![]() |
Hôm qua em ở đâu?
Và ở đâu giờ này?
Con đường nào em đi, khi đã quên ánh mắt nhìn của anh, những bước chân
Những lời anh nói...
Hôm qua em ở đâu?
Cửa sổ nhà em tối đèn
Điện thoại lặng thinh như nấm mộ
Anh một mình
Chiếc đồng hồ của anh lặng lẽ gõ nhịp
Mưa xối xả rơi xuống cửa sổ như lần ấy
Em ở đâu hôm qua?
Và ở đâu giờ này?
Những giọt mưa nhỏ làm ẩm đất!
Tình yêu thấm vào anh
Như mưa thấm vào đất
Còn em đi đâu
Và chính em không biết
Vì sao em không ở nhà
Sau hai hai giờ.
Pavel Novacki
Như vậy là không một lời nào.
Chỉ có thơ và chữ ký.
Nhưng ngần ấy là hoàn toàn đủ để làm Aniela bị chấn động. Cuối ngày – nhưng vẫn là thứ năm, mồng một tháng Chín – nó đã thuộc lòng bài thơ của Pavel, hơn thế, nó còn thuộc từng từ với nét bút bi bay bướm, từng dấu chấm, từng dấu phảy, từng chỗ gạch và tất cả cách quãng giữa các dòng. Nếu chú ý rằng, nó nhận thư từ tay Pavel mới chỉ lúc gần mười bảy giờ, thì điều này chứng tỏ một cái gì đó.
Lúc ấy Pavel đưa cho nó chiếc phong bì đã đề địa chỉ và dán tem, nhờ nó gửi express hộ, và gửi ngay hôm nay. Hắn không giải thích tại sao lại không thể tự mình ra bưu điện được, nhưng vấn đề là đương nhiên; chẳng có gì khó nhận thấy khi Danuska và con bé mắt xanh đang ở trong phòng hắn, cả ba đang nghe Jimmy Hendriks. Khoảng năm giờ rưỡi có thêm một người nữa đến – chân dài, tóc cắt ngắn, người đen vạm vỡ với cái mũi to, mọi người gọi anh ta là Jurek hoặc là Hajduk. Trong khi đại diện của tuổi trẻ các trường trung học phổ thông ăn mừng ngày đầu tiên của năm học thì đại diện của tuổi trẻ các trường học nghề được phó giám đốc Dabrovna giục đi làm, bà cắm chiếc bàn là như thao diễn và lệnh cho nó là cả một đống quần áo.
Song Aniela quyết định không thèm để ý đến cách ứng xử chẳng ngon lành gì của bà chủ. Nhốt mình trong phòng tắm và với trái tim run rẩy, nó mở cái phong bì vừa được dán. Nhưng vào khoảnh khắc cuối cùng, nó chợt nghĩ rằng, nếu ví dụ Pavel muốn viết thêm gì đó vào thư, thì cái phong bì bị người giúp việc mở ra có thể khiến hắn phải nghĩ nhiều. Chắc chắn là sẽ không bao giờ hắn còn sai nó thực hiện trọng trách này nữa. Và như thế thật không tốt, vì nhận thư thẳng từ tay hắn, Aniela sẽ lợi hơn về thời gian được mấy ngày.
Nó dừng lại ở đoạn bóc phong bì, và phải cố gắng lắm mới làm được điều đó, ngoài ý muốn. Đầu tiên nó là áo của ông Novacki, còn của Pavel nó để lại làm món tráng miệng. Khi đã xếp cái đống nhỏ thơm bởi bàn là vào tủ của ông chủ, nó âu yếm là tất cả áo của Pavel, hôn trộm lên cổ áo hoặc măng-séc, cuối cùng sau khi chuẩn bị xong bữa tối phụ cho Marzenka, nó nhận được tín hiệu mong ước, là nó có thể về nhà.
Cánh cổng chỉ vừa đóng lại sau lưng là nó mở ngay thư. Ngồi trên bậu cửa, trong những vệt sáng chiếu qua ô cửa kính màu, nó đọc hết bài thơ, khóc vì cảm động, làm ướt cả phong bì lẫn tờ giấy vì những nụ hôn, cuối cùng nó hiểu rằng chuyện đã rồi, chấm hết. Cho đến lúc này vẫn còn khả năng là nó rút lui trong tự trọng, nhưng giờ đây đã có một cái gì đó thay đổi về cơ bản. Rõ ràng là nó được người ta viết tặng một bài thơ thực sự, mà lại là thơ tình chứ!
Đúng ra mà nói thì trong vấn đề này có những điểm gây nghi ngờ. Ví dụ lý do để Pavel quyết định một lựa chọn thi ca đi xa đến như vậy là không rõ ràng. Nếu như coi bài thơ này như một thông điệp, mà rõ ràng là nó mang hình thức đó, thì có thể giả thiết rằng tác giả của nó đứng dưới cửa sổ của Aniela, lo lắng vì thấy cửa sổ tối đèn. Sau đó về nhà, xem đồng hồ và lo lắng, không hiểu Aniela lang thang ở đâu trong đêm và tại sao nó lại không có nhà sau mười hai giờ đêm. Hình như người đó còn gọi điện mấy lần (hãy xem đoạn kể về chiếc điện thoại im lặng như một nấm mộ tối). Nếu xem xét những gợi ý này theo đúng nghĩa của từng câu chữ, thì có thể giả thiết rằng Pavel hoặc là biết hiện giờ Aniela đang sống ở đâu (nhưng nếu như biết thì tại sao anh ấy còn viết thư về Leba nhỉ?), hoặc là anh ấy ở Leba và đứng dưới cửa sổ nhà nó, sau đó đến tối thì gọi điện đến nhà bác Kurk. Và ở chỗ này vấn đề là hoàn toàn không hiện thực, bởi vì bao giờ nhà bác Kurk cũng có người ở nhà vào buổi tối, Philip thường đi ngủ lúc mười chín giờ ba mươi, còn Marylka, cho dù về nguyên tắc là một người cẩu thả, thì cũng không thể để con một mình ở nhà được. Ngoài ra ông của Kurk còn nghiện xem phim trên vô tuyến và không rời cái máy cho dù lấy mười phút. Nếu đúng là có điện thoại, thì chắc chắn ông của Kurk phải nhấc máy vì ông rất thích liên hệ với mọi người.
Như vậy thì đúng hơn là không nên hiểu tác phẩm của Pavel hoàn toàn theo nghĩa đen. Từ cả bài thơ đó, chỉ tính đến một điều: tình yêu thấm vào Pavel như mưa thấm vào đất. Cuối cùng thì anh ấy đã thú nhận điều đó.
Đúng thế!...
Tối.
Vợ chồng Mamert đã cho bọn trẻ con đi ngủ, họ ăn tối với Aniela, nó chẳng nói câu nào còn họ thì nhìn vào chiếc TV im lặng, chỉ có Thời sự Tối đang nhấp nháy. Họ đợi để bọn trẻ ngủ say, khi đó bố mẹ mới có cơ hội xem bộ phim nhiều tập Kojak.
Aniela không có ý định phí phạm thời gian cho những thứ vô bổ như vậy. Nó cám ơn vì bữa tối mà hầu như nó không đụng đến, về phòng mình và thận trọng khóa trái cửa lại.
Nó muốn một lần nữa, trong sự yên tĩnh tuyệt đối, đọc lại thư Pavel. Và nó cũng muốn viết trả lời. Ngay lập tức. Tuy nhiên, chỉ vừa lấy bức thư từ phong bì ra, chỉ vừa nhìn thấy những hàng chữ màu xanh không đều nhau, nó đã rơi ngay vào trạng thái lạ lùng như người mất hồn. Nó nằm trên ghế dài, không đủ khả năng để làm bất cứ việc gì, nó cứ nhìn chằm chằm vào bức ảnh Pavel và chỉ thỉnh thoảng nhìn sang bức thư.
Mấy phút trôi qua. Aniela chìm đắm trong mơ màng và nó thậm chí không thể đụng đậy được mấy ngón tay, mặc dù đúng ra là nó phải chuẩn bị tạp dề và túi để mai đến trường.
Sau một giờ đồng hồ, nó đột ngột đứng dậy, để lá thư lên giá và với ánh mắt cương quyết, nó đi theo cầu thang xuống chỗ điện thoại.
Với nét trang trọng của một quyết định trên khuôn mặt tái nhợt, nó quay số.
- Halô? – một giọng nam trung cất lên trong ống nghe.
- Chào anh, Pavel – nó nói bằng giọng bình thường của mình.
- Chào, ee... xin lỗi, ai đang nói nhỉ?
- Aniela Kovalik đây. Em gọi từ Gdansk, qua automat.
- Aniela!!! – Pavel bỗng bật ra.
- Vâng, là em...
- Anielka!!!
- Vâng... em muốn...
- Là em à?! Thật chứ?! Không thể tin được!...
- Em chỉ muốn được nghe thấy giọng nói của anh.
- Còn anh thì đang nghĩ đến em đây. Em có một trực giác thật kỳ lạ. Ừ... Thật sự anh không biết nói để em biết anh vui như thế nào vì em gọi điện. Em làm gì ở Gdansk thế?
- Em... vâng... , em đến đây thế thôi. Đi mua hàng. Và bỗng nhiên em muốn tán chuyện với anh kinh khủng.
- Anh mừng quá - Pavel nói, sau đấy là sự im lặng e ngại. – Anh... em đợi một chút nhé, anh chỉ đóng cửa lại thôi. Anh có khách. Em đợi chứ?
- Uhm – Aniela lầu bầu, cố nén cơn tức đang trào lên. Khách đương nhiên là Danusia và con bé mắt xanh với lại Hajduk rồi. Quên làm sao được rằng chúng nó đang ngồi ở đằng ấy! Sao nó lại không gọi muộn hơn, khi chắc chắn Pavel chỉ có một mình?
- Rồi – hắn lại vớ lấy ống nghe và nói. – Anh xin lỗi, nhưng... anh không muốn mọi người nghe thấy.
- Ai cơ? – Aniela hỏi hoàn toàn tỉnh táo. Thật tò mò, không biết câu trả lời sẽ thế nào.
- Mấy thằng bạn – Pavel trả lời, giọng hắn không hề do dự. – Bọn chúng đến nghe nhạc.
- Em có làm phiền anh không?
- Làm gì có chuyện! Anh thật mừng khi em gọi điện. Anh... hôm nay anh viết thư cho em đấy. Anh gửi qua đường bưu điện. Trong đó... trong đó có bài thơ của anh.
- Của anh à? – Aniela hỏi, người như tan ra vì cảm động.
- Ừ, đúng... – Pavel trả lời bằng giọng cello trầm. – Anh viết nó cho riêng em, Anielaka ạ. Bao giờ thì chúng mình gặp nhau?...
- Ôi, em không biết.
- Em viết là có thể vào Giáng sinh...
Bỗng nhiên nghe thấy tiếng gõ trong ống nghe và có thể nghe thấy tiếng Danuska từ xa:
- Pavel! Làm gì mà lâu thế! Hết phim rồi, vậy mà anh ấy vẫn nấu cháo!
- À - Pavel lúng túng, sau đó rõ ràng là hắn lấy tay che micrô, vì lúc này giọng hắn nghe như qua một lớp bông:
- Con em họ anh ở Gdansk gọi điện...
Không thấy tiếng Danka nữa, nhưng chắc nó phải hỏi có chuyện gì xảy ra, vì thấy Pavel nói thêm:
- Không, chẳng có gì quan trọng đâu, chú anh bị ốm. Thôi, em về phòng đi. Anh vào ngay bây giờ đây.
Một thoáng im lặng, cuối cùng Pavel nói, giọng rành mạch, rõ ràng:
- Anielka à...
- Vâng.
- Anh xin lỗi, làm câu chuyện bị ngắt quãng. Đó là con em gái anh, Marzenka. Một đứa trẻ dễ thương, chỉ tội hơi nhõng nhẽo.
- Aniela lập tức đỏ bừng mặt, nó cắn môi. “Đúng là đồ dối trá” – nó căm phẫn nghĩ.
- Chúng mình vừa nói chuyện gì ấy nhỉ? – hắn phân vân, còn giọng vẫn lơ đãng. – À, về chuyện em đến đây. Ừ, em đến chứ?
- Anh biết là - Aniela quyết định chỉ trong một khoảnh khắc và trả lời. – Có thể sẽ có khả năng đó. Em cũng rất muốn gặp anh...
- Ôi, vậy khi nào đấy? – Pavel trả lời có vẻ như hơi bối rối. Thật khó xác định những cảm xúc đang chế ngự hắn, vì xem chừng giọng hắn có vẻ không được rõ lắm.
- Có thể là vào thứ bảy được nghỉ gần nhất – Aniela nói nhát gừng. – Khi nào đến em sẽ gọi điện. Thế nhé. Em phải thôi đây.
- Anielka! Một chút nữa đã! Em có số điện thoại ở đấy không?
- ở Leba à? Không – nó trả lời ngắn gọn. – Em còn gọi nữa. Tạm biệt – nó gác máy.
“Thứ bảy! nó nghĩ. – Thứ bảy, thứ bảy, thứ bảy!”
Rozbrojek đã xí được bàn đầu. Đó là bàn cạnh cửa sổ, còn chính xác hơn, đó nói chung không phải là bàn học, mà chỉ là một cái bàn cũ kỹ có lớp vécni xám và chân bằng sắt mà chỉ cần khẽ kéo trên sàn nhà là đã phát ra tiếng kêu rất khó chịu. Lớp học của nó với Rozbrojek treo những tấm bảng màu lớn, trên đấy chỗ thì là những hình vẻ kỹ thuật rối rắm, chỗ thì là mặt cắt của những cái máy kinh khủng nào đó, chỗ lại là những mẫu chữ và những bảng biểu đang ngoác miệng ngán ngẩm.
Những ô cửa sổ lớn của lớp học nhìn sang bức tường rầu rĩ của một ngôi nhà và thậm chí dưới cạnh trên của cửa sổ còn có thể nhìn thấy cả một mảnh trời mà dường như bị phủ đầy bụi công nghiệp.
Còn trong lớp – không có lấy một người thân thiện.
Trên bàn đầu của mình, Aniela xoay người về tứ phía để điểm duyệt ba mươi hai khuôn mặt các bạn trai và gái, và nó buồn rầu nhận thấy rằng không nhìn thấy ở đây một đứa nào mà nó có thể, cho dù chỉ là có mối quan hệ bạn bè chứ đừng nói gì đến chuyện kết thân. Con bé tóc hung cao có nốt ruồi trên má tất nhiên là ngồi cạnh con bé mặt rỗ đang tươi cười. Chúng nói chuyện, mải mê với những điều thì thào tin cậy nên chẳng biết đến xung quanh có ai nữa.
Giống hệt như Aniela với Kasia hồi học phổ thông cơ sở ở Leba. Chúng cũng làm thành một đôi không thể tách rời. Và cũng chẳng nhìn thấy ai quanh mình, chỉ bận bịu với những bí mật và những chuyện hóng hớt của mình. Biết làm sao được, thời ấy đã qua rồi. Kasia là độc nhất trên thế gian này. Không thể có đứa bạn thứ hai như vậy được nữa. Đã không còn những buổi đi dạo cùng nhau, những điều tâm sự, hay những buổi tào lao rõ lâu bên cửa sổ khi bên ngoài hoàng hôn đang dần buông.
Kasia và Aniela biết nhau từ hồi còn bé, từ lúc mới đẻ chúng đã ở trong cùng một số nhà. Khi mẹ Aniela mất, mẹ của Kasia chăm sóc luôn cả đứa bé hàng xóm và kể từ đó bà coi Aniela như đứa con thứ ba của mình. Cho nên Kasia gần như là chị em. Không ai có thể thay thế được nó.
Chuông reo.
“Chúa ơi, mình làm gì ở đây thế này? – Aniela đột nhiên thấy hoảng sợ. – Mình cần những thứ này để làm gì?” Thầy chủ nhiệm vào lớp – trẻ, to cao, tóc hung, môi đỏ, chính vì lý do đó mà thầy được gọi là “Dâu tây” – khi Aniela quyết định chỉ đùa ở đây vài ngày nữa. Mai đã là ngày hẹn với Pavel rồi. Ngày mai tất cả sẽ được định đoạt. Nó sẽ thổ lộ với Pavel tất cả rồi nhắm mắt chờ đợi lời khuyên và một quyết định đàn ông của hắn. Có thể nó sẽ chuyển sang trường trung học phổ thông? “Mình sẽ không thèm học, đồ quỷ tha ma bắt, cái môn in ấn đại cương này!” – Aniela nghĩ vậy và thấy yên lòng. Vậy là thay vì tức giận, nó nghe hết bài chào hỏi của thầy chủ nhiệm, trong đó đầy những khoa học về hoạt động và nghĩa vụ của người công nhân được đào tạo trong nghề “kỹ thuật tái sản xuất”, bài nói toàn những điều kinh khủng theo kiểu: “quyền phủ định đa giọng”, “bản sao kê hiệu chỉnh trên thiết bị điện tử”, “in ốpxét”, “thiết bị khắc” và vân vân, bài nói đầy chất chỉ đạo về phòng cháy và nói chung những cụm từ cao giọng về sứ mệnh của người lao động trong ngành in xã hội chủ nghĩa.
“Thật ngán ngẩm” – Aniela nghĩ.
Còn Rozbrojek thì nghe. Một thợ in gia truyền. Hắn cứ việc nghe. Rõ rồi. Hắn cần phải nghe vì kể từ lúc này, đây sẽ là toàn bộ cuộc đời hắn. Còn Aniela sẽ nhẹ nhàng bay khỏi nơi đây. Vài ngày kiên nhẫn, còn sau đó sẽ quẳng cái chuồng này cho quỷ sứ để đi tìm một lời giải khác. Nhất định Pavel sẽ tư vấn. Ngày mai! Ngày mai rồi!
Trong những điều kiện dã man như thế này, thì ý nghĩ về Pavel là một cái gì đó tươi mới và dễ thương, đến nỗi Aniela tự nhiên rạng rỡ lên trong nụ cười. Rozbrojek liếc nhìn nó và ánh mắt của khuôn mặt rạng rỡ kia với ánh mắt tội lỗi gặp nhau, hắn hụt hơi và bất ngờ ửng đỏ như con gái.
Ngày thứ bảy được nghỉ đã đến, được nghỉ – nhưng không phải cho tất cả mọi người. Học sinh của trường Kỹ thuật In ấn, mà thực ra thì cũng như học sinh của tất cả các trường khác, ngày hôm ấy có nghĩa vụ phải trình diện tại cổng trường mình. Aniela cũng vậy, nó phải đến trường lúc tám giờ nên buộc phải gọi điện cho Pavel lúc sáu rưỡi sáng.
Nó nghe thấy giọng ngái ngủ của hắn trong ống nghe và ngay lập tức bằng sức mạnh của trí tưởng tượng, nó nhìn thấy cặp mắt xanh thẫm ấy, vẫn đầy giấc ngủ, mái tóc vàng ấy, rối tung trên gối, và trái tim nó tan ra bởi thứ mật ngọt ngào, chân nó quị xuống, giọng nói bắt đầu run.
- Em, Aniela đây – nó nói hối hả.
- Ô! – Pavel nói giọng vẫn chưa tỉnh. – Mấy giờ rồi nhỉ?
- Sáu giờ ba nhăm – Aniela trả lời, hơi cảm thấy bị tổn thương vì sự thiếu nhiệt tình.
- Lạy Chúa tôi!
- Aniela đang nói đây – nó nhắc lại vì đi đến kết luận là sự lạnh lùng của hắn là bởi hắn không nghe rõ khi nó tự giới thiệu.
- Đang ở Gdansk à?- Pavel hỏi, đã tỉnh táo nhưng chưa nhanh tới mức có thể bộc lộ sự vui mừng.
- Không. Ở Poznan.
- Ôi, thế thì tuyệt. Ông nghe này, tôi có thể mang cho ông mấy quyển sách về bán dẫn. Tôi sẽ rỗi vào buổi chiều.
Aniela sửng sốt.
- Ông nghe chứ? - Pavel khăng khăng. – Chiều, độ bốn giờ.
- Em không hiểu anh lắm, Pavel à - Aniela lạnh lùng dài giọng. – Liệu anh có nghe thấy em tên là Aniela Kovalik và em nhổ toẹt vào mấy cái bán dẫn của anh không?
Pavel đằng hắng đầy ý nghĩa.
- Không, ông không đánh thức mẹ tôi đâu – hắn nói. – Mẹ tôi dậy rồi.
- A, mẹ – cuối cùng thì Aniela đã hiểu ra và nó quyết định tỏ ra hào phóng. Vào sáu rưỡi sáng phó giám đốc Dabkovna có thể giống như một cái gì đó kiểu như bom hẹn giờ, không biết sẽ nổ lúc nào. – Thôi được. Thế thì em đề nghị... Mình có thể gặp nhau vào buổi chiều, tất nhiên là nếu như anh muốn...
- Đương nhiên!!! – Pavel nhiệt thành nói.
- Vào bốn giờ. Nhưng ở đâu? Trong một quán cà phê nào đấy?
- Chúa thương mại – Pavel nói một cách bí hiểm.
- Merkury – Aniela đoán. – Liệu trong “Merkury” có quán cà phê không?
- Có chứ.
- Trong “Merkury”, bốn giờ – Aniela nhắc lại tất cả các thông tin. – Em rất vui vì sẽ được gặp anh – nó nói thêm, không khỏi có phần cay đắng.
- Tôi cũng thế... – hắn trả lời giọng ấm áp.
- Được rồi. Anh đừng quên mang bán dẫn đấy nhé – Aniela tự cho phép mình và gác máy.
Bốn tiếng trong trường Kỹ thuật In ấn trôi qua như một giấc mơ vàng. Rất may là ngày hôm ấy các môn chuyên ngành không có trong thời khoa biểu và Aniela thậm chí còn có phần chú ý nghe các bài giảng về lịch sử, tiếng Ba Lan, lý và hóa, thỉnh thoảng nó chỉ bị rơi vào trạng thái hơi thẫn thờ khi nghĩ đến cuộc gặp buổi chiều.
Ngay sau tiếng chuông cuối cùng, nó nhét đại sách vào túi rồi chạy vội ra cửa, không để ý tí gì đến Rojek đang loay hoay dưới chân nó, lảm nhảm gì đó về phim ảnh. Trong thời điểm này, gã tóc hung không quan trọng tới mức nó không thèm trả lời gã ngay cả bằng ánh mắt mà chỉ vội vàng chạy theo cầu thang tối xuống tầng trệt.
Nó về nhà bằng taxi.
Tuyệt hảo. Nhưng nó còn bao nhiêu việc phải làm! Thứ nhất là gội đầu, thứ hai là phải ngẫm nghĩ xem nó muốn nói với Pavel cái gì, và thứ ba là phải quyết định mặc gì cho buổi hò hẹn đầu tiên này.
Vào ba giờ mười lăm, Aniela đứng trước Tosia lúc ấy đang rửa bát và đề nghị chị nhận xét một cách chân thành về hình thức của mình.
- Cô à, cháu đến chỗ hẹn – nó nói. – Cô phải cho cháu biết trông cháu như thế nào và liệu bạn trai cháu là người có óc thẩm mỹ khắt khe thì có thích cháu không.
Tosia coi lời đề nghị là hoàn toàn nghiêm túc. Chị quẳng việc rửa bát đấy, chùi tay và chăm chú nhìn đầu tiên là khắp người Aniela, sau đó là các chi tiết quần áo.
- Tóc mượt và bóng – chị nhận định. – Móng tay sạch. Chân váy nhung, áo cotton. Thế nào nhỉ, nếu là cô, cô sẽ mặc đến chỗ hẹn cẩn thận hơn, nhưng đó là thời xưa. Ừ, về tổng thể nhìn rất thân thiện. Mà sao cháu không đeo kính?
- Ôi, câu hỏi! – Aniela nói.
- Nhưng cháu đeo kính trông cũng hay như không đeo.
- Đeo kính vào, trông cháu khác hẳn. Anh ấy có thể sẽ không nhận ra cháu. Anh ấy bảo cháu có cặp mắt mong manh như mắt nai.
- Có cái gì đó thật – Tosia thừa nhận. - ánh mắt dịu dàng có tiếng của người cận thị, đúng không?
Aniela cười bẽn lẽn.
- Cô biết không - đột nhiên nó muốn tâm sự. – Anh ấy thật đặc biệt.
Tosia nhìn nét mặt bồn chồn của nó có phần thông cảm.
- Vậy thì cô đoán là cậu ấy khác hẳn với mọi người đấy.
- Ồ, chính thế! – Aniela nhất trí với sự ghi nhận cao về mức độ tri thức của Tosia.
Mamert vào.
- Xin chào – anh nói giọng mỏi mệt. – Mọi người ăn rồi à?
- Ăn rồi, ăn rồi. Ở bệnh viện thế nào? Sao lâu thế?
- À, sắp về thì lại có một bệnh nhân bị viêm màng bụng được đưa đến. Vỡ túi mật, khoang bụng bị bẩn. Ca trực hôm nay căng quá. Anh còn phải đến khoa nữa, những phải ăn cái đã. Bữa trưa có gì đấy?
- Gan gà - Tosia nói, vừa bật ga cho cái nồi sành. – Cả súp rau với xương nữa. Anh rửa tay đi.
Trong khi nhà phẫu thuật mệt mỏi rửa tay trong chậu rửa thì bên kia cánh cửa, bọn trẻ đã tiến hành chung kết trò bất ngờ của mình. Chiều hôm qua bà Lila dẫn chúng đến Nhà Hát Lớn xem “Kẹp hạt dẻ” và vở diễn hấp dẫn đến mức khiến cho Tomcio và Romcia bị chấn động. Suốt từ sáng cho đến khi bố đi làm về, chúng chỉ tập những bước nhảy đôi theo tổ khúc của Traikovski từ đĩa của hãng “Melody”, để có thể trình diễn vở ballet nổi tiếng theo phiên bản riêng của mình cho bậc phụ huynh mệt mỏi xem.
Tosia mang súp cho chồng. Mamert ngồi và đang nuốt thìa đầu tiên thì cái máy hát rống lên. Đó là cô cậu Mamert, mở bản overture và bắt đầu buổi trình diễn của mình từ điệu hành khúc. Cửa phòng bật ra và hai hình hài nhỏ bé lao vào bếp , điên cuồng, lùn tịt, quấn đầy người những rèm cửa và dải nơ cũ, với phụ trang là mũ của mẹ và cravát của bố, trang điểm bằng củ cải đỏ và sơn móng tay, râu và nốt ruồi được vẽ bằng bút kẻ mi. Lướt trên những ngón chân, chúng bay một cách hoa mỹ và xoay trong những cú xoay tròn tuyệt đẹp, khiến cho sàn nhà rung lên, tất cả xoong nồi trong tủ và nến trong ngăn kéo cũng chung số phận, các vị thần tàn nhang thực hiện kiệt tác của mình đầy xúc động. Cái máy hát khàn khàn một cách hào phóng, Mamert sửng sốt ngồi miệng há hốc, thìa súp đầy trong tay anh rung rung. Tosia, đã được xem toàn bộ vở diễn trước đó một tiếng, giờ xúc động nhìn những nghệ sĩ múa dũng cảm, thỉnh thoảng lại dùng dĩa đảo đảo trong xoong.
- Tuyệt – Mamert lắp bắp, khi điệu hành khúc kết thúc và tràn ngập một sự im lặng dễ chịu trước vũ điệu tiên đoán. – Tuyệt. Bố thật lòng thán phục. Đây đã là kết thúc chưa? – anh hy vọng hỏi.
Ngay lập tức anh được biết rằng đó mới chỉ là khởi đầu. Sẽ còn mấy đoạn nữa, bản valse của những bông hoa sẽ là hay nhất, nhưng phải sang mặt kia của đĩa.
- Anh không nhất thiết phải nhìn – Tosia vừa thì thầm một cách phấn khởi vừa đưa cho chống đĩa gan. – Chúng nó đã phát điên lên như thế thì chẳng nhìn thấy gì đâu. Anh ăn súp đi và mình nói chuyện với nhau.
Vũ điệu tiên đoán nhẹ nhàng và thanh thoát, bọn trẻ tan ra trong cơn hứng khởi. Mamert ăn hết bát súp trong những âm thanh run rẩy của cây đàn celesta và với tay lấy dao dĩa.
- Thế nào, một mình anh mổ à? – Tosia hỏi và ôm lấy vai anh.
- Ừ, gần như là một mình. Em biết đấy, ông già sẵn sàng cho phép tụi anh làm phẫu thuật, nhưng lần này tình hình quá xấu. Như anh kể đấy, ổ bụng bị nhiễm bẩn, sỏi đường mật, tất cả đã tan ra thành những mảnh nhỏ. – Anh cắt miếng gan bằng một động tác nhanh rất nhà nghề rồi nhai, vẫn không ngừng chia sẻ với vợ những chi tiết ly kỳ của cuộc phẫu thuật. – Bàng quang bị mưng mủ, ứ nước, nhu mô gan bị hoại tử. Thêm vào đó tụi anh còn phát hiện ra một hốc loét ở thành dạ dầy. Cần phải cắt bỏ ngay, đây, như thế này này! – anh thể hiện trên miếng gan gà một nhát cắt tương ứng.
Aniela suýt thì ngất xỉu. Những ông bác sĩ! Nó vội nuốt nước bọt và cố không nghĩ đến bữa trưa vừa ăn cách đấy không lâu và ra khỏi bếp. Với Tosia hôm nay thì đằng nào cũng chẳng nhằm nhò gì. Chỉ cần thấy bóng Mamert là với mụ gà mái nhà này không còn tồn tại bất cứ ai, kể cả những người hấp dẫn như Pavel.
Để hoàn thiện vẻ đẹp của mình, nó xịt đẫm nước hoa của Tosia rồi nhìn đồng hồ.
Ba rưỡi. Đến giờ rồi. Đến giờ rồi.
Ôi trời ơi, cứu tôi với!
Lên đường thôi!
Bà Lila hẹn với bà bạn gái đến uống cà phê ở khách sạn “Merkury”. Theo thường lệ, như đã quen từ nhiều năm nay, khách sạn này cho phép bà mỗi tuần một lần được hít thở không khí dễ chịu của những câu chuyện ngồi lê đôi mách đàn bà và buộc bà phải thực hiện một số cố gắng cho sức khỏe, đối với một người đàn bà có tuổi thì đó là đến hiệu làm tóc, sơn móng tay, chuẩn bị một phòng tắm kiểu phương nam và nói chung là chuyển từ đường ray của tuổi hưu ảm đạm sang đường ray mới mang tính quốc tế hơn.
Họ thường ngồi cạnh cửa sổ nhìn ra khu sân thượng của quán cà phê. Bao giờ họ cũng gọi “tổ chim” anh đào-kem và ly nhỏ cà phê sữa. Vào thứ bảy ấy, bà Lila ngồi đọc “Express Poznanski”, hút thuốc lá và chờ bà bạn đến, cho đến khi ngẩng đầu lên bà hơi ngạc nhiên vì nhìn thấy cô bé cùng nhà với mình đang ngồi ở bàn đối diện.
Aniela nom rất sạch sẽ và xinh xắn, không đeo kính và cố gắng ngồi thẳng người trước chai pepsi-cola của mình.
Khuôn mặt nó để lộ nét căng thẳng nhất định, Aniela nhìn quanh phòng, như thể đang cố tìm ai đó, nhưng vô ích.
Nhưng thấy rõ là cái ai đó ấy không hề có ý định đến. Nhiều phút đã trôi qua, Aniela đã uống hết chai pepsi-cola, sau đấy, rất ngượng, nó gọi thêm một chai nữa ở chỗ cô gái chạy bàn đang ngán ngẩm bên quầy phục vụ, và cẩn thận trả tiền hai chai. Nó uống một ngụm, lại nhìn ra phía cửa, rồi với một quyết định đột ngột, nó đeo kính vào. “Nào, ít ra thì bây giờ cũng có thể nhìn thấy cái gì đấy” – vẻ mặt của nó nói với bà Lila. Aniela nhìn ra hướng kia của quán, liên tục xem đồng hồ với vẻ căng thẳng. Khi cuối cùng nó cũng thấy ở tận phía trong quán một chàng tóc vàng, cao, đẹp trai đang đứng nhìn khắp lượt mấy bàn xung quanh, thì nó đã thực hiện một động tác đột ngột đến nỗi khuỷu tay nó hất đổ chai pepsi-cola. Cái chai vỡ tan trên nền nhà, nước bắn tung toé lên lối đi. Aniela sợ hãi, lúc này nhìn nó đúng như một kẻ với sự mặc cảm của dân tỉnh lẻ, nó sốt sắng lấy giẻ, chổi và cái hót rác từ tay cô chạy bàn đầy vẻ mỉa mai rồi biến mất dưới gầm bàn. Nó nhanh chóng lau khô chỗ ướt trên lối đi và hót các mảnh chai vỡ. Nó vừa kịp xong đúng vào lúc chàng trai tóc vàng, bị thu hút bởi tiếng ồn tại phần này của quán, đi đến chỗ bàn nó.
Đúng vào khoảnh khắc ấy, nó trồi lên sau lưng ghế và đứng như trời trồng trước hình ảnh chàng trai trẻ. Nó chết lặng, tóc rối tung, mặt đỏ dừ, một vạt tóc rơi xuống mắt kính dày của nó. Tay phải vò nhàu cái giẻ lau, tay trái cầm cái hót rác đầy mảnh chai vỡ, dưới nách là cái chổi.
Phải mất mấy giây im lặng lạ lùng. Cả hai nhìn nhau chòng chọc.
- Xin chào – cậu trai nói.
Aniela, đang đờ người vì ấn tượng, cười nhạt.
- Frania, em làm gì ở đây thế? – cậu trai hỏi. – Em có nói là làm cả ở Mercury bao giờ đâu?
ở bàn gần đó, bà Lila cảm thấy rùng mình bởi nhận thấy mình là nhân chứng của một khoảnh khắc quyết định nào đấy. Aniela mặt không còn hột máu. Trông cô bé như thể không cả mấp máy nổi môi.
Cậu trai cũng nhận ra điều đó.
- Sao, em sợ gì thế hả Frania – cậu ta nói. – Em làm ở hai nơi thì có gì xấu đâu. Anh cho rằng em là một cô gái dũng cảm và chăm chỉ – cậu ta nói với giọng kẻ cả, và Aniela phản ứng với điều này hết sức lạ: ấn cái giẻ lau vào tay cô chạy bàn, đặt cái xẻng lên bàn, lấy túi xách treo trên tựa ghế và vừa quẳng cái chổi đi vừa bước nhanh ra ngoài.
Bà Lila có mặt ở nhà vài phút sau khi Aniela về. Từ Tosia đang hoảng sợ, bà biết rằng ở đây đang xảy ra nhiều chuyện lạ. Hình như Aniela ào vào sảnh như một cơn lốc, lao ầm ầm lên gác, không trả lời ai, nhảy ngay về phòng mình rồi giậm chân, nguyền rủa và ném tứ tung đủ mọi thứ.
Cuối cùng, mệt lả, nó nhảy lên ghế dài, rúc vào một góc ghế, trùm chăn (kín đầu) và rơi vào trạng thái đờ đẫn đến phát sợ. Nó không nói, cũng không động tĩnh gì để phản ứng lại những câu nói động viên của Tosia, những trò ngốc nghếch của bọn trẻ và cuối cùng là tiếng đằng hắng không giấu nổi vẻ châm biếm của Mamert, lúc ấy phải đến bệnh viện để thăm bệnh nhân vào ca tối và anh muốn Aniela đừng có dọn sạch mọi chú ý của Tosia, vì anh đang muốn nói với vợ điều gì đó.
- Tất cả ra ngoài đi – bà Lila điềm đạm nói và đẩy đám người tò mò ra ngoài hành lang. Bà đóng cửa lại, ngồi xuống ghế cạnh Aniela và đương nhiên là châm thuốc hút.
Phải đến mười lăm phút trôi qua. Trong tĩnh lặng hoàn toàn, cuối cùng Aniela cũng thò đầu ra khỏi chăn. Khói thuốc của bà già nhả ra tạo thành những dải nhẹ nhàng chuyển động. Cặp mắt thê thảm của Aniela dõi theo chuyển động lặng lẽ của chúng, cuối cùng nó ngước mắt nhìn bà Lila.
Bà già nhìn nó đầy khích lệ.
- Sao, thế nào?
Aniela kéo chăn xuống đến ngực.
- Mọi chuyện sắp đặt thế nào đấy mà ta cũng có mặt ở Mercury. Ta ngồi đối diện với cháu – bà Lila nói.
Aniela lí nhí.
- Vậy thì bà đã biết chuyện đã xảy ra.
- Kể cũng hơi dở, nhưng cháu để bụng làm gì.
Sự sống lại nhập vào Aniela.
- Bà nói thì dễ! – nó chợt la lên. – Đã xảy ra một điều gì đó thật khủng khiếp!
- Ôi dào, khủng khiếp cái gì – bà Lila xem nhẹ nó. – Chẳng qua là nó nhầm cháu với người khác. Bao giờ ta cũng thấy các cháu trông giống hệt nhau trong những cái áo may-ô ấy.
- Đấy không phải là áo may-ô. Bà không hiểu đâu. Mà cũng chẳng có gì lạ. Chẳng ai có thể hiểu được chuyện này.
- Ta hiểu. Có thể nhìn ta thì không có vẻ như vậy, nhưng ta cũng đã có thời mười lăm tuổi. Ta có một bà chị gái đẹp, còn bản thân ta thì... ờ, biết làm sao được, dễ đoán ra thôi mà. – Bà Lila nhăn nhăn khuôn mặt dài và nhợt nhạt của mình như làm trò. – Chị Zofia của ta làm mẫu cho một tay họa sĩ vẽ tranh Madonna – cháu hiểu chứ, Madonna! Nói chung là trong nhà ta bao giờ cũng chật ních những kẻ phóng túng đủ loại, ai cũng yêu Zofia. Còn ta thì lại yêu một anh họa sĩ tóc xoăn tít đẹp tuyệt vời, trong khi anh ta không hề để ý gì tới ta.
Aniela tỏ ra quan tâm.
- Rồi sau đấy thế nào ạ?
- Có một lần, ngồi bên bàn, ta nhận thấy anh ta nhìn ta không dứt. Anh ta có cặp mắt thật là huyền bí... Ta cảm thấy thật hạnh phúc. Còn anh ta hỏi cha mẹ ta là anh ta có thể vẽ chân dung ta được không.
- Rồi sao, rồi sao?
- Cha mẹ ta đồng ý. Ta làm mẫu suốt hai tuần và yêu ngày một vô vọng hơn, trong thời gian ấy, thậm chí ta không được cả nhìn tới tác phẩm đang thành hình. Ta hình dung ra nó sẽ là một bức tranh đẹp như thế nào.
- Và có bức tranh chứ ạ? – Aniela tò mò hỏi.
- Có. Cuối cùng mọi người cho phép ta xem. Ta nhìn thấy một cảnh giống như là đêm trăng, những ngôi nhà trống không có cửa sổ, bầu trời đen, còn ở cận cảnh, giữa những con sóng là khuôn mặt nhìn nghiêng của ta, màu chì, hai mắt nhắm nghiền. Người ta yêu vẽ ta như một con dơi. Bức tranh có tên: Thành phố chết – bà Liala nói điều đó với vẻ mặt hài hước đến nỗi Aniela phì cười.
- Điều đó đúng là khủng khiếp thật – cuối cùng nó công nhận.
- Rất khủng khiếp. Ta đã khóc suốt ba tuần liền, không ăn uống gì và chỉ muốn chết. Nhưng sau đấy ta yêu một nhà thơ tượng trưng – cũng đơn phương, nhưng ít ra thì anh này cũng không làm thơ về ta...
Tâm sự kéo theo tâm sự. Aniela không cưỡng lại nổi mong muốn được thổ lộ mình với bà Lila. Nói chung, kể từ khi đến Poznan, nó cảm thấy khổ sở vì thiếu người để chia sẻ, mà những cảm xúc mà nó để trong tim thuộc loại, nếu không được thổ lộ, có thể sẽ dẫn tới sự bùng nổ nguy hiểm.
- Cháu cho bà xem cái này, được không ạ? – nó rụt rè lên tiếng.
Nó tung cái chăn len ra, đứng dậy mở ngăn kéo dưới của tủ quần áo và lấy ra một tệp thư của Pavel.
Độ nửa tiếng sau thì bà Lila đã hiểu mọi chuyện. Bà đọc những bức thư của Pavel, nghe tiếng kể thì thầm về cái ngày tháng năm đáng nhớ, khi Aniela làm quen với Pavel ở Leba, và được biết tất cả về nhân vật được gọi là Franciska Wyborek. Bà già ngồi trên ghế dài và phải cố gắng lắm để khỏi bật cười vì bà hiểu rằng cái đối với bà là buồn cười thì đối với cô bé mười lăm tuổi đang ngồi đối diện lại là một bi kịch thực sự.
- Cháu yêu quý của ta – cuối cùng bà lên tiếng – ở đây cháu có được một minh chứng tốt nhất cho sức mạnh của liên tưởng. Bởi vì rằng Pavel của cháu tưởng tượng ra Aniela Kovalik như một nữ thần của thi ca nên cậu ta không thể nghĩ rằng thiên thần ấy lại có thể chui dưới gầm bàn với giẻ lau trong tay và chổi quét nhà kẹp nách. Những vật dụng ấy khiến cậu ta liên tưởng tới Franciska Wyborek. Như cháu nói, cậu ta không có ảnh của cháu, vậy hẳn cậu ta đã quên trông cháu thực sự như thế nào...
- Ôi, đúng thế! – Aniela kêu lên tuyệt vọng. – Anh ấy đã quên! Anh ấy đã quên!
- Đúng, làm sao mà cậu ta có thể không quên! Cậu ta gặp cháu chỉ có một tiếng mà đã là mấy tháng trước đây rồi...
- Tất cả đã hết – Aniela nói với nụ cười ai oán. – bây giờ thì cháu đã biết: cho dù có gặp cháu trong bộ quần áo nào đi nữa, thì anh ấy vẫn chỉ nhìn thấy ở cháu Franciska. Cháu đã làm một việc quá ngu ngốc.
- Như vậy có nghĩa là không phải bao giờ nói dối cũng có lợi? – bà Lila tò mò.
Aniela liếc nhìn bà khó chịu.
- Nhưng không sao – bà Lila lường trước. – Ta không có ý định nói với cháu về đạo đức. Ta chỉ thú vị khi quan sát cái ý đồ nguy hiểm của cháu húc đầu vào đá như thế nào thôi. Sẽ còn nhiều tình huống như việc đã xảy ra với Pavel. Ở đây có một cái gì đó, hãy tin ta đi, điều dối trá sớm muộn gì rồi cũng lộ ra. Cũng giống như một tội lỗi hoàn hảo, bởi kẻ phạm tội không bao giờ có thể nhìn trước được tất cả. Vả lại, chẳng có ai trong chúng ta có thể nhìn trước được tất cả và có lẽ vì thế nên người ta cần hơn cả là một cuộc sống đơn giản và trung thực.
- Sống trung thực trong mọi tình huống? – nó hỏi giọng mai mỉa. – Nói chung, liệu có ai đó có thể trả lời cho cháu câu hỏi, cần phải sống như thế nào? Chắc hẳn là không một ai biết, kể cả những người lớn thông minh nhất.
- Trung thực và có ích – bà Lila nói ngắn gọn. – Tất nhiên là mỗi người hiểu điều này theo cách của mình. Còn đối với ta, đến cuối đời ta thấm thía rằng: ta cảm thấy xấu hổ nhất vì những lúc ta chỉ sống cho bản thân mình, lại càng xấu hổ hơn khi sống trên sự thiệt hại của người khác.
- Bà tổng quát hóa vấn đề - Aniela nói với vẻ mặt khôn ngoan. Nó cảm thấy khôn ngoan và cay đắng. Nó đã khôn ngoan và cay đắng. – Không có chỉ một sự thật và không có chỉ một cách trung thực. Nói chung là cháu quyết định không hy vọng vào bất cứ điều gì. Theo chương trình. Cháu tuyệt đối không tin vào bất kỳ một định nghĩa hay định luật nào, tất nhiên là ngoại trừ các định luật vật lý. Mà kể cả các định luật vật lý cũng có khi bị lung lay. Tất cả đều đáng ngờ.
- Ta nghĩ rằng – bà Lila nói, cố giấu đi nụ cười – cháu mà chịu khó học một chút về triết học thì sẽ có ích đấy.
- Cháu đã học một ít – Aniela trả lời tự đắc.
- Ồ, thế thì cháu có thể nhận thấy rằng cháu không phải là diễn viên đầu tiên của cái chương trình ngờ vực này?
- Tất nhiên, tất nhiên. Vậy nên cháu mới đi đến kết luận là đây không phải là một chương trình ngu ngốc.
- Ta sẽ rất tò mò – bà già nói – không biết cháu định sống ra sao một khi không có một điểm tựa nào, có nghĩa là tuyệt đối không tin vào bất cứ điều gì?
Aniela nhún vai và giữ vẻ nghiêm trang.
- Cháu sẽ tự lo liệu được.
- Tuy nhiên ta vẫn muốn khuyên cháu nên đọc về triết học. Nhất định cháu sẽ tìm được cho mình điều gì đấy.
- Những quan điểm nào đó của ai đó chăng? Bà nghĩ rằng cháu không thể tự lực được? – Aniela bực bội. Tại sao ạ, cháu muốn hỏi tại sao?!
- Tại vì ở khía cạnh nào đấy, các cháu đang bị thiếu thốn – bà Lila tuyên bố, thể hiện sự phản đối càng lúc càng cứng rắn hơn. – Sự chọn lựa thế giới quan của các cháu giống như sự lựa chọn món ăn trong nhà hàng mà ở đó người ta chỉ phục vụ bia và thịt băm viên. Đơn giản là sự lựa chọn chuẩn mực của các cháu bị giới hạn.
- Ồ, bà không đánh giá... không đánh giá chúng cháu đúng mức! – Aniela la lên, gần như giận dữ. – Lấy gì để kiểm tra sự đúng đắn của chuẩn mực và sự đúng đắn đó tồn tại được bao lâu trước khi nó đổ uỳnh xuống chân bệ? Nào, và sẽ ra sao một khi cháu đã chọn cho mình một chuẩn mực nào đấy và rồi khi thấy rằng nó không phải là đúng đắn thì cháu đã không thể thoát khỏi nó?!
Bà Lila cảm thấy mình đã xấp xỉ bảy mươi mà trong đầu vẫn đầy ứ những chuẩn mực đúng và không đúng, cả những chuẩn mực đã đổ uỳnh từ trên bệ xuống. Lũ trẻ nhà Mamert đã cứu bà khỏi cơn chóng mặt, chúng vừa chạy vào phòng vừa hát:
- Bà già có một con hươu cao cổ, con hươu cao cổ, bà nhét nó dưới gầm tủ... - những bài vè nổi tiếng là sở trường của hai đứa trẻ năng khiếu này. – Mẹ bảo đã xong chưa và ai muốn uống trà? – những giọng chói tai của dàn đồng ca nghịch âm thét váng lên.
- Thôi, ta sang nhà Mamert uống trà đi – bà Lila nhiệt tình bật dậy. – Tốt hơn là cháu không nên ngồi một mình mà rầu rĩ. À, mà cháu chỉ cần cho ta biết là sau những sự cố đáng buồn này cháu có còn làm cho nhà Pavel nữa không?
Aniela thở dài và trả lời rằng nó buộc phải làm. Vì nó đã nhận tiến tạm ứng rồi. Và nó đã tiêu hết sạch.
Nó vẫn cứ thở dài mà đi theo hai đứa trẻ nhà Mamert sang bếp. Nó nghĩ rằng bây giờ nó sẽ phải cứng rắn hơn nhiều, phải lý trí hơn nhiều để có thể chịu đựng cho đến mồng một tháng Mười trong vai Franciska. Nhưng biết làm sao được. Cần thiết thì vẫn cứ phải chịu thôi. Người khác thì có thể chuồn với khoản tạm ứng. Nhưng nó thì không. Nó là Tên-nói-dối, đúng thế. Nhưng là Tên-nói-dối trung thực theo cách của mình. Và chỉ có vậy.
Thứ hai, trường học buồn và khó chịu (như thường lệ). Robrojek vẫn hài hước và trung thành (như thường lệ), con bé tóc hung có nốt ruồi tên Joanna và vệ tinh của nó, Ola Sobkoviak – con bé có má lúm đồng tiền – vẫn rúc rích với nhau (như thường lệ), khi Aniela trả lời câu hỏi của thầy Dâu Tây. Chúng tự tưởng tượng ra rằng thầy Dâu Tây có cảm tình với Aniela. Trong các giờ giải lao, chúng bắt chước thầy, chúng giả giọng nói mượt như nhung của thầy, nói chung là chúng châm chọc Aniela bằng mọi cách có thể. Tuy nhiên, nó hoàn toàn xem thường chúng mà chẳng tốn công sức gì. Nó chỉ mải mê với ý nghĩ điều gì chờ đợi nó vào chiều nay. Vì hôm nay là ngày làm việc của Franciska Wyborek... Ôi, giờ đây làm ở nhà Pavel mới khó khăn làm sao khi nó đã mất hết mọi niềm hy vọng... Tối thứ bảy Aniela đã đủ bình tĩnh để có thể gọi điện cho Pavel – như là từ Gdansk. Nó xin lỗi vì đã thất hứa vào chiều hôm ấy. Nó không thể, nó nói, đến Mercury vào lúc bốn giờ được vì nó có việc phải đi trước đấy.
Aniela tội nghiệp cảm thấy giọng nói trong ống nghe có vẻ như đang khó chịu. Pavel nói lạnh nhạt và hình như hắn mong sao cho cuộc nói chuyện mau mau chấm dứt, như thể hai đứa chẳng có gì để nói với nhau.
“Thế đấy, được, được...” – Aniela nghĩ bụng trong lúc thầy Dâu Tây vừa hăng hái giảng bài vừa nhìn vào cặp mắt thông minh của nó, còn Ola và Joanna thì đằng hắng đầy ý nghĩa sau lưng nó. “Chiều nay chẳng dễ dàng đâu. Cần phải chú ý để khỏi tuột khỏi vai Franciska Wyborek”. Nó chủ ý tạo ra vẻ mặt hiểu bài và ánh mắt quan tâm. Thầy giáo nhìn thấy có sự hưởng ứng nào đấy ít ra cũng trên một gương mặt thì nghĩ rằng ấn tượng đầu tiên của mình là đúng: cô bé Kovalik hứa hẹn một năng khiếu lớn trong lĩnh vực in ấn.
“Và đồng thời – những ý nghĩ chạy trong đầu Aniela – đồng thời mình có thể kiểm tra xem thực ra thì điều gì đang xảy ra với Pavel và từ đâu mà lại có sự lạnh nhạt lạ lùng ấy trong giọng nói của anh ta”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận