21/10/2012 05:17 GMT+7

Tên của bà tôi

NGUYỄN THỊ MAI(Lớp 12/5, thpt Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tam Kỳ, Quảng Nam)
NGUYỄN THỊ MAI(Lớp 12/5, thpt Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tam Kỳ, Quảng Nam)

AT - Có một điều không phải ai cũng dễ dàng để tâm nhận ra là hầu hết các bà, các mẹ ở xóm nhỏ này chẳng có ai xưng hô bằng tên thật cả, mà người ta gọi chồng mình như thế nào thì mình cũng thế ấy. Ví dụ như bà Út Hôm, bà Ba Tăng, cô Một Việt...

Tôi chợt thấy chạnh lòng khi nghĩ tới bà nội. Người dân trong xóm quen gọi bà là bà Hai Thông hay bà Hai. Hai Thông là tên ông nội tôi, nên kể từ khi cưới ông, bà cũng phải làm quen với cách gọi mới. Bà tên Xuân - mùa xuân tràn đầy sức sống và sự trẻ trung. Và đôi lúc, tôi băn khoăn tự hỏi rằng, có lúc nào bà chợt cảm thấy xa lạ vô cùng với chính cái tên của mình hay không?

Bà theo ông năm hai mươi tuổi. Lấy ông, nghĩa là bà hi sinh tất cả vì ông, nhập cuộc đời mình vào đời ông. Tôi nhớ mình đã từng bật khóc khi nghe bà kể ngày đám cưới bà chẳng hề có chú rể, nhẫn cũng không và áo cưới chỉ là một cái áo dài cũ bà cố để lại. Trước đám cưới hai ngày, ông nội bị thương nặng. Nói là vợ chồng nhưng ông bà chưa từng được gặp nhau. Và ngày đầu tiên bà được nhìn thấy ông cũng chính là lúc bà đi thăm ông trong lần bị thương đó. Nếu bạn hiểu trái tim hai mươi của một cô gái xuân thì đợi chờ, mơ mộng nhiều đến thế nào, bạn sẽ đồng cảm với bà tôi khi hình ảnh trước mắt mình: một người đàn ông toàn thân cháy xém, quấn băng trắng toát, lại sẽ là người đi cùng mình suốt quãng đời còn lại. Ấy vậy mà ông bà vẫn sống rất tôn trọng, rất thương yêu nhau.

Bà tôi, ba mươi năm trôi qua là ba mươi năm chỉ biết sống vì chồng con, chỉ biết quanh quẩn nơi góc bếp, vườn rau. Cuộc đời bà chưa có cái gì gọi là riêng cả, ngay cả cái tên. Con người ta, ai cũng có những ích kỷ riêng cho bản thân nhưng thật đáng trân trọng thay khi bà tôi, cũng như vô số những người bà, người mẹ khác cả cuộc đời chưa hề nghĩ đến cái gọi là hưởng thụ. Ông tôi la đói, bà lập tức dọn cơm nước, ba tôi nhờ làm hộ việc gì bà cũng sẵn sàng mặc dù trong người đang rất mệt. Bà bất đắc dĩ lắm mới ở lại trưa nhà họ hàng vì sợ bữa cơm mọi người ăn uống không đàng hoàng dù trong nhà tôi ai cũng là người lớn cả. Bà đi cũng chẳng dám đi xa, nghỉ cũng chẳng dám nghỉ lâu vì cứ lo “ông cháu mày ở nhà ai chăm”. Càng nghĩ lại càng thương bà hơn khi mà thời đại ngày nay mấy ai còn có thể hi sinh nhiều đến mức như vậy, ngay cả chính bản thân tôi.

Cái tên, tôi đã nhiều lần hỏi nhưng bà bảo quen rồi và bà hạnh phúc vì điều đó, mặc dù, đôi lúc bà cũng thèm lắm ai đó bỗng gọi: “Xuân ơi!”.

vucD5hef.jpgPhóng to

Áo Trắng số 19 ra ngày 15/10/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

NGUYỄN THỊ MAI(Lớp 12/5, thpt Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tam Kỳ, Quảng Nam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên