Xâm vào những ngày lễ hội sẽ đông vui với các lễ cúng bái rước kiệu và các trò chơi dân gian, còn đến những ngày thường du khách sẽ được bác thủ nhang mặc đồ mộc đội khăn đóng hướng dẫn rất tận tình.

Thăm từ Lương Xâm không những ta được chiêm ngưỡng kiến trúc cổ độc đáo của cha ông, có dịp ôn lại lịch sử vẻ vang của dân tộc, mà còn biết được đời sống tâm linh thờ cúng các anh hùng dân tộc và giữ gìn văn hóa truyền thống đáng quý của người dân Hải Phòng.

45GivDEf.jpgPhóng to

Áo Trắng số 14 (ra ngày 1-8-2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

TRƯƠNG ANH QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên