Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân mong Trạng Tí phiêu lưu ký được đón nhận bất chấp vụ tẩy chay
Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với TS Lê Nguyên Phương quanh hiện tượng này ở góc nhìn rộng hơn.
TS Lê Nguyên Phương cho rằng tác động tích cực hay tiêu cực của hiện tượng tẩy chay - một phần của "cancel culture" - cần xét riêng từng trường hợp, thông qua nhìn nhận bức tranh toàn thể của sự việc.
Từ "cảnh sát lẽ phải" đến lôi kéo đám đông
* Văn hóa tẩy chay, "xóa sổ" (cancel culture) đến Việt Nam khá muộn nhưng đang ngày càng lan rộng và dữ dội. Đây có phải hiện tượng khó tránh trong môi trường mạng?
- Về vấn đề này, chúng ta có thể dịch là "hiện tượng" thay vì "văn hóa", và "hủy diệt" hay "hủy hoại" thay cho "xóa sổ". Chữ "cancel" được các quốc gia nói tiếng Anh sử dụng để chỉ hiện tượng này có thể bắt đầu từ việc tẩy chay không tiếp tục mua/xem dài hạn một tờ báo hay một đài truyền hình (cancel a subscription).
Hiện tượng này về bản chất đã xuất hiện trong lịch sử loài người, có thể từ khi con người biết sống quần tụ, biết sức mạnh của tập thể, sợ hãi bị tập thể bộ tộc bỏ rơi, có khái niệm "chúng ta" và "nó", theo xã hội học là "in-group" và "out-group".
Mạng xã hội chỉ giúp cho hành vi và tâm lý này được phổ biến nhanh, mạnh và nóng hơn. Ném một lời phẩm bình trên mạng vẫn dễ dàng và tiện nghi hơn việc ném một viên đá vào đầu kẻ "vi phạm đạo đức truyền thống" hay đi theo đám đông xem xử tử một "kẻ thù của nhân dân".
* Tẩy chay có hai mặt tích cực và tiêu cực. Lúc nào sự tích cực bắt đầu chuyển biến thành tiêu cực: từ phản kháng, thanh lọc trở thành tấn công cá nhân, triệt tiêu tranh luận văn minh?
- Hành vi "tẩy chay", như một phần của "hiện tượng hủy diệt", chỉ là một hành động hay một công cụ. Nó là một hoạt động của đời sống xã hội, nơi người dân như những cá thể độc lập thảo luận, nhận diện các vấn đề xã hội và có hành vi thích ứng để ứng phó hay giải quyết. Mỗi cá nhân đều có quyền yêu hay ghét, ủng hộ hay phản đối và thậm chí có thể liên kết hay vận động những người khác ủng hộ quan điểm và lập trường của mình.
Một chiến dịch tẩy chay hay ủng hộ có sức mạnh xây dựng hay hủy diệt. Tự thân diễn trình này phù hợp với tâm lý cá nhân và tập thể, và phù hợp với quyền tự nhiên của con người.
Tuy nhiên, việc lôi kéo đám đông để tẩy chay cũng như thái độ ta là "cảnh sát lẽ phải" có thể dẫn đến việc lạm dụng quyền lực để hủy diệt một cá nhân hay tập thể. Nó hiện diện trong mọi ngóc ngách của xã hội chứ không chỉ ở trên mạng.
Khi một học sinh, sinh viên không cảm thấy an toàn khi đặt một câu hỏi đi ngược với suy nghĩ chung trong lớp học thì chúng ta đã dung dưỡng một bầu không khí sợ hãi làm thui chột tư duy phản biện và sáng tạo của thiểu số nhưng tiên tiến của xã hội.
Hiện tượng tẩy chay trong mấy tháng qua có đối tượng là các nhân vật văn hóa giải trí - Ảnh: NVCC
"Không chịu được nóng thì đừng vào bếp"
* Từ phía những người có khả năng là nạn nhân: đã đến lúc họ phải đào luyện bản lĩnh "dám bị ghét", không để tẩy chay ảnh hưởng đến tâm lý và sự nghiệp?
- Có thành ngữ phương Tây: "Nếu không chịu được nóng thì đừng vào bếp". Nếu chúng ta là người của công chúng, dù là diễn viên hay người mẫu, dù là hoa hậu hay nhà văn, chắc chắn ta sẽ có cả fan lẫn anti-fan.
Vì vậy, việc chấp nhận sự phê phán của xã hội thông qua hành vi tẩy chay là một điều chúng ta nên sẵn sàng đón nhận, nhất là khi những điều chúng ta nói hay làm đi ngược lại quan niệm của một số đông.
Về mặt tâm lý, tôi vẫn nghĩ nó có mặt ích lợi vì sự phản đối giúp chúng ta bớt sự kiêu ngạo, đắc thắng nếu có, đánh giá lại cách chúng ta truyền đạt thông điệp của mình, tự phê các suy nghĩ và hành động của mình...
Sau khi lục lọi và đánh giá tâm hồn mình xong, nếu thấy mình đúng thì mỉm cười nhẹ nhàng đi tiếp. Còn sự nghiệp có ảnh hưởng thì đó cũng hợp quy luật thôi, dù cả khi chiến dịch tẩy chay đó được kích động bởi một thế lực bất chính. Vì đó cũng chính là một hiện tượng có khắp nơi, chỉ ít hay nhiều và người dân có được pháp luật bảo vệ không thôi.
Việc tẩy chay có thể ảnh hưởng đến một công ty ít vốn hay một cá nhân, tập thể ít quyền lực, thậm chí vô danh. Nhưng thật ra, đối với các công ty đa quốc gia có vốn và quyền lực mạnh lại có sự hậu thuẫn của chính quyền, những tổn hại của tẩy chay không ảnh hưởng bao nhiêu.
Ca sĩ Sơn Tùng M-TP, diễn viên Hải Tú bị kêu gọi tẩy chay vì tin đồn đời tư
Điều hòa cảm xúc, tránh bất cẩn
* Từ phía những người thực hiện tẩy chay: làm thế nào để hành xử văn minh, tránh khoái cảm khi làm tổn thương người khác hay tận diệt một sản phẩm?
- Trước tiên người thực hiện tẩy chay cần ý thức rằng đây là quyền của mình. Khi thực hiện quyền đó, chúng ta cần phải phân tích và đánh giá xem hành động của mình có đem lại lợi ích cho mình và cho người không. Cảm xúc là động lực của mọi hành vi, nhưng không ai hành động hoàn toàn theo cảm xúc.
Chúng ta thường cân nhắc về hành động có thể đem lại hậu quả cho bản thân, nhưng thường bất cẩn hơn khi không ý thức rõ ràng về hậu quả đối với người khác.
Với cá nhân, chúng ta có thể dùng mô hình của trí thông minh cảm xúc để chọn lựa hành động. Mô hình này gồm có việc ý thức về cảm xúc của mình lẫn người khác, song song với khả năng điều hòa cảm xúc của mình và ứng phó với cảm xúc của người khác. Hành động đối với bản thân và đối với người khác là một hành động trách nhiệm đối với an sinh của mình và người dựa trên sự thông hiểu và khả năng này.
* Đứng ở bình diện xã hội thì sao, thưa ông?
- Chúng ta cần một số tiêu chí chung để đánh giá. Chiến dịch tẩy chay có nhằm bảo vệ các giá trị nhân loại phổ quát, có căn cứ hay phát tán những thông tin sai lạc (fake news), có cổ vũ bạo lực, có sự thao túng của một thế lực để cạnh tranh bất chính đi ngược lại quy luật thị trường hay quyền của người dân...
Chúng ta cần xem đối tượng của tẩy chay có cụ thể và xác đáng không. Nhiều khi đối tượng của một phong trào tẩy chay không phải là kẻ thủ ác, mà chỉ là con dê tế thần của một định chế đầy quyền lực nằm phía sau. Thứ hai, phong trào có đưa ra yêu cầu cụ thể và hợp lý để đối tượng có thể thay đổi hành vi hay chỉ nhắm vào việc trừng phạt.
Và cuối cùng, tất cả mọi thông tin, giá trị, chiến lược của phong trào tẩy chay cần được minh bạch và công khai để tránh việc lợi dụng cho một mục đích bất chính nào khác.
TS Lê Nguyên Phương: Trong bài "Khách hàng tẩy chay như công cụ thay đổi cơ cấu", GS Valentin Beck thuộc Viện Triết học, Đại học Tự do Berlin (Đức) cho rằng hiện tượng này đang trở thành hình thức phản kháng xã hội đối với các công ty trong thời đại số vì những lý do như ô nhiễm môi trường, vi phạm tiêu chuẩn cho người lao động, ngược đãi súc vật, các chiến dịch vận động nghị trường bất chính, thỏa hiệp hay cấu kết với các chính thể phi chính thống, trốn thuế...
Ông Lê Nguyên Phương có bằng thạc sĩ tâm lý giáo dục và chứng chỉ hành nghề tâm lý học đường tại California State University Long Beach (CSULB); là tiến sĩ lãnh đạo giáo dục chuyên ngành tâm lý giáo dục tại University of Southern California (USC). Ông từng là chuyên gia tâm lý học đường Học khu Long Beach, giảng viên thỉnh giảng của Đại học Chapman và CSULB.
Ông là tác giả sách Dạy con trong hoang mang (2 tập).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận